Ví như chuyện một đại biểu HĐND ở địa phương nọ dùng gậy chơi gôn đánh nữ nhân viên phục vụ khiến cô này phải vào bệnh viện sơ cứu. Ví như chuyện không ít cán bộ, công chức, viên chức hách dịch, cậy quyền cậy thế, ngang ngược dọa dẫm kiểu “biết tao là ai không”. Lại có cán bộ thiếu tôn trọng cấp dưới, quát mắng vô cớ, làm cho nhân viên sợ sệt; khi cấp dưới đến gặp thì lạnh lùng, đe nẹt, cố tình thể hiện uy quyền, tạo khoảng cách trên - dưới nhằm bắt cấp dưới phải cầu cạnh, cung phụng mình. Không ít cán bộ “nói một đằng, làm một nẻo”, yêu cầu cấp dưới phải triệt để thực hành tiết kiệm nhưng bản thân lãng phí...
Lại có cán bộ bắt người dân cần giải quyết các thủ tục, giấy tờ phải đi lại nhiều lần, chỉnh sửa không thực sự cần thiết. Cá biệt còn yêu cầu dân phải trực tiếp đến gặp, thay vì nhận thủ tục qua thư điện tử theo quy định để gợi ý tặng quà, vòi vĩnh...
Cán bộ, đảng viên, những người có trách nhiệm phải nêu gương phẩm chất đạo đức, ứng xử, tôn trọng nhân dân. Nhưng những biểu hiện như trên khiến cấp dưới chán nản, mất niềm tin và động lực phấn đấu; làm xấu đi hình ảnh cán bộ, công chức, gây mất lòng tin của nhân dân. Nguy hại hơn, có thể là nguyên nhân gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, suy yếu tổ chức và vô cùng nguy hiểm khi các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá.
Theo Bộ Nội vụ, tình trạng công chức gây phiền hà, sách nhiễu vẫn còn ở 46/63 tỉnh, thành phố; 22/63 tỉnh, thành phố để xảy ra tình trạng người dân, tổ chức phải nộp tiền ngoài phí/lệ phí. Đặc biệt, khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021, có 41,4% doanh nghiệp cho biết vẫn phải trả các chi phí không chính thức; năm 2020 có 54% doanh nghiệp cho rằng vẫn còn hiện tượng nhũng nhiễu...
Chính vì vậy, cấp ủy các cấp cần nhận diện sớm những chuyện nhỏ như trên để chấn chỉnh, khắc phục bằng được. Bởi như đã phân tích, chuyện nhỏ nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ lớn.
Gửi phản hồi
In bài viết