Chắp cánh nông sản Tuyên Quang
Kể về chặng đường đưa cây thanh long đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, anh Đỗ Quang Chí, Giám đốc HTX Nông nghiệp Ánh Dương, thôn An Thái, xã Tân An (Chiêm Hóa) cho biết, trước kia khi chưa được chứng nhận đủ tiêu chuẩn GlobalGap và OCOP 4 sao đối với sản phẩm thanh long ruột đỏ, anh Chí chủ yếu bán thanh long tại các chợ đầu mối, đầu ra không ổn định.
Nhưng khi được tiếp cận các chính sách hỗ trợ và được hướng dẫn thực hiện chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGap, được cấp mã số vùng trồng trên diện tích 10 ha thanh long ruột đỏ và được chứng nhận OCOP 4 sao, nhiều đối tác đã tìm đến với anh để liên kết xuất khẩu sản phẩm thanh long ruột đỏ sang Trung Quốc. Hiện nay, trung bình một năm, anh Chí xuất bán 150 triệu tấn thanh long sang Trung Quốc, thu lãi trên 1 tỷ đồng sau khi đã trừ chi phí.
Anh Chí chia sẻ: “Trước đây mình chưa làm chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGap, mã số vùng trồng nói đến việc đưa thanh long đi xuất khẩu, nhiều người cho rằng đó là việc không tưởng, nhưng mình đã chứng minh việc đó người nông dân hoàn toàn có thể làm được nếu như chúng ta chuẩn hóa chất lượng nông sản theo tiêu chuẩn, quy chuẩn mà thị trường thế giới đưa ra. Khi sản phẩm của nông dân được liên kết quy mô lớn trên cơ sở đáp ứng được tiêu chuẩn, quy chuẩn thì việc xuất khẩu không có gì xa vời cả”.
Sản phẩm thanh long ruột đỏ của HTX Nông nghiệp Ánh Dương (Chiêm Hóa) đã được chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGap
đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc.
Đồng chí Vũ Đức Tráng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TP chè sông Lô cho biết, hiện công ty có 440 ha vùng nguyên liệu chè ở thành phố Tuyên Quang và huyện Yên Sơn, trong đó có 40 ha chè đã được chứng nhận VietGap và 60 ha đã được cấp mã số vùng trồng. Ngoài ra, công ty đã được đánh giá và có kết quả phù hợp với các yêu cầu của QRS theo tiêu chuẩn ISO 22000 : 2018. Việc sản xuất chè đen theo quy chuẩn, tiêu chuẩn từ khâu trồng, chăm sóc vùng nguyên liệu cho tới khâu chế biến, sản xuất của công ty thời gian qua đã giúp cho sản phẩm chè đen của công ty đứng vững khi xuất khẩu vào các nước Trung Đông.
Hiện nay, công ty đang dự định mở rộng vùng nguyên liệu có mã số vùng trồng để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Theo ông Tráng, sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn, quy chuẩn là hướng đi cần thiết và phù hợp với xu thế trong nước và thế giới. Nếu muốn nông sản vươn tầm khỏi khu vực trong tỉnh, trong nước, mang lại giá trị kinh tế và tính cạnh tranh cao thì chuẩn hóa nông sản chính là chiếc chìa khóa quan trọng.
Liên kết để chuẩn hóa nông sản
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa theo chuỗi liên kết, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới. Thực hiện nhiệm vụ này, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, đề án, chính sách hỗ trợ sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn, quy chuẩn. Điển hình như Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới.
Toàn tỉnh hiện có trên 3.189 ha cây trồng áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, trong đó VietGap có trên 2.110 ha, hữu cơ có 147,9 ha, Rainfore Alliance trên 922 ha, GlobalGap có 8 ha, diện tích áp dụng tăng 184,1% so với năm 2021. Đối với chăn nuôi và thủy sản, theo tiêu chuẩn VietGap có 8 cơ sở áp dụng với quy mô từ 2.000 - 40.000 con/cơ sở, thủy sản có 5 cơ sở với quy mô 338 lồng. Đối với cơ sở chế biến sản phẩm nông nghiệp áp dụng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn có 6 cơ sở.
Một khâu chế biến, sản xuất chè đen xuất khẩu của Công ty CP chè sông Lô.
Ngoài ra toàn tỉnh đã có 3 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, 10 vùng sản xuất nông nghiệp được cấp mã số vùng trồng, trong đó có 8 mã số vùng trồng chè, 1 mã số vùng trồng bưởi đủ điều kiện xuất khẩu vào EU, 1 mã số vùng trồng thanh long đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc với tổng diện tích trên 127 ha, 203 hộ tham gia.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Thuấn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Sở Nông nghiệp và PTNT, chuẩn hóa nông sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp không ít khó khăn do diện tích nguyên liệu để sản xuất, chế biến nông sản còn phân tán, nhỏ lẻ; tính liên kết chưa chặt chẽ. Chính những hạn chế này sẽ gây ra khó khăn trong áp dựng sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn, quy chuẩn và dễ dẫn tới việc phá vỡ tính bền vững trong sản xuất.
Do đó, Chi cục đã xác định trong thời gian tới cần tham mưu tốt hơn nữa việc thực hiện Đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết đảm bảo chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” và các nghị quyết, chính sách hỗ trợ của tỉnh. Đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể để tăng tính liên kết trong sản xuất nông nghiệp, hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, có khả năng áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Gửi phản hồi
In bài viết