Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Vietcombank. (Ảnh THANH LÂM)
Nhìn lại giai đoạn vừa qua, chính sách quản lý nợ công đã phát huy vai trò tích cực, qua đó góp phần tăng cường ổn định vĩ mô, hỗ trợ nền kinh tế; đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, tăng cường kỷ luật kỷ cương tài chính-ngân sách nhà nước (NSNN). Theo đó, công tác quản lý nợ công luôn bám sát các nhiệm vụ đề ra tại Chiến lược, góp phần triển khai thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020 và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Điều này được thể hiện trong việc đã huy động vốn vay từ nguồn trong và ngoài nước bảo đảm đáp ứng nhu cầu bù đắp bội chi NSNN và đầu tư phát triển kinh tế-xã hội theo các Nghị quyết của Quốc hội trong từng giai đoạn và hằng năm; kịp thời điều chỉnh, áp dụng các biện pháp quyết liệt kiểm soát nợ công, nợ Chính phủ bảo đảm luôn nằm trong giới hạn các chỉ tiêu an toàn đã đề ra tại Chiến lược và tuân thủ các nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.
Bên cạnh đó, hiệu quả công tác quản lý, sử dụng vốn vay về cho vay lại, vốn vay Chính phủ bảo lãnh có nhiều cải thiện. Việc áp dụng công cụ quản lý nợ công theo thông lệ quốc tế, bước đầu áp dụng các nghiệp vụ quản lý rủi ro, góp phần phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu Chính phủ. Việc củng cố tài khóa và kiềm chế nợ công đã tạo dư địa dự phòng chính sách để ứng phó với rủi ro vĩ mô, góp phần cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia.
Bộ Tài chính cũng đánh giá, Chiến lược giai đoạn 2011-2020 đã đề ra 10 chỉ tiêu cụ thể về bội chi NSNN và nợ công, và kết quả thực hiện đến năm 2020 cho thấy, về bội chi NSNN giai đoạn 2011-2015, để đáp ứng nhu cầu chi NSNN, đặc biệt cho đầu tư phát triển ngày càng tăng cho nên Chính phủ đã báo cáo Ban chấp hành Trung ương Đảng và trình Quốc hội chấp thuận bội chi cao ở một số thời điểm để có thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển; bình quân mức bội chi là 5,8% GDP, cao hơn mức đề ra tại Chiến lược.
Giai đoạn 2016-2020 đã thực hiện kiểm soát tăng chi ngân sách và nợ công, bội chi NSNN bình quân khoảng 3,45% GDP, bảo đảm mục tiêu của Chiến lược, Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị là đến năm 2020 xuống dưới 4% GDP và mục tiêu không quá 3,9% GDP theo Nghị quyết của Quốc hội.
Có 5 trong tổng số 6 chỉ tiêu về nợ công bảo đảm trong giới hạn cho phép, như: Nợ công (bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương) cuối năm 2020 khoảng 55,9% GDP, bảo đảm trong giới hạn không quá 65% GDP. Dư nợ Chính phủ đến năm 2020 đạt khoảng 49,9% GDP, bảo đảm trong giới hạn Chiến lược nợ đề ra là không quá 55% GDP, đồng thời thực hiện đúng chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không kể cho vay lại) so với tổng thu NSNN hằng năm bảo đảm dưới mức cho phép là 25%. Dư nợ nước ngoài quốc gia đến năm 2020 là 47,9% GDP, bảo đảm trong giới hạn đề ra không quá 50% GDP. Chỉ tiêu tỷ lệ dự trữ ngoại hối nhà nước so với tổng dư nợ nước ngoài ngắn hạn hằng năm giai đoạn 2011-2015 đạt bình quân khoảng 286,4%, giai đoạn 2016-2020 khoảng 296,8%, đáp ứng mục tiêu trên 200% được đề ra tại Chiến lược.
Riêng đối với chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia, Bộ Tài chính cho biết: Trong cả giai đoạn 2016-2020, chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng mạnh, vượt giới hạn được Quốc hội cho phép là 25%, chủ yếu do hoạt động rút vốn và trả nợ gốc các khoản vay nước ngoài ngắn hạn của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng tăng mạnh.
Năm 2020, chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia lên tới 39,1% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, trong đó chỉ tính riêng nghĩa vụ trả nợ gốc các khoản vay ngắn hạn của doanh nghiệp đã lên tới 33,4% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ. Trường hợp không bao gồm nghĩa vụ trả nợ gốc ngắn hạn trong phạm vi tính nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia theo cách tính của WB và IMF, chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ nước ngoài quốc gia so với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ duy trì dưới ngưỡng 25% được Quốc hội cho phép, bình quân 5 năm 2016-2020 khoảng 6%.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng khẳng định: Ba chỉ tiêu về cơ cấu danh mục nợ đều đạt mục tiêu đề ra là tỷ trọng nợ nước ngoài trong tổng dư nợ Chính phủ cuối năm 2020 đạt 36,2%, vượt mục tiêu đề ra tại Chiến lược nợ là giảm xuống dưới 50%. Tỷ trọng các khoản vay ODA trong tổng dư nợ vay nước ngoài của Chính phủ năm 2020 khoảng 78,6%, đáp ứng mục tiêu trên 60% đề ra tại Chiến lược. Kỳ hạn phát hành bình quân trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2015 đạt 4,38 năm, đạt mục tiêu đề ra tại Chiến lược nợ (trung bình khoảng từ 4 đến 6 năm); giai đoạn 2016-2020 kỳ hạn phát hành bình quân lên mức 12,30 năm, vượt mục tiêu đề ra tại Chiến lược (trong khoảng 6 đến 8 năm).
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng thẳng thắn cho rằng, tuy giai đoạn 2016-2020 các chỉ tiêu nợ đã được kiểm soát theo xu hướng giảm dần, dành dư địa cho chính sách tài khóa nhưng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu NSNN lại đang có xu hướng tăng lên. Danh mục nợ Chính phủ vẫn tiềm ẩn rủi ro, điều kiện vay vốn nước ngoài trở nên kém ưu đãi hơn trong khi thị trường vốn trong nước còn chưa thực sự phát triển. Áp lực trả nợ của Chính phủ ngày càng tăng cao, khuôn khổ quản lý nợ nước ngoài của quốc gia không còn phù hợp với điều kiện phát triển của nước ta hiện nay.
Trong khi đó, dự báo bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế thời gian tới vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, đại dịch Covid-19 còn tiếp tục kéo dài, không những ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế thế giới và các quốc gia mà còn thay đổi cấu trúc kinh tế, gây bất ổn kinh tế toàn cầu. Các quốc gia huy động nợ ở mức cao, trở nên dễ tổn thương hơn với các cú sốc bên ngoài.
Trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, nhất là sau khi Việt Nam đã tốt nghiệp các khoản vay ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2017, của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) năm 2019 và không còn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cao, giá rẻ như trước, nước ta sẽ phải dựa nhiều hơn vào các công cụ thị trường, đòi hỏi phải hoạch định chiến lược vay, trả nợ công trung, dài hạn thận trọng, linh hoạt.
Rõ ràng, trong tình hình đó, việc nghiên cứu xây dựng và thực hiện Chiến lược nợ công giai đoạn 2021-2030 là hết sức cần thiết, có ý nghĩa và vai trò quan trọng nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng lớn về tài chính-ngân sách nhà nước, nợ công trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng như đề ra những mục tiêu, định hướng trong công tác quản lý nợ công trong thời gian tới.
Gửi phản hồi
In bài viết