Tuy vậy, toàn bộ các tên gọi sử dụng trong hệ sinh thái của Facebook (như mạng xã hội Facebook, Instagram, WhatsApp...) đều không thay đổi, do đó không ảnh hưởng gì tới người dùng. Nói cách khác, việc đổi tên lần này của Facebook chủ yếu mang tính hình thức, tương tự như cách Google “thành lập” công ty mẹ thông qua việc đổi tên thành Alphabet hồi năm 2015.
Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Facebook Inc công bố đổi tên thành Meta.
Dù vậy, theo quan điểm của Mark Zuckerberg, việc đổi tên được xem là dấu mốc quan trọng trong lộ trình phát triển của Facebook. Tên gọi mới Meta phản ánh rõ tham vọng của Zuckerberg là xây dựng một "vũ trụ ảo" (metaverse), xóa nhòa ranh giới với thế giới thật. Nhà sáng lập mạng xã hội lớn nhất thế giới nhấn mạnh metaverse là tương lai.
Đề cập những tiềm năng vô tận của thế giới ảo, Mark Zuckerberg dự báo, trong vòng một thập kỷ tới, metaverse sẽ tiếp cận 1 tỷ người, xây dựng được cộng đồng thương mại điện tử trị giá hàng trăm tỷ USD và hỗ trợ việc làm cho hàng triệu nhà sáng tạo nội dung.
Trước sự kiện, Facebook cũng đã công bố kế hoạch thuê 10.000 người ở Liên minh châu Âu (EU) để xây dựng "metaverse". Công ty này cũng đã đăng ký tên gọi @meta trên mạng xã hội Twitter, tên miền meta.com và meta.org.
Tuy nhiên, trong con mắt của giới quan sát, mối quan tâm của Facebook đối với metaverse thực chất là "một phần của nỗ lực lớn hơn nhằm khôi phục danh tiếng của công ty với các nhà hoạch định chính sách" - theo Washington Post. Điều này là có lý trong bối cảnh Facebook đang đối mặt với nhiều chỉ trích mạng xã hội này chỉ chú trọng đến lợi nhuận và bỏ qua hoặc làm rất ít để ngăn chặn các tác động tiêu cực đến người sử dụng. “Ban giám sát Facebook” - một nhóm các nhà hoạt động chỉ trích Facebook - gọi việc đổi tên là "vô nghĩa”.
Gửi phản hồi
In bài viết