Các lãnh đạo EU họp báo sau Hội nghị EU-Tây Balkan. (Ảnh AP)
Tuyên bố chung đưa ra sau Hội nghị nêu rõ, môi trường địa chiến lược ngày càng phức tạp với cuộc xung đột tại Ukraine và cuộc khủng hoảng ở Trung Đông đang gây nguy hiểm cho an ninh châu Âu và toàn cầu. Trong bối cảnh đó, quan hệ đối tác chiến lược giữa EU và khu vực Tây Balkan càng quan trọng.
Các nước Tây Balkan đang trong tiến trình gia nhập EU, trong đó EU đã khởi động đàm phán với Montenegro và Serbia lần lượt vào các năm 2012 và 2014. Tại Hội nghị, EU công bố gói hỗ trợ mới trị giá 1,8 triệu euro dành cho Albania, Montenegro và Bắc Macedonia để đối phó các mối đe dọa trên không gian mạng.
Tại họp báo sau Hội nghị, Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borell cho biết, việc mở rộng EU để bao gồm các nước ở Tây Balkan sẽ là một khoản đầu tư cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng. Theo ông Borell, khoản hỗ trợ tài chính bổ sung nhằm củng cố quan hệ với các đối tác của EU, góp phần bảo đảm an ninh của châu Âu.
Môi trường địa chiến lược ngày càng phức tạp với cuộc xung đột tại Ukraine và cuộc khủng hoảng ở Trung Đông đang gây nguy hiểm cho an ninh châu Âu và toàn cầu. Trong bối cảnh đó, quan hệ đối tác chiến lược giữa EU và khu vực Tây Balkan càng quan trọng. |
EU ngày 12/12 thông báo đã đạt thỏa thuận liên kết với Andorra và San Marino, sau 9 năm đàm phán. Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Maros Sefcovic cho biết, việc liên kết với EU cho phép Andorra và San Marino dần hội nhập thị trường nội khối EU, cũng như hợp tác trong những lĩnh vực chính sách khác, trong điều kiện cạnh tranh bình đẳng và tuân thủ các quy tắc. Hai nước đối tác của EU sẽ phải vượt qua "sát hạch" về tính hiệu quả trong quản lý và giám sát.
Ngày 14/12, Hội nghị thượng đỉnh EU khai mạc tại Brussels, với trọng tâm thảo luận là vấn đề ngân sách EU và viện trợ Ukraine. Trước hội nghị, Đức cam kết ủng hộ hỗ trợ tài chính lâu dài cho Ukraine. Phát biểu trước Quốc hội Đức ngày 13/12, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nêu rõ, tại Hội nghị thượng đỉnh EU, Đức sẽ khẳng định ủng hộ hỗ trợ tài chính bền vững và đáng tin cậy cho Ukraine. Lãnh đạo Đức cho đây là vấn đề an ninh của EU và là ưu tiên với nước Đức.
Pháp cũng chia sẻ quan điểm ủng hộ tiếp tục trợ giúp tài chính cho Ukraine. Trong cuộc gặp Thủ tướng Slovenia tại Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh, EU phải hỗ trợ đầy đủ và lâu dài cho Kiev. Lãnh đạo Pháp cũng khẳng định an ninh tập thể của EU là quan trọng.
Trong khi đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngày 14/12 cho biết, Hungary có thể quay lại cấp viện trợ tài chính dài hạn cho Ukraine nhưng ngoài ngân sách EU. Lãnh đạo Hungary cũng nhắc lại quan điểm phản đối khởi động đàm phán với Ukraine về gia nhập EU.
Trước đó, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho rằng, tiến trình Ukraine gia nhập EU đòi hỏi nhiều thời gian và Kiev phải đáp ứng mọi điều kiện cần thiết. Theo EC, đến nay Ukraine đã hoàn thành 90% nội dung cải cách theo yêu cầu của EU. Đàm phán với Ukraine sẽ chính thức được khởi động sau khi Kiev đáp ứng các điều kiện còn lại.
Gửi phản hồi
In bài viết