Cuộc đời hoạt động cách mạng của người chiến sĩ cộng sản Hoàng Đình Giong

Ông Hoàng Đình Giong (tức Hoàng, Trần Tín, Lầu Voòng, Nam Bình, Văn Tư, Võ Văn Đức, Vũ Đức, Lê Minh, cụ Vũ), người dân tộc Tày, sinh ngày 01/6/1904, tại làng Thôm Hoáng, xã Hạ Hoàng, về sau chuyển sang làng Nà Toàn, xã Xuân Phách (nay là tổ 08, phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng). Cuộc đời hoạt động cách mạng của ông gắn liền với phong trào cách mạng của quê hương Cao Bằng và cả nước.

Khu tưởng niệm đồng chí Hoàng Đình Giong tại phường Đề Thám (thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng)

Nhà cách mạng trẻ tuổi người dân tộc thiểu số

Ông  Hoàng Đình Giong (tức Hoàng, Trần Tín, Lầu Voòng, Nam Bình, Văn Tư, Võ Văn Đức, Vũ Đức, Lê Minh, cụ Vũ), người dân tộc Tày, sinh ngày 1/6/1904, tại làng Thôm Hoáng, xã Hạ Hoàng (nay là tổ 14, phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng). Cuộc đời hoạt động cách mạng của ông gắn liền với phong trào cách mạng của quê hương Cao Bằng và cả nước.

Từ lúc còn nhỏ, Ông Hoàng Đình Giong là một người thông minh, ham hiểu biết, ngoài việc học ở trường, ông còn rất ham đọc sách để hiểu thêm truyền thống dân tộc; những bài văn của ông luôn thể hiện lòng tự hào và niềm tự hào dân tộc và có tư tưởng chống "Mẫu quốc", do đó kỳ thi tốt nghiệp tiểu học ở Lạng Sơn tháng 6/1924, ông đã bị đánh trượt. Ông trở về xã Xuân Hòa, Hà Quảng, Cao Bằng mở trường dạy tư. Năm 1925, ông cùng một số người bạn vào học trường Bách Nghệ ở Hà Nội. Ông bắt đầu bước vào hoạt động cách mạng cùng một số học sinh trong trường cùng chung chí hướng.

Tháng 3/1926, ông đã tích cực tham gia phong trào bãi khóa của học sinh đòi thả nhà yêu nước Phan Bội Châu và phong trào đấu tranh tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh. Sau đó ông bị đuổi khỏi trường, trở về Cao Bằng vừa dạy học vừa tuyên truyền cách mạng và vận động, tổ chức các nhóm yêu nước ở Cao Bằng, lập Hội đánh Tây, Hội thanh niên phản đế, Hội dạy võ dân tộc..., tập hợp quần chúng ở nhiều địa phương để tuyên truyền nhằm thức tỉnh tinh thần đấu tranh cách mạng cho họ. Ông đã giác ngộ được nhiều thanh niên vào tổ chức như: Hoàng Văn Nọn (Hoàng Như), Lê Đoàn Chu (Nam Cao), Nông Văn Đô (Bích Giang)... Từ năm 1927, đã xuất hiện nhiều cơ sở Hội đánh Tây ở Hoà An, sau đó lan sang các huyện: Hà Quảng, Quảng Uyên và nhiều huyện khác trong tỉnh. Do yêu cầu đòi hỏi của cách mạng, mùa thu năm 1927, đồng chí Hoàng Đình Giong đã bí mật sang Long Châu (Trung Quốc) bắt liên lạc với tổ chức cách mạng và được tham gia lớp huấn luyện chính trị của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội và được kết nạp vào tổ chức này tại cơ sở Long Châu.

Đến ngày 19/6/1928, với tư cách là người phụ trách Hội ở Long Châu Ông đã ra sức chỉ đạo xây dựng cơ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, chọn cử được nhiều thanh niên người Cao Bằng đã được giác ngộ cách mạng sang Long Châu học tập tại các lớp huấn luyện của Hội rồi lại đưa về Cao Bằng hoạt động; trong đó có các đồng chí: Hoàng Văn Nọn (tức Hoàng Như), Lê Đoàn Chu (tức Lê Mới)... để từ đó gây dựng phong trào cách mạng ở Cao Bằng, đặc biệt là khu mỏ thiếc Tĩnh Túc. Từ đây đồng chí Hoàng Đình Giong chính thức đứng trong tổ chức cách mạng trong những năm hoạt động ở nước ngoài. Đồng chí Hoàng Đình Giong không ngừng học tập, trở thành người cộng sản đầu tiên của Cao Bằng tiếp thu con đường cách mạng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc truyền bá, ra sức xây dựng Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở nước ngoài vào Cao Bằng và nhiều tỉnh vùng Đông Bắc.

Tháng 12/1929, các đồng chí: Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Nọn, Hoàng Văn Thụ được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng. Chi bộ Long Châu (Trung Quốc) được thành lập, đồng chí Hoàng Đình Giong được bầu làm Bí thư và được giao nhiệm vụ chỉ đạo việc tổ chức, gây dựng và phát triển phong trào cách mạng ở Cao Bằng, Lạng Sơn và các tỉnh vùng Đông Bắc.

Từ những năm 1928 đến năm 1930, tại các lớp huấn luyện Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ở Long Châu, ông Hoàng Đình Giong vừa là người lãnh đạo, vừa là giảng viên, đ ồng thời cũng là người chăm lo cơ sở vật chất cho các lớp huấn luyện. Với sự chỉ đạo trực tiếp của ông, cơ sở Đảng, phong trào cách mạng của quần chúng Cao Bằng tiếp tục phát triển trong những năm 1930-1932. Ông đã chỉ đạo thành lập cơ sở chế tạo mìn, lựu đạn ở vùng núi Lam Sơn, Hòa An; chỉ đạo Tỉnh ủy Cao Bằng xuất bản tờ báo "Cờ đỏ", trụ sở tại hang Tốc Rù, Lam Sơn, Hồng Việt, Hòa An, Cao Bằng. Tháng 7/1933, ông Hoàng Đình Giong cùng đồng chí Lê Hồng Phong, Ủy viên Quốc tế Cộng sản đi theo con đường Bó Cục (Trung Quốc) qua xã Vân Trình, huyện Thạch An về Cao Bằng để khảo sát phong trào đấu tranh của các dân tộc ít người dưới sự lãnh đạo của Đảng. Kết thúc đợt công tác, đồng chí Lê Hồng Phong trở lại Trung Quốc giữ mối liên hệ với Quốc tế Cộng sản, còn ông Hoàng Đình Giong tiếp tục xuống Hải Phòng, Hòn Gai để hoạt động. Ông đã khôi phục tổ chức Đảng và quần chúng ở Hải Phòng và chắp nối liên lạc giữa Đảng bộ Hải Phòng với Xứ ủy Bắc Kỳ. Tại Quảng Ninh ông đã gây dựng cơ sở và chắp nối liên lạc với những đảng viên cũ ở mỏ và những đảng viên vùng nông thôn Nam Định bị địch khủng bố phải lánh ra Cẩm Phả. Sau khi phục hồi phong trào công nhân khu mỏ, ông trở về Cao Bằng và ra nước ngoài tham gia Ban hải ngoại cử về vùng duyên hải (Hải Phòng, Quảng Ninh) để kiểm tra chỉ đạo, uốn nắn phong trào.

Trong những năm 1932-1935, ông giữ vai trò "con thoi" chắp nối các cơ sở Đảng ở Bắc Kỳ với các mối dây liên lạc. Ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội Đảng lần thứ nhất được tổ chức tại Ma Cao (Trung Quốc) vào cuối tháng 3/1935. Đến tháng 8/1935, địch tiến hành vây bắt các đồng chí chủ chốt của Đảng đang hoạt động ở Cao Bằng. Trước tình hình ấy ông Hoàng Đình Giong bí mật trở về Cao Bằng xem xét tình hình, bàn kế hoạch giữ vững cơ sở đồng thời phổ biến nghị quyết của Trung ương Đảng. Về đến Cao Bằng, ông triệu tập ngay hội nghị Tỉnh ủy mở rộng tại xã Hoàng Tung, huyện Hòa An để tìm cách gây dựng lại phong trào. Sau hội nghị, ông xuống Hải Phòng để chỉ đạo phong trào thì bị địch bắt ở phố Hàng Kênh, Hải Phòng.

Sáng 27/5/1936, thực dân Pháp ở Cao Bằng đã lập phiên tòa đặc biệt để xét xử ông và một số chiến sĩ cách mạng, phiên tòa do tên quan năm Labbe chủ tọa. Ông bị kết án 5 năm tù và bị giam vào trại giam Hỏa Lò sau đó bị đày lên nhà tù Sơn La. Ở trong tù, ông Hoàng Đình Giong vẫn tham gia lãnh đạo tổ chức đấu tranh chống chế độ hà khắc của nhà tù đế quốc, tuyên truyền phổ biến Nghị quyết của đại hội Đảng, tổ chức học tập chính trị, văn hóa cho anh em. Hết hạn tù nhưng ông không được thả ra, mà trái lại sau cuộc đấu tranh tuyệt thực ở nhà tù Sơn La vào tháng 5/1941, ông và tám đồng chí khác bị thực dân Pháp bắt đi đày ở đảo Nô-xi-la-va ở Ma-đa-gát-ca, một thuộc địa của Pháp ở châu Phi.

Cuối tháng 7/1942, quân Anh và Pháp Đờ Gôn chiếm được Ma-da-gát-ca. Một hôm, hai sĩ quan Anh đến yêu cầu được gặp những tù chính trị Việt Nam. Các ông Hoàng Đình Giong và Hoàng Hữu Nam đã xác định đúng đắn mục tiêu:"nhân cơ hội này, tìm cách về nước tiếp tục hoạt động..." và "Các đồng chí được thả trước phải đấu tranh để các đồng chí sau cũng được thả và tìm cách về nước". Tháng 10/1943, đế quốc Anh cho một mình ông Hoàng Đình Giong về trước, ông được đưa từ Ấn Độ sang Côn Minh - Trung Quốc bằng máy bay, sau đó đi theo đường bộ qua Tĩnh Tây - Quảng Tây - Trung Quốc về Việt Nam. Ông được người của ta đưa về  gặp ông Lã, Bí thư liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng kiêm Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng và ông Vũ Anh, Ủy viên Trung ương Đảng ở vùng núi Lam Sơn, Hòa An, Cao Bằng. Ông Hoàng Đình Giong đã báo cáo tình hình với Trung ương Đảng về chủ trương lợi dụng quân Đồng Minh để trở về nước. Chủ trương này được Trung ương nhất trí. Ông Hoàng Đình Giong ghé về thăm quê nhà rồi lên đường trở lại Ấn Độ gặp quân Đồng Minh. Ông mang theo một số tài liệu để giới thiệu về Đảng ta cho các đồng chí cộng sản Ấn Độ. Ông cùng với anh em tù nhân tích cực chuẩn bị về nước. Ông Hoàng Đình Giong và ông Lê Giản được đi chuyến bay đầu tiên và nhảy dù xuống Bản Ngần, Vĩnh Quang, Hòa An vào ngày 25/10/1944.

Ông Vũ Anh, Ủy viên Trung ương Đảng giao nhiệm vụ cho ông Hoàng Đình Giong cùng Đảng bộ Cao Bằng tích cực chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp mùng 9/3/1945, ông Hoàng Đình Giong đã cùng Tỉnh ủy Cao Bằng lãnh đạo nhân dân nổi dậy xóa bỏ chính quyền cũ, thành lập nhiều cơ sở cách mạng ở hầu hết các nơi trong tỉnh, đồng thời trấn áp bọn phản động cũng như bọn thổ phỉ, nổi bật là trận đánh bọn thổ phỉ ở Thông Nông vào tháng 7/1945. Ngày 12/8/1945, Phát Xít Nhật đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện, đúng 11 giờ đêm 13/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ra Quân lệnh số 1, hạ lệnh tổng khởi nghĩa. Ngay sau đó, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân lâm thời tỉnh Cao Bằng đã thành lập Ủy ban khởi nghĩa do ông Hoàng Đình Giong (tức Văn Tư) làm Trưởng ban. Ông Hoàng Đình Giong cùng Tỉnh ủy Cao Bằng tổ chức lãnh đạo lực lượng vũ trang phối hợp với sự nổi dậy của quần chúng đánh chiếm các nơi đóng quân của Nhật. Cùng lúc này, hàng vạn quân Tưởng Giới Thạch với danh nghĩa quân Đồng Minh đang tràn qua biên giới tiến nhanh về thị xã Cao Bằng để âm mưu tiêu diệt Cộng sản và dựng chính quyền tay sai. Trong tình hình ấy, ông Hoàng Đình Giong đã đích thân chỉ huy một bộ phận quân giải phóng, vượt sông Hiến tiến vào thị xã Cao Bằng rạng sáng ngày 21/8/1945, ông đã gửi tối hậu thư cho quân Nhật cố thủ ở pháo đài Thị xã. Trưa cùng ngày, quân nhật cùng bọn tay sai chấp nhận đầu hàng và giao nộp vũ khí của Pháp cho Việt Minh.

 Hành trình Nam Tiến

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới thành lập và ra mắt quốc dân đồng bào vào ngày 02/9/1945, thì ngày 23/9 thực dân pháp gây hấn ở Nam Bộ và chiếm đóng Sài Gòn. Trung ương Đảng và Chính phủ tập trung sức chi viện cho miền Nam. Thực hiện chủ trương ấy, ông Hoàng Đình Giong và Chi đội giải phóng quân của tỉnh Cao Bằng đã lên đường vào Nam cùng đồng bào Nam bộ kháng chiến.

Ngày 30/9/1945, Chi đội đến Hà Nội, ông Hoàng Đình Giong đã làm việc với Bộ Tổng tham mưu. Sáng 1/10/1945, ông được đến Bắc Bộ phủ gặp Hồ Chủ tịch và các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng. Ông được Bác Hồ đổi tên thành Võ Văn Đức - để bảo đảm giữ gìn bí mật. Suốt dọc đừng hành quân vào Nam, quân Nhật gây không ít khó khăn cho ta. Chỉ huy trưởng Võ Văn Đức đã đề ra phương châm cuộc hành quân: "Tranh thủ ngày đêm đi thật nhanh để đến Nam Bộ càng sớm càng tốt. Đối với những hành động gây rắc rối của quân Nhật trên đường, trước hết là dùng thương lượng, nếu không thương lượng được thì đánh lấy đường đi". Suốt một tháng hành quân ròng rã, chi đội Nam Tiến Cao Bằng đã đến Nam Bộ. Lúc này chi đội Nam Tiến thứ nhất đã có những trận giao tranh với quân Anh, Pháp, Nhật.

Để tăng cường cán bộ chỉ đạo miền Tây, tháng 12/1945 Trung ương Đảng bổ nhiệm ông Võ Văn Đức làm Khu trưởng Khu 9 bao gồm 7 tỉnh : Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên, Rạch Giá, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu. Khi xuống khu 9 anh em thường gọi ông là cụ Vũ Đức. Trong cuộc họp cán bộ quân sự trung cao cấp của miền Tây Nam Bộ vào tháng 2/1946 tại xã Thới Bình (Cà Mau), bàn kế hoạch đối phó với tình thế, nhiều ý kiến khác nhau nhưng Khu trưởng Vũ Đức đã chủ trương: "bám lấy cơ sở quần chúng tổ chức đánh du kích, hoạt động chính trị trước, quân sự đi sau, hỗ trợ nhau giữa 2 mặt. Bộ đội chưa cần tập trung đơn vị lớn mà tổ chức từng trung đội, đại đội độc lập bí mật trở về các tỉnh bị địch chiếm đóng, phát triển chiến tranh du kích, trừ gian, diệt tề lấy vũ khí địch trang bị cho ta... Nơi nào có điều kiện thì thành lập chính quyền công khai, nếu chưa đủ điều kiện thì thành lập chính quyền bí mật..." Đây là chủ trương hết sức đúng đắn, đã góp phần giữ vững phong trào cách mạng ở miền Tây Nam Bộ trong buổi đầu kháng chiến.

Chiến đấu đến viên đạn cuối cùng

Từ đầu năm 1946, chúng dùng nhiều thủ đoạn tuyên truyền chia rẽ gây hận thù dân tộc, tôn giáo, kích động người Khơ-me chống lại người Việt, kích động tín đồ Cao Đài, Hoà Hảo chống lại cách mạng. Lòng tin của họ đối với chính quyền cách mạng bị giảm sút, mâu thuẫn giữa người Việt với người Khơ-me ngày càng tăng, làm ảnh hưởng không tốt đến tinh thần đoàn kết dân tộc, đoàn kết Lương Giáo lúc bấy giờ. Trước tình hình phức tạp đó, Ông Hoàng Đình Giong đích thân đi kiểm tra thực tế tại một số địa phương ở Sóc Trăng, Trà Vinh và đến Phước Long - nơi được coi là điểm nóng. Ông đã phân tích, giải thích cho cán bộ cơ sở, tổ chức tuyên truyền giáo dục sâu rộng trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên, trong đồng bào người Việt và người Khơ-me về âm mưu thâm độc của kẻ thù. Ông đã nhắc lại Thư của Bác Hồ gửi đồng bào Nam Bộ, cần "Đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay có ngón ngắn, ngón dài. Nhưng ngắn dài đều hợp lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này thế khác đều là dòng dõi tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ, ta phải nhận thấy rằng đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hoá họ. Có như thế mới thành đại đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang".

Cùng với những việc gây chia rẽ trong vùng dân tộc, đối với đồng bào theo đạo Hoà Hảo ở Sa Đéc, Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ, bọn phòng nhì Pháp và bọn phản động kích động, lợi dụng chính quyền và lực lượng vũ trang của ta tạm rút lui, chúng đã nổi lên ở nhiều nơi, bắt cán bộ, chém giết đồng bào ngoài đạo. Một số nhận súng đạn của Pháp, chống phá cách mạng, trả thù Việt Minh, bọn cầm đầu như Năm Lửa (Trần Văn Soái) gây cho bộ đội ta nhiều khó khăn. Với phương châm “Dĩ đức phục nhân”, đồng chí Vũ Đức đã thuyết phục, phân hoá được Năm Lửa với lính, đưa lính của Năm Lửa vào hoạt động du kích ở vùng Sa Đéc, Long Xuyên, Cần Thơ gây cho thực dân Pháp nhiều thiệt hại.

Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc, đại đoàn kết toàn dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà đồng chí Hoàng Đình Giong kiên trì thực hiện, ngày càng sáng lên trong thực tế cách mạng của nước ta. Bằng lý luận và thực tiễn chiến đấu, đồng chí Hoàng Đình Giong đã xây dựng khối đại đoàn kết vững chắc giữa bộ đội các địa phương khác nhau tại chiến trường Khu 9 và đến tháng 1/1947, Ủy ban kháng chiến miền Nam đã chỉ định ông Võ Văn Đức làm Tư lệnh Khu 6. Ông lập tức cho đặt sở chỉ huy bên cạnh Tỉnh ủy và Trung đoàn 81 tỉnh Ninh Thuận. Tư lệnh Vũ Đức bắt tay ngay vào công tác lãnh đạo kháng chiến chống pháp ở khu 6. Ông đã họp Ban Chỉ huy Trung đoàn 81, 82 và cán bộ trung khu để nhận định tình hình. Ông đã đề ra chủ trương: Củng cố chính quyền và tổ chức các đoàn thể quần chúng; phát động chiến tranh du kích; đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, kế hoạch hỗ trợ lương thực; kế hoạch xây dựng căn cứ địa...

Kế hoạch đang triển khai thì một tên trong Thường vụ huyện ủy đã phản bội. Tên phản bội đã dẫn lực lượng biệt kích Pháp bất ngờ xông vào nơi ở của ông. khoảng 8 giờ sáng ngày 17/3/1947, khi ông Võ Văn Đức đang làm việc với thư ký là ông Trịnh Văn Nghĩa, thì nghe tiếng súng nổ. Ông ra lệnh cho thư ký đem tài liệu đi cất giấu, rồi ở lại quan sát trực tiếp tổ chức chiến đấu. Cuộc chiến đấu không cân sức, ông đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và anh dũng hy sinh. Với tấm lòng tiếc thương vô hạn, các đồng chí lãnh đạo chiến khu đã quyết định mai táng ông ngay tại trụ sở chiến khu, dưới chân núi Thiên Thai, tỉnh Ninh Thuận.

Khi đất nước thống nhất, năm 1980, Trung ương Đảng quyết định chuyển hài cốt đồng chí về an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. Năm 1998 Đảng và Nhà nước đã truy tặng đồng chí Hoàng Đình Giong huân chương cao quý - Huân chương Hồ Chí Minh.  Năm 2009, Chủ tịch Nước ký quyết định truy tặng đồng chí Hoàng Đình Giong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Để tưởng nhớ công lao to lớn của đồng chí, tỉnh Cao Bằng đã xây dựng Khu di tích lưu niệm Hoàng Đình Giong, ở làng Nà Toàn, phường Đề Thám (quê nội của đồng chí). Khu di tích được xây dựng với các hạng mục đẹp đẽ, trang nghiêm, trở thành địa chỉ quen thuộc để thế hệ trẻ tổ chức sinh hoạt giáo dục truyền thống.

Theo Caobang.gov.vn

Tin cùng chuyên mục