Tháng 3-2023, công trình nước sạch Nhữ Khê - Nhữ Hán (Yên Sơn) với tổng vốn đầu tư xây dựng trên 10 tỷ đồng được bàn giao và đưa vào sử dụng đã nâng cao chất lượng cuộc sống cho gần 800 hộ dân. Ông Nguyễn Xuân Lợi, thôn Tân Hồ, xã Nhữ Hán (Yên Sơn) phấn khởi cho biết: "Có công trình nước người dân mừng lắm! Nước được dẫn về tận đến hộ gia đình, không phải chi phí đường ống, dùng nhiều trả nhiều, dùng ít trả ít, bà con rất hài lòng". Ông Lợi chia sẻ, mùa khô năm nay gia đình ông và nhiều người dân trong khu vực không phải lo thiếu nước dùng.
Theo lãnh đạo UBND xã Nhữ Hán, Nhữ Khê, các thôn giáp ranh 2 xã do chưa có công trình nước sạch, người dân sử dụng nước giếng đào. Tuy nhiên những năm gần đây, tác động thời tiết, mùa khô nguồn nước cạn kiệt dẫn đến tình trạng nhiều hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Công trình cấp nước sạch sinh hoạt tập trung được xây dựng đã đáp ứng lòng mong mỏi của cấp ủy, chính quyền và người dân.
Cán bộ Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn kiểm tra chất lượng nước trước khi cung ứng về cho người dân.
Công trình cấp nước tập trung xã Ninh Lai (Sơn Dương) đi vào hoạt động cũng đã giải "cơn khát" cho gần 1.700 hộ dân, cơ quan, trường học trên địa bàn. Ông Ôn Văn Tám, Tổ trưởng Tổ Quản lý công trình cấp nước tập trung xã Ninh Lai cho biết, mực nước sông sông Phó Đáy chảy qua khu vực này liên tục hạ thấp đã ảnh hưởng đến các công trình giếng khoan của các hộ gia đình. Rất nhiều hộ dân về mùa khô sống trong tình cảnh thiếu nước sinh hoạt, nếu có nước, nguồn nước không đảm bảo. Trước thực tế Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đã đầu tư xây dựng công trình với tổng trị giá 22,9 tỷ đồng. Ông Tám khoe, hiện nay công trình đang cung cấp nước cho 1.687 hộ, thuộc 14 thôn, trong đó có cả khối cơ quan, trường học và trạm y tế xã.
Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi, hiện nay toàn tỉnh có tổng số 383 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung, trong đó, có 227 công trình hoạt động. Biến đổi khí hậu toàn cầu, ý thức bảo vệ nguồn sinh thủy tại một số địa phương chưa cao, đây là lý do nguồn nước đổ về các công trình bị hạn chế, đặc biệt là vào mùa khô dẫn đến tình trạng nước không đủ để điều tiết. Thực tế những năm gần đây tại nhiều địa phương, tình trạng thiếu nước cục bộ về mùa khô vẫn đang xảy ra. Ngay tại một số các thôn của xã Sơn Nam, Trường Sinh, Hồng Lạc (Sơn Dương); An Khang, Thái Long (TP Tuyên Quang) về mùa khô người dân vẫn phải đi xin, đi mua từng can nước sạch để phục vụ cuộc sống hàng ngày.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng và Thủy văn Quốc gia, thời tiết năm nay tiếp tục có những biến động, đặc biệt là hệ thống thủy văn đồng nghĩa với tình trạng nguồn nước mặt, nước ngầm tiếp tục bị thu hẹp và hạ thấp. Nguy cơ thiếu nước cho cả sản xuất và sinh hoạt có thể xảy ra.
UBND tỉnh đã có Kế hoạch đảm bảo cấp nước an toàn cho cư dân nông thôn giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, tỉnh sẽ lồng ghép chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và các nguồn vốn hợp pháp khác để nâng cấp, cải tạo, sửa chữa 118 công trình cấp nước nông thôn tập trung ở các địa phương. Trong năm 2023, đã có ít nhất 10 công trình được cải tạo nâng cấp sửa chữa, mở rộng quy mô cấp nước phục vụ người dân. Theo lãnh đạo Trung tâm Nước sạch vệ sinh và Môi trường nông thôn, đơn vị sẽ tiếp tục ưu tiên sửa chữa, cải tạo, đầu tư xây mới các công trình nước tại các địa phương đang khó khăn về nguồn nước, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân.
Cùng với kế hoạch đầu tư của tỉnh, người dân cũng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ nguồn sinh thủy, sử dụng tiết kiệm hiệu quả nguồn nước. Đây là giải pháp bền vững và hiệu quả nhất nhằm chia sẻ cơ hội cho nhiều người dân vùng khó khăn được sử dụng nước, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng.
Gửi phản hồi
In bài viết