Đồng bào Mông theo đạo Tin Lành, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) chủ động vệ sinh môi trường sau mỗi buổi lễ.
Đại đức Thích Thanh Phúc, Phó trưởng ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh chia sẻ, thời gian qua, Giáo hội Phật giáo tỉnh đã có những hành động thiết thực, cụ thể đối với công tác bảo vệ môi trường, giáo dục và lan tỏa việc này tới từng phật tử. Những hoạt động thu gom rác thải, đặc biệt là rác thải tâm linh như ban thờ, bát hương, đồ tế lễ... xả ra các dòng sông được triển khai thường xuyên, Giáo hội Phật giáo tỉnh trực tiếp thực hiện. Những hành động ý nghĩa như thả cá không thả túi nilon ngày 23 tháng Chạp hàng năm, trồng cây xanh tại các cơ sở thờ tự, tặng cây xanh cho các tổ chức tôn giáo... đã mang lại những hiệu quả tích cực. Tăng ni, phật tử và người dân đã hiểu và ý thức hơn về bảo vệ môi trường, thường xuyên tham gia vào công tác này.
Sư cô Thích Nữ Đàm Nghiêm, trụ trì chùa Đại Bi, xã Xuân Vân (Yên Sơn) cho biết, phật tử trong vùng và nhân dân đều rất tích cực bảo vệ môi trường. Trong năm vừa qua, chùa đã thực hiện nhiều đợt tuyên truyền về phân loại rác thải và chống rác thải nhựa đến người dân, tặng 20 thùng rác để phân loại, làn nhựa để đi chợ và đều nhận được cam kết sẽ thực hiện phân loại, tái chế rác thải ngay tại gia đình. Bản thân sư cô cũng như các phật tử đều chủ động trồng cây xanh tại địa phương với mong muốn tạo dựng một không gian sống xanh, trong lành cho tất cả mọi người.
Sư cô Thích Nữ Đàm Nghiêm, trụ trì chùa Đại Bi (Yên Sơn) tặng làn đi chợ cho các gia đình phật tử
khi tuyên truyền về bảo vệ môi trường.
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 3 tôn giáo được nhà nước công nhận, đó là Phật giáo, Công giáo và Tin lành với hơn 55 nghìn tín đồ, đồng bào có đạo sống xen kẽ rộng khắp các địa bàn khu dân cư. Đạo Tin lành tuy có số tín đồ không nhiều nhưng trong những năm qua các tín đồ đều thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước, đặc biệt trong xây dựng nông thôn mới bà con giáo dân đều nỗ lực, phấn đấu thực hiện. Tại xã Hùng Lợi (Yên Sơn) bà con người Mông theo đạo Tin Lành ở đây tuy còn nhiều khó khăn về kinh tế nhưng luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Mục sư Hoàng Văn Chi, Quản nhiệm Hội Thánh Hiệp Một cho biết, sau mỗi buổi lễ bà con giáo dân đều ở lại để lao động, vệ sinh quanh khu vực nhà thờ và dọc tuyến đường của thôn. Rác thải nhựa được thu gom để đem đi xử lý, cống rãnh rác thải được khơi thông thường xuyên đảm bảo vệ sinh môi trường. Đặc biệt, bà con cũng đóng góp ngày công lao động, xã hội hóa nguồn quỹ để mua nguyên vật liệu xây dựng 3 bể chứa rác thải trong thôn nhằm hạn chế tối đa việc xả rác bừa bãi ra môi trường.
Phật tử xã Xuân Vân (Yên Sơn) chung tay quét dọn, vệ sinh đường làng, ngõ xóm vào mỗi cuối tuần.
Cùng với Phật giáo, Tin lành, đồng bào Công giáo cũng đã có nhiều chương trình, cách làm hay để bảo vệ môi trường. Họ giáo Ân Thịnh (thuộc giáo phận Hưng Hóa) đã ký kết Chương trình phối hợp với UBND, Uỷ ban MTTQ và các đoàn thể huyện "Thực hiện bảo vệ môi trường và chống rác thải nhựa trên địa bàn huyện Yên Sơn, giai đoạn 2021-2022" và ra mắt mô hình "Phát huy vai trò của tôn giáo và cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường chống rác thải nhựa". Thông qua chương trình tăng cường sự phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên và tổ chức tôn giáo trong việc tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của đoàn viên, hội viên, giáo dân, hộ gia đình, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tích cực tham gia phong trào "Yên Sơn chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa", tham gia quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và ứng phó với với biến đổi khí hậu.
Việc các tôn giáo vận động giáo dân chung tay bảo vệ môi trường mang ý nghĩa rất tích cực, hướng con người tới giá trị chân thiện mỹ, sống tốt đời, đẹp đạo. Môi trường được quan tâm, bảo vệ sẽ góp phần tạo nên những giá trị bền vững về kinh tế, xã hội, xây dựng quê hương, đất nước thêm giàu đẹp, văn minh.
Gửi phản hồi
In bài viết