Nông thôn khởi sắc
Tháng Tám, nắng thu vàng ruộm, tựa như sáp ong đổ xuống hàng duối già hai bên đường về xã Tân Trào (Sơn Dương). Xung quanh là những thửa ruộng lúa, dưa chuột, đường nội đồng nối vào đường thôn, vào nhà văn hóa… khiến chúng tôi cảm nhận thật rõ cuộc sống no ấm ở nơi này.
Đồng chí Hoàng Văn Khéo, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Trào phấn khởi cho biết: Toàn xã hiện có 8 thôn, với 1.255 hộ, 5.272 nhân khẩu, người dân trong xã sống chủ yếu bằng nghề sản xuất nông nghiệp. Nhờ cần cù, chịu khó nên những năm qua, đời sống nhân dân trong xã được cải thiện rõ rệt, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Nếu như trước năm 2015, toàn xã có trên 50% hộ nghèo, đến nay toàn xã chỉ còn 6,8% hộ nghèo; thu nhập bình quân trên 9 triệu đồng/người/năm, thì đến nay đạt 45 triệu đồng/người/năm. Ngoài sản xuất nông nghiệp, người dân Tân Trào đã chuyển đổi nghề nghiệp, nhiều hộ phát triển du lịch có cuộc sống khá. Xã Tân Trào có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng như lán Nà Nưa, đình Tân Trào, di tích Ban Tổ chức Trung ương… Hiện nay, tỉnh đã hoàn thành xây dựng Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng, chuẩn bị hoàn thành Quảng trường Tân Trào, Bảo tàng Tân Trào và nhiều hạng mục công trình khác phục vụ khách tham quan. Đây là cơ hội lớn để người dân Tân Trào phát triển dịch vụ du lịch như homestay, bán hàng truyền thống, phát triển làng nghề chè gắn với du lịch trải nghiệm… mở ra cơ hội lớn cho người dân làm giàu, nâng cao thu nhập.
Mô hình trồng chanh 1,5 ha của chị Ma Thị Hồng, thôn Kim Quang, xã Kim Bình (Chiêm Hóa) tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động.
Tân Trào thực sự là điểm đến hấp dẫn du khách. Anh Tạ Văn Hùng, du khách đến từ Quảng Ninh cho biết, anh đã đến Tân Trào nhiều rồi nhưng mỗi lần đều cho anh cảm xúc đặc biệt. Giờ đây, Tân Trào đang được xây dựng, tu bổ các hạng mục công trình, du khách đến đây được trải nghiệm nhiều hoạt động bổ ích hơn sau khi đi thăm các di tích. Anh thấy cuộc sống của người dân nơi đây có nhiều thay đổi, đường làng, ngõ xóm đều được bê tông sạch đẹp.
Từ Tân Trào chúng tôi đi ngược theo con sông Phó Đáy đến xã Kim Quan (Yên Sơn). Cuối năm 2020, xã Kim Quan là xã đầu tiên của khu vực ATK Yên Sơn về đích xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới, xã Kim Quan đã huy động kinh phí trên 155 tỷ đồng, trong đó vốn nhân dân đóng góp trên 14 tỷ đồng, còn lại là sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân… Đến nay, đường xã, đường thôn, bản và đường liên thôn, bản được bê tông hóa đạt 63,13%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 100%. Nhiều mô hình phát triển kinh tế được triển khai và phát huy hiệu quả. Nhờ đó, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo còn 32,03%; thu nhập bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng/người/năm…
Đồng chí Dương Đức Tuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Quan khẳng định, xây dựng nông thôn mới đã làm cho bộ mặt nông thôn xã thay đổi toàn diện, đây là tiền đề để xã xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian tới.
Đóng góp của người trẻ
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, anh Vũ Văn Kết, thôn Toòng, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) rất đỗi tự hào và luôn tự nhủ phải không ngừng nỗ lực học tập, lao động sản xuất, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Anh chia sẻ: Từ các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, anh đã ứng dụng vào sản xuất, chăn nuôi. Sau 3 năm phát triển kinh tế, đến nay anh đang duy trì đàn lợn trên 15 con, trồng 6 ha keo và mỡ và chăn gia cầm, mỗi năm gia đình thu được khoảng 100 triệu đồng.
Không chỉ ở Hùng Lợi, thanh niên ở các xã chiến khu xưa đã mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cao, đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Mô hình nuôi thỏ của anh Lục Văn Thùy, ở thôn Đèo Nàng, xã Kim Bình (Chiêm Hóa) có quy mô 500 con/lứa, mỗi năm xuất bán khoảng 1.000 con, thu lãi gần 80 triệu đồng. Hay mô hình trồng chanh tứ thì và bí siêu quả của anh Ma Văn Tích, thôn Pác Chài; mô hình nuôi ốc nhồi của anh Ma Đình Tuyên, thôn Đồng Cột, xã Kim Bình với tổng diện tích 1.000 m2, cho thu nhập 80 đến 100 triệu đồng/năm…
Đến thăm mô hình chăn nuôi của chị Hà Thị Viên, thôn khuổi Pài, xã Kim Bình, chúng tôi ấn tượng với đàn gà gần 4.000 con của gia đình chị. Chị Viên chia sẻ, để đảm bảo mô hình có hiệu quả, ngoài việc tham gia các lớp tập huấn do hội phụ nữ các cấp tổ chức, bản thân chị đã tìm tòi nghiên cứu từ nhiều nguồn thông tin trên mạng xã hội, tham quan các mô hình chăn nuôi đem lại hiệu quả để có thêm kiến thức về cách chọn con giống, cách chăm sóc vật nuôi theo lứa tuổi, cách lựa chọn thức ăn chăn nuôi và tiêm phòng chống dịch để áp dụng cho mô hình của mình. Do có kế hoạch chăn nuôi cụ thể, cách thức chăn nuôi khoa học nên đàn gà luôn lớn đều, phát triển tốt, chất lượng gà thịt luôn đảm bảo, do đó đầu ra cho sản phẩm cũng ổn định. Với quyết tâm cao, lại có thế mạnh đất vườn đồi rộng lớn, mô hình chăn nuôi gà thương phẩm đến nay đem lại thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/năm cho gia đình chị.
Những đổi thay từ cuộc sống của người dân khẳng định đường lối đổi mới của Đảng đã chiếu rọi đến từng thôn bản, gia đình. Đó thực sự là mạch nguồn chảy mãi để nhân dân các dân tộc các xã vùng chiến khu xưa cùng với nhân dân các dân tộc trong tỉnh xây dựng quê hương Tuyên Quang ngày càng phát triển, trở thành tỉnh khá, toàn diện và bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.
Gửi phản hồi
In bài viết