Chuyển đổi số - những chuyển biến tích cực

Chuyển đổi số là cụm từ được cả thế giới nhắc đến trong những năm gần đây, đặc biệt là trong giai đoạn xuất hiện đại dịch Covid-19. Ở Việt Nam, chuyển đổi số đang được thực hiện trên diện rộng, ở các cấp độ khác nhau. Sự rầm rộ ấy báo hiệu một thực tế không thể cưỡng lại trong cả hiện tại và tương lai, bất chấp những mối âu lo đã xuất hiện cùng những cảnh báo đáng quan tâm.

Chuyển đổi số (digital transformation) là cụm từ hết sức phổ biến, khi được nhắc đến nhiều vào khoảng năm 2015, phổ biến từ năm 2017. Ở Việt Nam, chuyển đổi số được nhắc đến nhiều vào khoảng năm 2018. Khi nhập cụm từ “chuyển đổi số” vào trang tìm kiếm lớn nhất thế giới Google, chỉ trong 0,30 giây đã cho ra 465 triệu kết quả. Tất nhiên, đó không phải là những kết quả độc lập, tách rời, không phải là kết quả bằng những ngôn ngữ khác tiếng Việt; nhưng số lượng khổng lồ trong thời gian chớp mắt ấy đủ cho thấy vấn đề chuyển đổi số phổ biến như thế nào ở Việt Nam.

Vậy, chuyển đổi số là gì?

Dẫu phổ biến là vậy, nhưng cho đến nay vẫn còn khá nhiều cách hiểu về thuật ngữ này, đa phần đều thiên về lĩnh vực kinh doanh. Theo Microsoft, chuyển đổi số là việc tư duy lại cách thức các tổ chức tập hợp con người, dữ liệu và quy trình để tạo những giá trị mới. Hiểu một cách chung nhất, chuyển đổi số là sự thay đổi về văn hóa, tổ chức và hoạt động của một tổ chức, ngành hoặc hệ sinh thái thông qua tích hợp các công nghệ, quy trình và năng lực kỹ thuật số ở tất cả các cấp và chức năng theo chiến lược đã được xây dựng từ trước...

Tại Việt Nam, nhận thức rõ những cơ hội, thách thức mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, ngày 27-9-2019, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TƯ về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Trên cơ sở đó, ngày 3-6-2020, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030”. Có thể khẳng định rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình/ mang tính chiến lược về chuyển đổi số quốc gia, thể hiện tham vọng trở thành quốc gia số ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Trên cơ sở đó, việc tuyên truyền, quán triệt, thực hiện chương trình chuyển đổi số ở nước ta được lan tỏa sâu rộng, đạt được những kết quả rõ nét. Nhận thức về chuyển đổi số không ngừng được nâng lên. Việc chuyển đổi số ngày càng gần gũi, thiết thực, trực tiếp, gắn với những công việc, sinh hoạt hằng ngày, từ ở nhà, ra đường, tại mỗi đơn vị, cơ quan công quyền. Mục tiêu kép vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản mà Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đặt ra từng bước được gây dựng, dần rõ hình hài.

Năm 2019, tôi có đi học tại Trung Quốc trong khoảng 1 tháng. Khi ấy, lần đầu tôi nghe đến việc chấm điểm công dân và xếp hạng hằng năm. Với 1.000 điểm trong tài khoản, ai có hành động tốt như hiến máu, hiến tạng, tham gia công việc tình nguyện... thì sẽ được cộng điểm; ai vi phạm Luật Giao thông, chậm thanh toán tiền điện, nước, bị kết án tù... thì bị trừ điểm. Tùy vào số điểm, công dân sẽ được xếp vào 8 mức hạnh kiểm, từ AAA (công dân điển hình) đến D (công dân không đáng tin cậy) và kèm theo đó là các quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm tương ứng. Ví như công dân trong “danh sách đen” có thể bị cấm đi máy bay, tàu cao tốc, ở khách sạn hạng sang; trong khi công dân ưu tú thì được ưu tiên trong khám, chữa bệnh, dễ dàng tiếp cận vay vốn ngân hàng... Công dân có thể tự tra cứu số điểm bằng cách nhập số chứng minh thư nhân dân của mình vào ứng dụng tích hợp trên WeChat - ứng dụng nhắn tin kiêm mạng xã hội phổ biến nhất ở Trung Quốc - để biết mình đang xếp ở mức hạnh kiểm nào và có sự ứng xử cần thiết, phù hợp. Cũng chỉ cần qua điện thoại thông minh, người dân Trung Quốc có thể trả các loại phí dịch vụ mà mình sử dụng, như đi taxi, mua sắm, ăn uống...

Chuyện ứng dụng công nghệ số vào thời ấy còn xa lạ ở nước ta, nhưng bây giờ thì đã khá quen thuộc. Với mã QR, mỗi người dân Việt Nam đã có thể dùng điện thoại thông minh để đọc sách, tải tài liệu, truy cập nhiều dịch vụ hay thậm chí đi chợ truyền thống, mua sắm ở vỉa hè, ăn sáng. Chuyển đổi số đã len lỏi vào mọi ngõ ngách ở Việt Nam, với nhiều cấp độ khác nhau, mang lại sự tiện lợi cho cả người dân cũng như cơ quan công quyền. Chuyển đổi số đã giúp tiết kiệm rất lớn về giấy tờ, mực in, công sức, kinh phí cho những việc trước đây tưởng chừng như không thể thay đổi. Có một ví dụ mà nhiều người gặp, đó là trước đây, tại các cuộc họp, hội thảo, hội nghị, đại hội, việc in ấn, phát tài liệu có liên quan đều mất rất nhiều thời gian, tốn kém tiền bạc, công sức thì bây giờ chỉ cần dùng điện thoại di động quét mã QR là có thể tải về dễ dàng, vừa nhanh chóng, tiện lợi, vừa tiết kiệm, đỡ cồng kềnh...

Ấy là những sự thay đổi nhỏ, dễ hình dung. Thực tế, chuyển đổi số tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, lĩnh vực, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh... Thực tế, chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế. Thể chế cần đi trước một bước và được điều chỉnh linh hoạt để chấp nhận những cái mới về công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng nhấn mạnh, ở cấp độ quốc gia, chuyển đổi số là chuyển đổi Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số quốc gia. Ở cấp độ địa phương, chuyển đổi số là chuyển đổi sang chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn của địa phương đó... Chuyển đổi số còn là cuộc cách mạng của toàn dân. Chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi một người dân tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại.

Sau gần 4 năm “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030” được phê duyệt, triển khai, công cuộc chuyển đổi số ở Việt Nam đã từng bước rõ hình hài, đạt được những kết quả hết sức đáng khích lệ. Nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhân dân ngày càng rõ ràng, có chuyển biến tích cực. Sự biến chuyển về nhận thức giúp mỗi người có hành động phù hợp, hiệu quả. Nhiều cơ hội được nắm bắt, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế số, xã hội số...

Tất nhiên, chuyển đổi số không chỉ đều là màu hồng, cả trong nhận thức cũng như hành động. Những hạn chế, tồn tại còn không ít. Những âu lo đã, đang và sẽ còn xuất hiện, thậm chí ngày càng lớn hơn, đe dọa công ăn việc làm, sự an nguy của chính con người. Thế nhưng, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, là điều không thể né tránh. Cùng với thế giới, Việt Nam không thể đứng ngoài xu hướng này, và chúng ta đang nỗ lực khắc phục hạn chế, yếu kém, phát huy những kết quả đạt được để sớm đạt mục tiêu trở thành quốc gia số vào năm 2030, góp phần xây dựng, phát triển đất nước một cách nhanh chóng, vững bền.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục