Chương trình diễn ra vào thời điểm kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022); 50 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972-1/5/2022), 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị (28/6-16/9/1972). Chương trình được truyền hình trực tiếp trên VTV2, Truyền hình Nhân dân, Truyền hình Quảng Trị và một số đài truyền hình của các tỉnh, thành phố khác.
Dự lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng Cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Lương Cường; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; các Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, các ban, bộ, ngành Trung ương, các Tỉnh ủy, Thành ủy; lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các Quân khu, binh đoàn.
Phía tỉnh Quảng Trị có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị; các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các thương, bệnh binh, thân nhân các gia đình có công với cách mạng và đông đảo nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Ủy viên Bộ chính trị, Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng Cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Lương Cường phát biểu khai mạc chương trình.
Phát biểu khai mạc chương trình, Ủy viên Bộ chính trị, Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng Cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Lương Cường cho biết, trong không khí linh thiêng tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, xin gửi đến các thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng, các đại biểu lời thăm hỏi ân cần và lòng biết ơn sâu sắc nhất.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng tất cả chúng ta, những người dân Việt Nam đều không thể quên những mất mát đau thương, nhức nhối mà chiến tranh để lại .Vì Tổ quốc thân yêu hàng triệu người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, trong đó có rất nhiều thanh niên tuổi đời mới mười tám, đôi mươi đã gác bút nghiên lên đường chiến đấu, hiến dâng cả tuổi thanh xuân vì độc lập tự do của Tổ quốc, cho đất nước ta được nở hoa độc lập, kết trái tự do.
Máu đào của các thương binh, liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ thắm. Họ đã sống, chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp không có gì quý hơn độc lập-tự do. Tổ quốc và nhân dân Việt Nam đời đời ghi ơn các Anh hùng, liệt sĩ, các mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí thương binh, bệnh binh, những người có công với cách mạng. Tưởng nhớ tôn vinh, tri ân những người có công với dân, với đất nước, đó là truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Đại tướng Lương Cường khẳng định: 75 năm thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ với công tác Thương binh-Liệt sĩ, phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”, Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị luôn quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách với nhiều hình thức phong phú, thiết thực.
Chăm lo người có công cách mạng là bổn phận, nhiệm vụ lâu dài của cả hệ thống chính trị, xã hội. Chế độ trợ cấp người có công thường xuyên được nghiên cứu, điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội và ngân sách của Nhà nước. Phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình, hưởng ứng, đời sống của gia đình có công với cách mạng không ngừng được cải thiện.
15 năm qua, Chương trình “Màu hoa đỏ” đã tạo sức lan tỏa lớn và nhận được sự quan tâm đặc biệt của các tầng lớp nhân dân, nhiều tấm lòng hảo tâm của các cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp tự nguyện quyên góp, cùng Ban Tổ chức tham gia các hoạt động tri ân; trao tặng hơn 13 vạn sổ tiết kiệm, hơn 550 nhà tình nghĩa, cùng hàng vạn suất học bổng, quà tình nghĩa tới các gia đình thương binh, liệt sĩ, chính sách tại nhiều địa phương trên cả nước.
Chương trình “Màu hoa đỏ” được tổ chức tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn là khúc tráng ca hào hùng tái hiện những trang sử vẻ vang của dân tộc. Nghĩa trang hiện là nơi yên nghỉ của 10.263 liệt sĩ, chủ yếu là liệt sĩ của Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn, hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Phần lớn là các liệt sĩ tại nghĩa trang này là con em của các tỉnh, thành phố phía bắc. Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn bây giờ đã trở thành một điểm đến không thể thiếu của du khách trong và ngoài nước.
Với những màn nghệ thuật tái hiện vẻ đẹp anh hùng của lịch sử giữ nước, với những câu chuyện thực tế cảm động của các thế hệ đi trước, hình tượng đấu tranh bảo vệ nền độc lập của dân tộc, thống nhất đất nước là “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”; từ “Tiếng hát át tiếng bom”; “Lấy thân làm cọc tiêu cho những đoàn xe nối nhau ra trận”... tất cả đã tạo nên một dáng đứng Việt Nam bền vững và tự hào.
Cứ mỗi năm vào những ngày tháng 7, được phóng tầm mắt từ trên cao nhìn xuống, sẽ thấy không chỉ Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, mà cả dải đất hình chữ S như được thắp sáng bằng hàng chục vạn ngọn nến. Bởi đó là nghĩa cử cao đẹp của người dân Việt Nam cùng khắc khoải và đầy tự hào nhìn lại những chặng đường lịch sử vẻ vang của cả dân tộc, để khắc ghi những công lao và sự hy sinh to lớn của lớp lớp thế hệ cha anh đã quên thân mình chiến đấu vì độc lập, tự do cho dân tộc, để đất nước được thống nhất vẹn toàn, đặc biệt là những chiến sĩ hy sinh trên đường Trường Sơn-Hồ Chí Minh.
Chiến tranh đã lùi vào quá khứ, mỗi hình ảnh, mỗi câu chuyện về người mẹ, người chiến sĩ trong chương trình đã khiến chúng ta hình dung được những tháng năm bi hùng của dân tộc, để thêm trân trọng và gìn giữ cuộc sống bình yên mà chúng ta đang được thừa hưởng.
Những ngày này người dân Việt Nam lại rưng rưng xúc động và tự hào về một thế hệ không biết cúi đầu. Một thế hệ mà chúng ta phải kính cẩn nghiêng mình ngưỡng mộ và biết ơn. Nhìn về lịch sử, nhớ về nguồn cội, để hiểu rằng cái giá của hòa bình là không hề nhỏ, bởi mỗi tấc đất đều là máu thịt đỏ thắm. Màu của máu, của những hy sinh không quản. Màu của tuổi trẻ, của những người con trai, con gái mãi mãi tuổi đôi mươi nằm lại trong lòng đất mẹ yêu thương. Màu của khát vọng, của ý chí sắt đá, một lòng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì bình yên, hạnh phúc trọn vẹn của đồng bào.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy viên Bộ chính trị, Đại tướng Lương Cường hoan nghênh và đánh giá cao Báo điện tử Cộng sản Việt Nam, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã phối hợp tổ chức thành công chương trình nghệ thuật đặc biệt. “Màu hoa đỏ” như một thông điệp mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc thể hiện trách nhiệm, tình cảm tri ân của đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước đối với các Anh hùng, liệt sĩ, những người có công với cách mạng.
Những chiến công của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống quân đội thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để giành nền độc lập dân tộc là chiến thắng của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử; là chiến thắng của độc lập dân tộc, gắn liền với chủ nghĩa xã hội; của đường lối chiến tranh nhân dân, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại của Đảng ta.
Gửi phản hồi
In bài viết