Dự hội nghị có các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang; Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, BCH Đảng bộ tỉnh.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo tỉnh, các đại biểu dự hội nghị.
Quy hoạch xác định mục tiêu về kinh tế phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt trên 9,5%. Cơ cấu kinh tế: Ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 42,8%, ngành dịch vụ chiếm 40,8%, ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 13,2%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 3,2%, GRDP bình quân đầu người đạt trên 130 triệu đồng/người/năm.
Định hướng đến năm 2050, Tuyên Quang là tỉnh phát triển, thu nhập cao của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ, có môi trường xã hội văn minh, hiện đại, sáng tạo, dân chủ. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển xanh, công nghiệp sinh thái, thông minh; dịch vụ phát triển đa dạng, hiện đại; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đồng chí Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Thành Công
Theo định hướng, Tuyên Quang tập trung phát triển ba trụ cột kinh tế gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng theo định hướng kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản và kinh tế lâm nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Tỉnh hình thành 4 cực tăng trưởng gắn với tiềm năng thế mạnh vùng bao gồm: Cực tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ, du lịch và đô thị tại thành phố Tuyên Quang và phía Nam huyện Yên Sơn; cực tăng trưởng công nghiệp, đô thị, du lịch tại huyện Sơn Dương; cực tăng trưởng du lịch, nông nghiệp hàng hóa đặc sản, chất lượng cao tại huyện Na Hang và Lâm Bình; tăng trưởng công nghiệp và nông, lâm nghiệp tại khu vực huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm phát biểu nêu bật vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân trong thực hiện quy hoạch, không phá vỡ quy hoạch để phát triển nhanh, bao trùm, bền vững. Ảnh: Thành Công
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm khẳng định, Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa rất quan trọng, là nền tảng để tỉnh triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, mở ra cánh cửa lớn để huy động nguồn lực, nhất là thu hút đầu tư, nâng cao vị thế địa phương. Bởi có quy hoạch tốt mới có nhà đầu tư tốt, có nhà đầu tư tốt mới có dự án tốt.
Để thực hiện tốt nội dung quy hoạch, sớm hiện thực hóa mục tiêu khát vọng đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong tỉnh cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của quy hoạch tới các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả trong thực hiện quy hoạch; thực hiện nghiêm Luật Quy hoạch, không điều chỉnh, phá vỡ quy hoạch.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu chúc mừng tỉnh Tuyên Quang được phê duyệt Quy hoạch tỉnh, tạo động lực phát triển. Ảnh: Thành Công
Các ngành khẩn trương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch chuyên ngành, nhất là quy hoạch về đất đai, xây dựng đô thị, công nghiệp… theo quy định. Trong đó, tập trung lập quy hoạch xây dựng vùng liên huyện Lâm Bình - Na Hang; lập quy hoạch xây dựng vùng huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa; điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện Hàm Yên, giai đoạn 2018-2030, định hướng đến năm 2050; điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Tuyên Quang đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
UBND tỉnh, các ngành tập trung thực hiện các định hướng lớn tạo đột phá phát triển, trọng tâm là phát triển ba trụ cột kinh tế: Công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng theo định hướng kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản và kinh tế lâm nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới; hình thành 4 cực tăng trưởng.
Với nhiệm vụ trọng tâm thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, trọng tâm là Khu công nghiệp Long Bình An, Khu công nghiệp Nhữ Khê - Đội Cấn, Khu công nghiệp Tam Đa; xây dựng Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất, chế biến gỗ của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh điển hình về phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện tiêu chí, trình cấp có thẩm quyền xem xét, công nhận Khu du lịch Tân Trào trở thành khu du lịch quốc gia, trở thành trung tâm giáo dục lịch sử cách mạng gắn với phát triển du lịch cả nước; xây dựng Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm là khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp đạt tiêu chuẩn quốc tế; phát triển Khu du lịch sinh thái Na Hang - Lâm Bình đáp ứng các tiêu chí khu du lịch sinh thái quốc gia; duy trì và nâng tầm Lễ hội Thành Tuyên trở thành lễ hội có quy mô, thương hiệu quốc tế; lập hồ sơ khoa học Khu thiên nhiên Ba Bể (Bắc Kạn) - Na Hang (Tuyên Quang) trình UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Cùng với đó phát triển văn hóa, xã hội, y tế theo xu hướng hiện đại…
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Thành Công
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận một số giải pháp của các ngành thực hiện quy hoạch tỉnh trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, sau hội nghị, các cấp, ngành tổ chức tuyên truyền quy hoạch sâu rộng nội dung quy hoạch đến mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời tập trung nghiên cứu để triển khai thực hiện các giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch tỉnh mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại Quyết định số 325/QĐ-TTg, bao gồm: Giải pháp về huy động vốn đầu tư; giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ; giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết phát triển; giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn…đảm bảo phát triển 3 trụ cột kinh tế, 4 cực tăng trưởng.
Triển khai sử dụng đất thời kỳ đầu quy hoạch thời kỳ 2021-2025, điều chỉnh quy hoạch đất cấp huyện trong tháng 4-2023; điều chỉnh quy hoạch chuyên ngành; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, chuyển đổi số… để từ quy hoạch, các nhà đầu tư yên tâm đầu tư vào tỉnh, đảm bảo thực hiện công trình ưu tiên đầu tư của tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm: 26 chương trình, dự án phát triển đô thị, 7 dự án hạ tầng Khu công nghiệp, 24 dự án hạ tầng cụm công nghiệp, 6 dự án du lịch, 8 dự án, công trình kết cấu hạ tầng thể dục, thể thao, 72 dự án, 24 dự án công nghiệp; bám sát tiến độ lập Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc, các quy hoạch ngành của quốc gia để tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh có ý kiến kịp thời, bảo đảm sự thống nhất…
Gửi phản hồi
In bài viết