Ô tô Trung Quốc phân khúc cao cấp sẽ đổ bộ trong năm 2024

Sau làn sóng ô tô giá rẻ, năm 2024 được dự báo là giai đoạn cập bến của những dòng xe “Made in China” thuộc các phân khúc cao cấp hơn.

Sau thành công bước đầu với xe giá rẻ, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang tìm cách "nâng tầm" với sản phẩm ở phân khúc cao cấp hơn.

Thị trường ô tô Việt Nam những năm gần đây đón nhận không ít các loại xe mới đến từ các nhà sản xuất Trung Quốc, với giá 400-500 triệu đồng.

Dù chưa thực sự nổi bật và còn ở "chiếu dưới" so với các đối thủ Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng không thể phủ nhận những cái tên Brilliance, Beijing, Chery, Lifan, Foton, Zoyte, Haima với các sản phẩm nhiều tính năng, kiểu dáng đa dạng... đã phần nào xóa định kiến “xe Tàu”.

Sự xuất hiện của các hệ thống đại lý bài bản và những hoạt động tiếp cận khách hàng thường xuyên cũng bước đầu tạo dựng được chỗ đứng cho ô tô Trung Quốc hiện đại tại Việt Nam.

Trong nỗ lực tiếp tục khẳng định chỗ đứng, các thương hiệu ô tô Trung Quốc trong năm 2024 không giấu tham vọng tiếp tục chinh phục thị trường Việt Nam, thông qua việc đưa vào không chỉ những mẫu xe thuộc nhóm cao cấp hơn, mà cả những thương hiệu “hạng sang”.

Tín hiệu của xu hướng này xuất hiện khi GWM Thành An giới thiệu Haval H6 HEV (hybrid) với mức giá bán lẻ đề xuất 1,096 tỷ đồng. Mốc trên 1 tỷ đồng từng được xem là “không tưởng” với một mẫu ô tô Trung Quốc đại chúng. Xe mới này nằm ở phân khúc crossover cỡ C, cạnh tranh với Honda CR-V, Mazda CX-5...

Gần đây, Haima cũng chính thức trở lại Việt Nam bằng mẫu xe “tiền tỷ” khác là 7X, trong đó biến thể thuần điện 7X-E có mức giá bán từ hơn 1,1 tỷ đồng. Mẫu xe đa dụng (MPV) này cạnh tranh với Toyota Innova Cross và Hyundai Custin. Về phần mình, sau khi có chỗ đứng khá vững vàng nhờ các dòng xe gầm cao phổ thông như ZS và HS, MG (SAIC) cũng bắt đầu lấn sân sang nhóm xe thể thao với chiếc Cyberster thuần điện.

Năm 2024 cũng là giai đoạn OMODA (thương hiệu cao cấp thuộc Chery) tiếp tục tăng cường hiện diện tại Việt Nam, thông qua chiếc C5 mới (dự kiến mở bán từ quý II-2024). Thuộc nhóm crossover cỡ nhỏ, đây là mẫu xe cạnh tranh với Mazda CX-30 hay Volkswagen T-Roc.

Song song xe nhóm cao cấp, phân khúc xe “hạng sang” Trung Quốc từ đầu năm 2024 nhanh chóng hình thành tại Việt Nam. Sau chiếc SUV 09 giá 2,2 tỷ đồng hồi đầu năm, Lynk&Co (thuộc Geely) tiếp tục giới thiệu thêm mẫu 05 với giá 1,6 tỷ đồng.

Trong khi đó, FAW (First Automobile Works) tiếp tục duy trì dòng xe Hongqi (Hồng Kỳ) tại Việt Nam. Thuộc phân khúc siêu sang và được xem như "Rolls-Royce của Trung Quốc", Hongqi H9 có 5 phiên bản, giá từ 1,508 tỷ đồng đến 2,688 tỷ đồng.

Với mức giá đã vượt ngưỡng 2 tỷ đồng, rõ ràng các thương hiệu ô tô Trung Quốc đang có tham vọng cạnh tranh với các thương hiệu hạng sang đến từ Nhật Bản, châu Âu.

Theo giới chuyên môn, bước đi này dễ hiểu, bởi việc xây dựng một mặt bằng giá cao hơn sẽ tạo ra hình ảnh “sang” cho những chiếc xe, xóa bớt định kiến về “xe Tàu, giá rẻ” vốn đã tồn tại suốt nhiều thập kỷ ở Việt Nam.

Nhìn tổng thể, những lựa chọn cao cấp từ Trung Quốc có giá bán không rẻ, thậm chí đã ngang ngửa với những dòng xe cùng phân khúc đến từ các nhà sản xuất Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức...

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, ngay cả khi cạnh tranh ở khoảng giá cao hơn như vậy, một lợi thế quan trọng cho các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc tiếp tục đến từ sự thống trị của họ trong chuỗi cung ứng, hay nói cách khác là chi phí sản xuất thấp, dễ dàng tùy biến sản phẩm, đặc biệt là thoải mái tăng cường "đồ chơi" công nghệ khi cần.

Đó là những thế mạnh cạnh tranh đủ để những "huyền thoại cũ" của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu phải lo lắng và tìm cách chạy đua, nhất là ở những khu vực nơi giá bán là yếu tố luôn được người tiêu dùng ưu tiên cân nhắc, mà Việt Nam chính là một điển hình.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục