Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, kinh tế tri thức và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, sự cạnh tranh diễn ra chủ yếu thông qua kiến thức, kỹ năng và hàm lượng trí tuệ chứa trong sản phẩm, dịch vụ. Vì vậy, quản trị tài sản trí tuệ đóng vai trò ngày càng quan trọng với các trường đại học, nhất là trong quá trình tự chủ hóa hiện nay.
Khách tham quan gian hàng của Đại học Bách khoa Hà Nội tại Triển lãm Kết quả phát triển tài sản trí tuệ thành phố Hà Nội, tháng 12-2023.
Những điểm sáng
Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), một trong những mục tiêu của hoạt động quản trị tài sản trí tuệ ở trường đại học là nhằm khai thác tiềm năng của các tài sản trí tuệ, nâng cao hiệu quả chuyển giao công nghệ cũng như thu hút nhà đầu tư cho hoạt động phát triển các tài sản trí tuệ thành các sản phẩm có thể lưu thông trên thị trường.
PGS.TS Phan Quốc Nguyên, giảng viên Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, bộ chỉ số đổi mới sáng tạo của mỗi trường đại học được thể hiện qua: Số lượng công ty tách ra hoạt động độc lập được thành lập, số bằng phát minh sáng chế, lượng tiền thu hút nhờ hoạt động khoa học công nghệ, nhờ giá trị doanh thu chuyển giao khoa học công nghệ. Vì vậy, sở hữu trí tuệ và chuyển giao thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ không chỉ là quyền lợi và trách nhiệm của các nhà khoa học mà còn là quyền lợi và trách nhiệm của các trường đại học.
Nhận thức được tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ trong trường đại học, thời gian qua, các trường, đặc biệt là các trường đại học kỹ thuật công nghệ, đã rất chú trọng phát huy năng lực trong nghiên cứu khoa học. Nhiều trường đã đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu để có nhiều hơn nữa sản phẩm về sở hữu trí tuệ. Cụ thể như các kết quả nghiên cứu tốt có thể đưa vào thực tế; có thêm nhiều bằng độc quyền sáng chế; có nhiều giải pháp hữu ích…
Là một trong những đơn vị dẫn đầu các hoạt động sở hữu trí tuệ trong khối các trường đại học ở Việt Nam, theo PGS.TS Phan Quốc Nguyên, Đại học Quốc gia Hà Nội phát triển theo hướng lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là giá trị cốt lõi. Trường đã ban hành quy định về quản lý tài sản trí tuệ: Quy định rõ đối với các tài sản trí tuệ đem ra khởi nghiệp, ủy quyền cho các đơn vị thành viên cũng như viện nghiên cứu chủ động khai thác, đồng thời ủy quyền cho nhà khoa học trong công tác cấp phép, cho thuê công nghệ. Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 của trường đặt ra mục tiêu: Số đơn đăng ký giải pháp hữu ích, sáng chế được chấp nhận hợp lệ/năm đạt 100 công bố vào năm 2025.
Ông Huỳnh Đăng Chính - Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, hoạt động quản trị và phát triển tài sản trí tuệ là một trong những lĩnh vực then chốt được nhà trường ưu tiên quan tâm đầu tư. Trường đã tổ chức Tổ sở hữu trí tuệ của Đại học Bách khoa Hà Nội, ban hành Quy định về hoạt động sở hữu trí tuệ trong Đại học Bách khoa Hà Nội, xây dựng đề án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Bách khoa (BK-Innovation), thành lập Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo (BK-Fund) cho các hoạt động chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo...
Ý kiến gợi mở
Trên mặt bằng chung, theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh Đàm Sao Mai, số lượng và chất lượng các công bố nghiên cứu khoa học của Việt Nam liên tục ghi nhận những kết quả tích cực. Tuy nhiên vấn đề sở hữu trí tuệ lại chưa nhận được quan tâm đúng mức, việc thương mại hóa hay chuyển giao công nghệ còn rất hạn chế.
Nguyên nhân là do nhiều trường chưa có quy định về sở hữu trí tuệ phù hợp với điều kiện hoạt động, dẫn đến khó khăn trong việc phân chia lợi nhuận khi tài sản trí tuệ được thương mại hóa. Việc xác lập quyền đăng ký bảo hộ sáng chế cho các sản phẩm nghiên cứu khoa học chưa được các nhà khoa học nhận thức một cách đầy đủ.
Để nâng cao năng lực sở hữu trí tuệ, Phụ trách đào tạo tập huấn Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) Lê Thị Thanh Tâm cho biết, đầu tiên phải nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua việc tổ chức các hội thảo, tọa đàm, các buổi tập huấn xây dựng văn hóa ứng xử thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong trường đại học. Các trường cũng cần xây dựng đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn sâu về sở hữu trí tuệ để hỗ trợ việc nâng cao nhận thức cộng đồng, hỗ trợ các nhà nghiên cứu nhận diện, phân loại và xác lập quyền, nhằm bảo đảm phần lợi ích thu về từ hoạt động thương mại hóa các tài sản trí tuệ.
Ông Huỳnh Đăng Chính cũng kiến nghị cần có cơ chế tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học được tham gia chủ trì các đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ về sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, cũng cần điều chỉnh văn bản pháp quy song song với thí điểm chính sách thúc đẩy thành lập và phát triển các doanh nghiệp khoa học công nghệ với cốt lõi là sở hữu trí tuệ trong các cơ sở giáo dục đại học (Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Luật Tài sản công, Luật Ngân sách, Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định Khoa học công nghệ cho các cơ sở giáo dục đại học…).
Gửi phản hồi
In bài viết