Ký ức sâu nặng
Về thăm Tân Trào hôm nay, những câu chuyện chân thực về Bác Hồ trong những ngày Người sống và làm việc ở đây vẫn luôn được người dân Tân Trào lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tháng 5-1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang để chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước. Từ tháng 5 đến tháng 8-1945, tại Tân Trào, Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng đã sống những ngày gian khổ để lãnh đạo nhân dân ta chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trong cả nước.
Xóm Kim Long xưa nay đã thành Làng Văn hóa Tân Lập. Những nếp nhà sàn ẩn mình dưới bóng cây rừng, khung cảnh nên thơ trong ánh nắng thu dịu nhẹ. Chúng tôi đến thăm ngôi nhà sàn của anh Nguyễn Văn Bế, thôn Tân Lập. Ngay trước hiên nhà có tấm bia di tích ghi rõ thời gian Bác Hồ về ở và làm việc trong ngày đầu Bác đến Kim Long ngày đó. Anh Bế là cháu nội của cụ Nguyễn Tiến Sự, gia đình vinh dự được Bác Hồ đã ở và làm việc trong những ngày đầu từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (từ ngày 21 đến cuối tháng 5-1945). Bác đã ở ngôi nhà ông Sự trước khi rời lên lán Nà Nưa ở gần đó. “Ngôi nhà sàn đặc biệt” này cũng là nơi ở và làm việc của các đồng chí Phạm Văn Đồng, Hoàng Hữu Nam, Lê Giản, Trần Thị Minh Châu, Du Phong trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 9-1945.
Ngôi nhà sàn của cụ Nguyễn Tiến Sự năm xưa được Bác Hồ ở và làm việc chuẩn bị cho Tổng Khởi nghĩa.
Anh Bế nhớ lại: “Ông nội tôi nguyên là Chủ nhiệm Việt Minh làng Kim Long từng kể lại rằng, Bác Hồ thường dậy từ 5h sáng, tập thể dục rồi làm việc. Giờ nghỉ, Bác Hồ đến thăm hỏi mọi người trong nhà, trong làng. Bác còn tặng bút, vở những người thân trong gia đình và khuyến khích gia đình tôi cho con, cháu đi học”.
Những câu chuyện về Bác Hồ, về cán bộ cách mạng, anh Bế được ông bà, bố mẹ kể lại cho nghe đến giờ còn nhớ mãi. Anh Bế cho biết: “Ngôi nhà sàn của gia đình tôi có ý nghĩa to lớn về lịch sử và giá trị truyền thống, vậy nên cả nhà đều có ý thức bảo vệ, gìn giữ. Nơi đây thực sự là địa chỉ đỏ để thế hệ trẻ hôm nay đến thăm, tìm hiểu về truyền thống cách mạng, trải nghiệm văn hóa Tày”. Anh Bế làm đủ nghề, từ nuôi ong, chuyển đổi trồng dưa chuột, làm dịch vụ homestay, cuộc sống ngày càng khấm khá hơn.
Từ nhà anh Bế, đi theo con đường đã được bê tông rộng rãi của thôn Tân Lập, chúng tôi đến thăm ngôi nhà của ông Hoàng Trung Dân, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến tháng 8-1945. Một sự trùng hợp là anh Nguyễn Văn Bế chính là cháu ngoại của ông Hoàng Trung Dân. Anh Bế nói: “Căn nhà của ông ngoại cũng là nơi đánh máy bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc - Lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước vào tháng 8-1945 nên được anh chị em trong gia đình lưu giữ rất cẩn thận”. Vào bên trong ngôi nhà, chúng tôi thấy những hình ảnh, kỷ vật về Đại tướng được các thế hệ trong gia đình đặt ở nơi trang trọng nhất. Con cháu ông Hoàng Trung Dân đều học hành tấn tới, có người làm lãnh đạo huyện, xã, có nhiều cách làm mới giúp ích cho cuộc sống của người dân Tân Trào và nhân dân toàn huyện, ai cũng trân trọng.
Vinh dự được đón Bác
Bác Hồ đã đến ở và làm việc ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh như Làng Chạp, xã Trung Minh; thôn Khuôn Hà, xã Trung Yên; thôn Khuổi Tấu, Tấu Lìn, xã Hùng Lợi (Yên Sơn); Làng Sảo, xã hợp Thành (Sơn Dương), Kim Bình (Chiêm Hóa)…
Bên căn nhà cột gỗ, lợp lá cọ truyền thống của dân tộc Tày, ông Mã Đức Duyên, con cụ Mã Đức Thạch, thôn Làng Hản, xã Kim Quan (Yên Sơn) chia sẻ, ông được bố ông là Mã Đức Thạch kể lại những năm tháng gian khổ và anh dũng. Trước khi Bác Hồ về Kim Quan, năm 1947 Bộ Ngoại giao tiền trạm tới đóng tại ngôi nhà ông đang ở và giờ trở thành di tích lịch sử cấp tỉnh. Ngoài bàn thờ thần linh, tổ tiên, gia đình ông may một lá cờ đỏ sao vàng to, bên dưới để ảnh Bác Hồ rất trang trọng. Những chiếc bằng khen, giấy khen của gia đình ông tập hợp để dưới ảnh Bác Hồ như để báo công. Truyền thống cách mạng của gia đình từ đó mà lan tỏa đến các con, cháu, chắt. Ông bảo, có được cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc như hôm nay là nhờ ơn của cách mạng nhiều lắm.
Xuôi theo dòng sông Phó Đáy, qua Kiến Thiết, Đèo Nàng, chúng tôi đến khu rừng Nà Loáng, thuộc thôn Bó Củng, xã Kim Bình (Chiêm Hóa). Tại đây, Bác Hồ đã tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, Bác được bầu là Chủ tịch Đảng Lao động Việt Nam. Đại hội đã quyết định những vấn đề quan trọng liên quan tới vận mệnh của cả dân tộc: đề ra chủ trương, đường lối đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Thời gian này để đảm bảo an toàn, ban ngày, Bác làm việc tại căn lán nhỏ trong khu rừng Nà Loáng, buổi tối Bác về nghỉ tại nhà cụ Nguyễn Xương Thành tại thung lũng Khau Tao, cách khu hội trường khoảng 1 km. Trong những ngày tháng sống và làm việc ở Kim Bình, Bác Hồ luôn chia sẻ ngọt bùi, đồng cam cộng khổ với nhân dân và anh em, đồng chí.
Cụ Nguyễn Văn Điệp, con trai của cụ Nguyễn Xương Thành năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn nhớ như in những kỷ niệm về Bác. Ông Điệp hồi ấy còn nhỏ nhưng đã làm được nhiều việc có ích như liên lạc, có người lạ đến làng là liền báo cho gia đình và bộ đội. Ông cũng được cha mình giao cho đảm nhận việc trông coi ngựa, cắt cỏ cho ngựa của Bác ăn.
Khi ở nhà mình, ông Điệp chỉ biết đó là một ông cụ rất ngăn nắp, sống giản dị, quan tâm tới tất cả mọi người, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Ông Điệp bồi hồi kể: “Khi Bác Hồ đến nhà tôi ở, ngôi nhà của gia đình tôi rất nhỏ, phên nứa, không được kín gió. Sau đó, bố tôi đã sửa lại, ngăn ra một gian để Bác ở. Bố tôi dặn, đường và trứng để dành cho Bác nhưng Bác quả quyết phải chia cho mọi người cùng ăn. Tôi chỉ nghe bố mình nói đó là ông cụ đi làm cách mạng. Mãi sau này, ông cụ rời đi, tôi mới biết đó chính là Bác Hồ”.
Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, một lòng gắn bó, chở che, son sắt đi theo Đảng và Bác Hồ, hôm nay nhân dân Tuyên Quang tiếp tục đoàn kết, nỗ lực thi đua xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.
Gửi phản hồi
In bài viết