Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phải thường xuyên, liên tục, bền bỉ

- Sáng 13-4, đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã chủ trì Hội nghị giao ban công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quý I - 2023. Dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành, UBND huyện, thành phố và thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kết luận hội nghị.

Quý I, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và bắt giữ 151 vụ vi phạm, trong đó, phát hiện, bắt giữ 28 vụ mua bán vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; 119 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; 4 vụ mua bán, tàng trữ hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, thu nộp ngân sách Nhà nước trên 3,5 tỷ đồng; khởi tố 3 vụ hình sự với 5, đối tượng.

Qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhiều vụ việc đã được phát hiện và xử lý kịp thời, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đầu cơ, găm hàng, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các tổ chức, cá nhân…

Tại hội nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo 389 đã tập trung thảo luận, đưa ra các giải pháp để công tác phối hợp thực hiện đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại giữa các đơn vị hiệu quả hơn; vấn đề nhận diện các phương thức lừa đảo trên không gian mạng của đối tượng buôn lậu, nâng cao công tác dự báo, dự đoán tình hình để kịp thời đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm; triển khai các biện pháp nghiệp vụ để kiểm tra các gian hàng, tài khoản buôn bán thông qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử…

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Tuấn đánh giá cao Cục Quản lý thị trường tỉnh cùng với sự phối hợp của các ngành thành viên trong thực thi nhiệm vụ. Sự vào cuộc kịp thời của các đơn vị đã góp phần giữ ổn định thị trường hàng hóa trong tỉnh.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, bền bỉ. Do đó các đơn vị liên quan cần tăng cường kiểm tra các hoạt động mua bán trên môi trường thương mại điện tử, trên nền tảng kinh tế số và các loại hình thương mại phi truyền thống mới phát sinh những năm gần đây. Đồng thời, tập trung kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng trọng điểm tác động lớn đến kinh tế - xã hội, đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng.

Cùng với đó, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh hoặc biến động thị trường để đầu cơ, găm hàng, tăng giá, đặc biệt là trong dịp các lễ hội trong thời gian tới…

Tin, ảnh: Quốc Việt

Tin cùng chuyên mục