Trong những điều được quan tâm, đáng chú ý là câu hỏi về khả năng thay thế con người của trí tuệ nhân tạo (AI) và việc thể hiện, kết nối bản sắc trong thời đại công nghệ.
Một số hoạt động tại Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam (VFCD) năm 2022.
Thách thức từ AI
Trong nhiều hội thảo về vấn đề bản quyền gần đây, có một câu hỏi được đặt ra khá thường xuyên: Liệu các sản phẩm được tạo ra từ AI có được công nhận bản quyền? Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), bà Phạm Thị Kim Oanh từng chia sẻ với Hànộimới Cuối tuần rằng: Các nước khác cũng đã, đang bàn thảo nhiều về vấn đề này và hiện nay, các sản phẩm do AI tạo nên chưa được công nhận bản quyền.
Ngay cả khi chưa được công nhận quyền tác giả, các sản phẩm do AI tạo ra cũng đang đặt ra cho con người nhiều thách thức, trong đó có việc bị cạnh tranh hay thay thế. Tại Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam (VFCD) lần thứ 5 (diễn ra vào tháng 11 và 12-2023 tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh), vấn đề này sẽ được nhìn nhận dưới nhiều góc độ, thông qua loạt hoạt động với chủ đề “Trí tuệ & Công nghệ”. Liên hoan do Đại học RMIT Việt Nam khởi xướng, phối hợp tổ chức cùng UNESCO và Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VICAS) nhằm kiến tạo một nền tảng mở và có tính tương tác cao để cá nhân và các tổ chức bắt kịp xu hướng mới nhất trong lĩnh vực sáng tạo.
Giáo sư Julia Gaimster, Trưởng khoa Truyền thông và Thiết kế, Đại học RMIT Việt Nam, Trưởng ban tổ chức Liên hoan, chia sẻ: “Công nghệ luôn là động lực cho đổi mới và chuyển đổi, nhưng cũng là nguồn gốc của những thách thức và tình huống khó xử. Trong kỷ nguyên số hóa và tự động hóa, chúng ta cần tự hỏi bản thân: Làm thế nào để khai thác tiềm năng của công nghệ và các công cụ mà nó mang lại nhằm nâng cao khả năng sáng tạo và năng suất của con người? Làm thế nào để đối phó với những rủi ro và bất ổn mà công nghệ và các công cụ liên quan có thể đem đến cho xã hội và văn hóa? Làm thế nào để có sự cân bằng giữa con người và máy móc, trí tuệ và vật chất, nghệ thuật và khoa học?”.
Trả lời những lo lắng này, ngay trong lễ khởi động Liên hoan, các bạn trẻ đến từ Behalf Studio đã làm một clip với sự hỗ trợ của AI để khẳng định: AI là công cụ để hiện thực hóa ý tưởng chứ không thể thay thế con người.
Câu chuyện bản sắc
Bên cạnh thách thức về sự cạnh tranh, việc sử dụng AI và các ứng dụng công nghệ khác trong lĩnh vực sáng tạo cũng đặt ra câu hỏi về tính bản sắc. PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng VICAS đánh giá: “Trí tuệ & Công nghệ” là chủ đề được quan tâm trong các ngành công nghiệp văn hóa, nói đến chủ đề này thì không thể không nói đến sự ảnh hưởng ngày càng lớn của AI với sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa. Những thay đổi này mang đến một làn sóng công nghệ mới với sự phát triển chóng mặt.
Điều này mở ra tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa nhưng cũng mang đến rất nhiều câu hỏi và thách thức: Ứng dụng và quản lý chúng như thế nào để chỗ đứng của công nghệ và AI sẽ kết nối hài hòa với sức sáng tạo và bản sắc của chúng ta trong các ngành công nghiệp văn hóa”.
Tại Liên hoan, sẽ có một chuỗi sự kiện như hội thảo, triển lãm, tọa đàm, hội thoại, trình diễn được tổ chức để khám phá tiềm năng sáng tạo của công nghệ và các công cụ liên quan, đồng thời xem xét những thách thức và cơ hội mà công nghệ mang lại cho các ngành công nghiệp sáng tạo.
“Chúng tôi sẽ giới thiệu những ví dụ điển hình về ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực sáng tạo. Chúng tôi cũng sẽ mời các chuyên gia và người làm nghề trong nhiều lĩnh vực và nền tảng khác nhau đến chia sẻ kiến thức, sự hiểu biết sâu sắc cũng như kinh nghiệm của họ về cách sử dụng công nghệ và các công cụ liên quan một cách hiệu quả và có đạo đức” - Giáo sư Julia Gaimster cho biết thêm.
Theo ông Michael Croft, Quyền Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Việt Nam may mắn có được nguồn tài năng trẻ dồi dào với hơn 22 triệu dân trong độ tuổi từ 16 - 30, những người có trình độ học vấn và thông thạo kỹ thuật. Họ cung cấp tiềm năng to lớn cho các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, vì những người trẻ chính là lực lượng nòng cốt của ngành sáng tạo với thiên hướng tự nhiên trong cả đổi mới và sáng tạo, chấp nhận rủi ro có tính toán, và đặc biệt là những điều này được thể hiện thông qua hoạt động khởi nghiệp.
Chính vì vậy, ưu tiên hiện nay là tạo một môi trường, nền tảng phù hợp để các bạn trẻ thể hiện vai trò dẫn đầu trong việc tối ưu hóa tác động của nền kinh tế sáng tạo lên tăng trưởng kinh tế và xã hội. Đây cũng là mục tiêu chính của Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam trong suốt những năm qua.
Gửi phản hồi
In bài viết