Chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber (giữa) cùng các nhà lãnh đạo vỗ tay sau khi thỏa thuận được thông qua.
Theo CNN, thỏa thuận này nhận được sự đồng thuận của gần 200 thành viên tham dự COP28 đặc biệt kêu gọi chuyển đổi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng một cách công bằng, trật tự và hợp lý, qua đó tiến tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đồng thời kêu gọi tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu vào năm 2030.
Thỏa thuận, được gọi là Global Stocktake, đã bị hủy bỏ vào buổi sáng do các cuộc đàm phán giữa các quốc gia bị chia rẽ gay gắt về vai trò tương lai của dầu, khí đốt và than đá. Trong bài phát biểu tại phiên họp cuối cùng của hội nghị, Chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber nhấn mạnh: “Lần đầu tiên chúng tôi đề cập tới nhiên liệu hóa thạch trong thỏa thuận của mình. Điều này thể hiện một sự thay đổi lớn, nhằm xác định lại tiềm năng nền kinh tế của các nước. Tất cả chúng ta đã cùng nhau đối mặt với thực tế và đưa thế giới đi đúng hướng. Đó là một kế hoạch tổng thể giúp giải quyết vấn đề phát thải, thu hẹp khoảng cách về khả năng thích ứng, định hình lại nền tài chính toàn cầu và giải quyết những mất mát và thiệt hại”.
Một số quốc gia tuyên bố thỏa thuận này báo hiệu sự kết thúc của kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch. Song một số nước thận trọng hơn cho rằng, thỏa thuận này vẫn chưa đủ để phản ánh mức độ cấp bách ngày càng tăng của cuộc khủng hoảng khí hậu.
Phát biểu với báo chí sau khi thỏa thuận được thông qua, Thư ký điều hành COP28 Simon Stiell cảm thán rằng: “Những vỏ bọc lợi ích từ nhiên liệu khóa thạch đã tạo ra nhiều lỗ hổng về chính sách khiến con người tổn thương. Sự minh bạch là điều kiện quan trọng có thể khắc phục những lỗ hổng này. Nhiều sáng kiến được công bố tại COP28 là huyết mạch hành động vì khí hậu. Điều tôi quan tâm là chứng kiến những cam kết này được chuyển đổi thành kết quả trong nền kinh tế thực".
Việc hội nghị đạt được thỏa thuận quan trọng này được cho là sẽ gửi thông điệp mạnh mẽ đến các nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách rằng thế giới giờ đây đã đoàn kết trong việc hạn chế và tiến tới chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch - điều mà các nhà khoa học cho rằng là cơ hội cuối cùng để ngăn chặn các thảm họa khí hậu.
Gửi phản hồi
In bài viết