Hồi chuông báo động
Trong thời gian qua, mặc dù công tác tuyên truyền, triển khai các giải pháp về An toàn vệ sinh lao động đã được các cấp, ngành chức năng triển khai thực hiện song vẫn có những đơn vị, doanh nghiệp, người lao động “bỏ ngoài tai” hoặc chưa thực sự quan tâm, coi trọng dẫn đến những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Năm 2021, tại Nhà máy Giấy Na Hang đã xảy ra vụ tai nạn lao động khiến một công nhân bị thương nặng phải đi cấp cứu. Năm 2022, vụ tai nạn tại Công ty cổ phần Xi măng Tân Quang (TP Tuyên Quang) đã khiến 1 công nhân vận hành thiết bị sản xuất xi măng tử vong. Năm 2023 vụ lật máy xúc xảy ra tại công trình thi công cầu Ô Rô, thôn Hưng Long, xã Thành Long (Hàm Yên) khiến 1 công nhân lái máy xúc tử vong hay vụ tai nạn lao động xảy ra tại xưởng đùn sợi của Công ty TNHH Hitarp Việt Nam tại Cụm Công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương) khiến 1 công nhân khi đang trong quá trình vận hành dây chuyền gây tử vong…
Lao động làm việc tại nhà máy may xuất khẩu của Công ty TNHH MTV Seshin VN2 ở Khu Công nghiệp Long Bình An được trang bị bảo hộ lao động khi làm việc.
Gần đây nhất, vào ngày 7-5, một vụ tai nạn lao động đã xảy ra tại mỏ đá của Hợp tác xã Khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng Bình Ca (huyện Yên Sơn) khiến 1 công nhân tử vong. Chưa đầy một tuần sau, vào ngày 13-5, tại mỏ đá của Công ty TNHH Thiên Sơn Tuyên Quang tại tổ 10, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) đã xảy ra vụ sạt lở khu vực đang quản lý, khai thác. Vụ sập không gây thiệt hại về người nhưng đã vùi lấp một số phương tiện, máy móc phục vụ khai thác...
Từ những vụ tai nạn lao động xảy ra cho thấy đâu đó trong nhà máy, xí nghiệp sản xuất, công trường... vẫn còn sự chủ quan trong công tác đảm bảo ATVSLĐ, chưa chấp hành nghiêm các quy định. Đó thực sự là điều hết sức nguy hiểm bởi khi tai nạn lao động xảy ra sẽ để lại những hậu quả rất nghiêm trọng.
Khi các vụ tai nạn lao động xảy ra, các cơ quan chức năng tỉnh đã ngay lập tức vào cuộc làm rõ nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, những hậu quả để lại là lâu dài cho không chỉ gia đình, doanh nghiệp mà toàn xã hội.
Triển khai ngay các giải pháp đảm bảo an toàn
Năm 2024 theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh đã xảy ra 53 vụ tai nạn lao động làm 5 người chết, 28 người bị thương nặng và 20 người bị thương nhẹ. Các nguyên nhân được xác định là do không có thiết bị an toàn khi làm việc; vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn, biện pháp làm việc an toàn; không có phương tiện bảo vệ cá nhân... Những vụ tai nạn trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác đảm bảo an toàn lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Nhằm nâng cao nhận thức của các đơn vị, doanh nghiệp cũng như người lao động và toàn xã hội về tầm quan trọng của công tác an toàn, tỉnh luôn quan tâm triển khai các văn bản yêu cầu các cấp, ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người lao động trên địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm các quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động.
Vụ sạt lở mỏ đá xảy ra vào ngày 13-5 tại mỏ đá của Công ty TNHH Thiên Sơn Tuyên Quang, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang).
Hằng năm, tỉnh đều triển khai Tháng hành động về ATVSLĐ để nâng cao tính phòng ngừa, tăng cường trách nhiệm của người sử dụng lao động trong công tác tự kiểm tra, đánh giá, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ, hạn chế tai nạn nao động, bệnh nghề nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2025 với chủ đề “Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc”. Các giải pháp được triển khai gồm: Nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ trong các doanh nghiệp, cơ sở thông qua các hoạt động thông tin, tuyên truyền, chương trình hành động cụ thể về ATVSLĐ; đẩy mạnh thực hiện các biện pháp giảm thiểu rủi ro về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện làm việc; chăm sóc sức khỏe người lao động, hạn chế thấp nhất tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Đồng thời chú trọng thông tin, tư vấn, tập huấn, hướng dẫn doanh nghiệp, người lao động nhận diện, đánh giá nguy cơ, rủi ro, cải thiện điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh trong các doanh nghiệp, cơ sở, tổ, đội, phân xưởng, nhà máy, các công trình xây dựng, giao thông nơi đông người qua lại, các trung tâm thương mại, trường học, khu dân cư về đảm bảo an toàn trong lao động, sản xuất và phòng, chống dịch bệnh…
Với những giải pháp đã được triển khai, công tác ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh ngày càng được các đơn vị, doanh nghiệp, người lao động quan tâm thực hiện. Từ đó nhằm xây dựng môi trường làm việc an toàn, hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển.
Gửi phản hồi
In bài viết