Thành quả từ chuyển đổi số
Trang trại bò sữa Hồ Toản, thuộc Công ty cổ phần Bò sữa Hồ Toản, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) được đánh giá là đơn vị mở đầu cho làn sóng ứng dụng công nghệ hiện đại vào chăn nuôi bò sữa không chỉ tại Tuyên Quang mà trên cả nước. Toàn bộ hệ thống quản lý, vận hành các hoạt động bên trong trang trại từ chế biến thức ăn, theo dõi sức khỏe cho đàn bò, làm mát, xử lý chất thải, vắt sữa, bảo quản sữa tươi... đã được tự động hóa.
Anh Đặng Văn Thành, Tổ trưởng tổ chăn nuôi, Trang trại bò sữa Hồ Toản khẳng định, ứng dụng công nghệ kỹ thuật vào chăn nuôi, đặc biệt là hệ thống CSR (phần mềm quản lý đàn bò) công nhân lao động như anh có thể theo dõi sát sao sức khỏe của từng con bò và xử lý các công việc tại trang trại dù có đang ở nơi đâu. Cũng theo anh Thành, với sự hỗ trợ của máy móc, thiết bị 80 công nhân lao động chăm sóc đàn bò 2.000 con rất dễ dàng, nhàn hạ.
Ông Hồ Duy Toản, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bò sữa Hồ Toản khẳng định, trang trại bò sữa của công ty đang áp dụng các quy trình và công nghệ hiện đại nhất trên thế giới về chăn nuôi bò sữa công nghiệp và chất lượng sữa tốt nhất. Trung bình mỗi ngày trang trại sản xuất 14 - 15 tấn sữa tươi cung ứng cho Công ty cổ phần Sữa Vinamilk chế biến sữa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Công nhân Công ty cổ phần bò sữa Hồ Toản, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) điều khiển hệ thống máy vắt sữa tự động.
HTX nông, lâm nghiệp Kim Bình (Chiêm Hóa) cũng đang gặt hái những thành quả sau thời gian ngắn ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao vào sản xuất. Anh Cao Văn Phúc, Giám đốc Hợp tác phấn khởi cho biết, HTX đã đầu tư xây dựng 2.200 m2 nhà màng trồng các loại dưa theo hướng nông nghiệp sạch. Toàn bộ diện tích vườn được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tự động ứng dụng từ công nghệ thủy canh Israel được điều khiển bằng điện thoại thông minh. Với công nghệ này, nước được tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây; phân bón được hòa vào nước, theo hệ thống tưới cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển. Hệ thống này tự động tưới chính xác cho mỗi cây nên dưa phát triển đồng đều, tiết kiệm nước, phân bón, thời gian và nhân công chăm sóc, giảm thiểu những bất lợi từ thời tiết, sâu, bệnh hại. Nhờ được chăm sóc theo quy trình khắt khe, chất lượng các sản phẩm dưa của HTX đã đáp ứng các tiêu chuẩn vào các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị trong và ngoài tỉnh. Ước tính mỗi năm, nguồn thu từ sản phẩm dưa mang lại cho HTX khoảng 200 triệu đồng, cao gấp 5 - 6 lần so với canh tác thông thường trên cùng đơn vị diện tích.
Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất các HTX, doanh nghiệp và nông dân cũng đã sử dụng tem nhãn QR để dán lên sản phẩm trong quản lý truy xuất nguồn gốc. Trên lĩnh vực lâm nghiệp, các phần mềm sử dụng công nghệ GIS (hệ thống thông tin địa lý) và ảnh viễn thám cũng đã được ứng dụng để phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng, mất rừng, suy thoái rừng. Bên cạnh đó, nhiều vùng nông thôn đã ứng dụng công nghệ thông tin một cách đơn giản như lắp đặt hệ thống camera an ninh, góp phần giảm các vụ vi phạm pháp luật. Theo đánh giá từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những điểm sáng ứng dụng công nghệ nêu trên đã từng bước thay đổi cách thức quản lý, sản xuất, giảm nhân công, lao động, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.
Nông nghiệp hiện đại trong tương lai gần
Mặc dù đi sau một số tỉnh, thành phố trong chuyển đổi số, nhưng ngành Nông nghiệp tỉnh xác định chuyển đổi số phải bền vững, theo đó tập trung ưu tiên xây dựng hệ thống dữ liệu phục vụ cấp và quản lý mã số vùng trồng; kết nối nông nghiệp thông minh có quy mô vùng chuyên canh, sản xuất quy mô công nghiệp.
Tỉnh cũng đẩy mạnh hình thành hệ sinh thái nông nghiệp số nhằm khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia vào chuyển đổi số; xây dựng nền tảng ứng dụng công nghệ chuỗi khối để cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai phục vụ nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua nền tảng số.
Trung tâm thực nghiệm, thực hành và chuyển giao công nghệ, Trường Đại học Tân Trào ứng dụng
công nghệ tiên tiến vào sản xuất giống cây trồng.
Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, mục tiêu xuyên suốt của ngành là đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin, đặc biệt phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, hướng dẫn, khuyến khích nông dân thực hiện thương mại điện tử trong nông nghiệp tập trung vào các sản phẩm chủ lực của địa phương, những sản phẩm đã ứng dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP giúp tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghiệp số trong nền kinh tế; tiếp tục xây dựng thí điểm mô hình sản xuất kết nối nông nghiệp thông minh, quản lý theo chuỗi, kết nối sản xuất với tiêu thụ nông sản; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa một số quy trình sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương; ứng dụng IoT để hỗ trợ theo dõi, giám sát và hỗ trợ tự động hóa quá trình canh tác, sản xuất nông nghiệp.
Trong cuộc hội thảo chuyển đổi số giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Viễn thông Tuyên Tuyên Quang được tổ chức trung tuần tháng 5 vừa qua, lãnh đạo Viễn thông Tuyên Quang cam kết đồng hành cùng ngành Nông nghiệp trong suốt quá trình chuyển đổi số, góp phần cùng ngành nông nghiệp tạo ra bước đột phá.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin - Viễn thông Tuyên Quang cho biết, trước mắt VNPT tiếp tục triển khai kiểm tra, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp thông qua tem gắn mã vạch; đưa các sản phẩm nông sản của tỉnh lên sàn thương mại điện tử quốc gia... Hiện Viễn thông Tuyên Quang đang hỗ trợ quản lý truy xuất nguồn gốc 150 sản phẩm của 100 cơ sở sản xuất, hợp tác xã trên địa bàn và đưa 74 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử quốc gia. Ông Tuấn khẳng định, đơn vị đang tập trung nhân lực xây dựng kiến trúc tổng thể cơ sở dữ liệu nền tảng cho ngành nông nghiệp; trung tâm giám sát, điều hành ngành nông nghiệp và các mô hình nông nghiệp thông minh...
Nỗ lực của ngành Nông nghiệp tỉnh, đặc biệt là sự năng động, nhạy bén của các doanh nghiệp, HTX và bà con nông dân trong ứng dụng công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số đã và đang từng bước hình thành một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, có sức cạnh tranh và phát triển bền vững.
Gửi phản hồi
In bài viết