Có một vựa rau trong lòng thành phố

- Nằm ở phía Tây Bắc của phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) có một vựa rau được trồng theo quy trình VietGap luôn duy trì với diện tích từ 10 đến 20 ha. Từ đây, rau an toàn được vận chuyển cung cấp đi khắp các thị trường trong và ngoài tỉnh như Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Nội, Hà Giang…

Tuy là khu vực đô thị nhưng nhiều hộ dân vẫn sống bằng nghề làm nông nghiệp, chuyên canh cây rau. Trước đây, phường Hưng Thành cũng có một hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp nhưng chưa thực hiện được khâu bao tiêu sản phẩm cho người trồng rau. Giải quyết khó khăn ấy, Đảng ủy, UBND phường đã định hướng, giúp đỡ người trồng rau thành lập hợp tác xã mới mang tên Hợp tác xã Rau củ quả, hoa và cây cảnh. Hợp tác xã được thành lập năm 2021 với “sứ mệnh” làm bệ đỡ giúp người dân tiêu thụ sản phẩm, tập huấn, hướng dẫn người dân sản xuất đúng quy trình kỹ thuật an toàn.

Mô hình trồng rau theo quy trình VietGap của gia đình anh Lê Đình Thanh, tổ 8, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) mỗi tháng cho thu lãi từ 20 đến 30 triệu đồng.

Hiện nay, Hợp tác xã có 30 hộ trực tiếp sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGap. Rau của Hợp tác xã đã được cấp chứng chỉ đủ an toàn vệ sinh thực phẩm và được dán tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Hiện nay, đã có 7 ha diện tích rau được tưới tự động. Ông Lê Đình Trung, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, trung bình mỗi tháng, Hợp tác xã cung cấp ra thị trường từ 4 đến 5 tấn rau, bình quân một ngày, các hộ trực tiếp sản xuất rau có thể thu nhập từ 1,5 triệu đến 3 triệu đồng. Không chỉ có vậy, Hợp tác xã còn mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất rau ra khỏi địa bàn phường. Hiện nay, Hợp tác xã trồng 2 ha rau an toàn trong khu vực Nhà máy Z113 để cung cấp cho cán bộ, chiến sỹ của nhà máy.

Đồng chí Đào Quang Hậu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Hưng Thành cho biết, với mục tiêu nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân vẫn sống bằng nghề nông nghiệp, tập hợp người dân đi theo hướng mới đó là chuyên nghiệp hóa nông nghiệp, Đảng ủy, UBND phường đã chú trọng định hướng hoạt động của hợp tác xã để vận động người dân nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp bằng cách ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, sản xuất theo hướng hữu cơ.

Hiện phường có 80 ha đất sản xuất nông nghiệp, dự kiến đến năm 2025, phường chỉ còn trên 40 ha diện tích đất nông nghiệp, diện tích còn lại được quy hoạch vào phát triển các công trình dịch vụ, du lịch. Như vậy, làm thế nào để người nông dân ở đô thị vẫn có thu nhập cao trong khi diện tích đất bị thu hẹp là một bài toán mà chỉ có đi theo hướng chuyên canh hóa, chuyên nghiệp hóa cho nông nghiệp mới giải quyết được. Mô hình Hợp tác xã Rau củ quả, hoa và cây cảnh phường Hưng Thành chính là mô hình hay, góp phần mang tới lời giải cho người nông dân ở khu vực đô thị. Từ mô hình này cho thấy, người dân cần được tập hợp lại để giải quyết khâu bao tiêu sản phẩm, học hỏi, chia sẻ khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất, tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Nhiều thành viên Hợp tác xã Rau củ quả, hoa và cây cảnh Hưng Thành đã lắp đặt hệ thống tưới nước tự động cho rau.

Trên cánh đồng rau rộng 8000m2 của gia đình anh Lê Đình Thanh, tổ 8, phường Hưng Thành có đủ các loại rau ăn lá từ rau thơm, mồng tơi, cải canh, cải ngồng, rau rền. Khắp cánh đồng của mình, anh đã lắp đặt hệ thống tưới sương tự động. Nhanh tay bó từng bó rau để vận chuyển cho lái buôn, anh Thanh chia sẻ, mỗi ngày bình quân anh thu hái và cung cấp ra thị trường 1 tạ rau xanh an toàn các loại, thu về từ 1,5 triệu đến gần 2 triệu đồng/ngày. Rau xanh được gia đình anh chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hoàn toàn từ phân vi sinh và các chế phẩm sinh học. Từ thu nhập do trồng rau, mỗi tháng, gia đình anh thu lãi từ 20 đến 30 triệu đồng. Anh Thanh bảo: “Hai vợ chồng mình chỉ trồng rau an toàn là đủ sống và nuôi con cái ăn học rồi. Trồng đến đâu bán hết đến đó, thu hái đến đâu trồng gối vụ đến đó”.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thoa, thành viên của Hợp tác xã cũng có 5 sào rau an toàn, mỗi ngày bình quân chị cung cấp ra thị trường từ 30 đến 40kg rau xanh. Toàn bộ diện tích rau của gia đình chị cũng được lắp đặt bằng hệ thống tưới nước tự động. Từ trồng rau, gia đình chị Thoa mỗi tháng ước thu lãi từ 10 đến 15 triệu đồng. Nghề trồng rau đã tăng thêm thu nhập đáng kể cho gia đình chị.

Nghề trồng rau theo quy trình VietGap của các hộ dân sống bằng nghề nông nghiệp trên địa bàn phường đã mang lại thu nhập khá, ổn định khi mà đầu ra của sản phẩm đã được hợp tác xã đứng ra kết nối, bao tiêu. Rau của những người nông dân phường Hưng Thành giờ đây không chỉ vào các chợ đầu mối lớn mà còn vào cả siêu thị, nhà hàng, trường học, phục vụ cho đơn vị quân đội. Đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Đào Quang Hậu cho biết thêm, trong tương lai, phường sẽ định hướng để người trồng rau còn biết làm cả dịch vụ, du lịch trên chính cánh đồng rau của mình.

Bài, ảnh: Dương Cầm

Tin cùng chuyên mục