Đây là mức cao hơn 2,4 tỷ USD so với quý II, và cao hơn tới 12,9 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020 (tương đương tăng trưởng 35%). Trên đà tăng trưởng chưa từng có, Amazon Web Services (AWS) duy trì vị thế dẫn đầu, khi chiếm tới 32% thị phần dịch vụ hạ tầng điện toán đám mây trong quý vừa qua, tăng trưởng 39% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh lĩnh vực sở trường là phục vụ các ngành công nghiệp, AWS còn được nhiều chính phủ tin cậy, bao gồm cả Anh và Mỹ, là tiền đề của hàng loạt hợp đồng hợp tác lớn với nguồn doanh thu “khủng”.
Đứng ở vị trí thứ hai là Microsoft Azure. Dịch vụ này tuy chỉ chiếm 21% thị phần, nhưng đã tăng trưởng quý trên 50% lần thứ năm liên tiếp. Hiện nay, hãng phần mềm Mỹ vẫn sở trường các gói dịch vụ tùy biến cao phục vụ doanh nghiệp, nhưng đã từng bước mở rộng sang mảng dịch vụ tài chính và sản xuất; song song phát triển các giải pháp quản trị dữ liệu, nổi bật là Azure Purview - giải pháp dữ liệu hội tụ được thiết kế nhằm quản lý dữ liệu trong môi trường đa giải pháp điện toán đám mây. Ở vị trí thứ ba, Google Cloud tăng trưởng tương đối tốt (54% trong quý vừa qua), nhưng chỉ khiêm tốn chiếm 8% thị phần.
Những động lực chính của sự đột phá trong đầu tư điện toán đám mây vẫn nằm ở nhu cầu làm việc từ xa, học tập từ xa gia tăng trong bối cảnh đại dịch; sự gia tăng của các ứng dụng điện toán đám mây trong môi trường công nghiệp...
Đáng chú ý, việc các doanh nghiệp mong muốn duy trì dịch vụ và công việc trong bối cảnh hoạt động xã hội gián đoạn do các biện pháp phòng, chống dịch bệnh là yếu tố chủ đạo thổi bùng làn sóng đầu tư nhằm tận dụng những lợi thế mà điện toán đám mây mang tới.
Trong bối cảnh các nhà cung cấp dịch vụ vừa và nhỏ “đắt hàng” với những giải pháp phục vụ nhu cầu thường nhật, các đại gia hàng đầu trong lĩnh vực điện toán đám mây đã có đủ tự tin để dồn nguồn lực cho những giải pháp mang tính vĩ mô, tạo ra những sản phẩm ngày càng chuyên biệt hóa theo từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể.
Tuy nhiên, việc nhu cầu thị trường tăng trưởng nhanh chóng cũng đang đặt các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây vào thế khó. Sự thiếu hụt linh kiện bán dẫn trên quy mô toàn cầu đang trở thành rào cản lớn đối với việc mở rộng hạ tầng phần cứng - đặc biệt là các trung tâm dữ liệu quy mô lớn - nhằm đáp ứng thêm các khách hàng mới. Chi phí cho hoạt động này cũng đã gia tăng đáng kể trong những tháng qua, khiến giới chuyên môn có phần lo lắng về chi phí thuê bao dịch vụ mà khách hàng cuối phải gánh chịu.
Gửi phản hồi
In bài viết