“Em bé Napalm” do nhiếp ảnh gia, phóng viên chiến trường Nick Út chụp năm 1972, ghi lại hình ảnh trần trụi, hoảng loạn của cô bé Phan Thị Kim Phúc và những em nhỏ khác đang chạy ra đường dưới một trận bom napalm tại Trảng Bàng, Tây Ninh.
Một khoảnh khắc có sức mạnh hơn cả nghìn lời nói, không chỉ kể câu chuyện đau thương về trẻ em ở một ngôi làng nhỏ trong chiến tranh, mà đã trở thành một hình ảnh biểu tượng cho sự phi nghĩa, tàn khốc của cuộc chiến.
Đó là một trong những “chân dung” ám ảnh nhất, góp phần thay đổi cái nhìn của thế giới về chiến tranh Việt Nam, lay động bao trái tim người yêu chuộng hòa bình.
“Em bé Napalm” đã mang về cho Nick Út giải thưởng báo chí Pulitzer năm 1973.
Năm 2010, bức ảnh “Em bé Napalm” được tờ New Statesman (Anh) bình chọn là bức ảnh thời sự ấn tượng nhất mọi thời đại.
Năm 2019, "Em bé Napalm" tiếp tục được bình chọn là bức ảnh có sức lay động nhất thế giới, thực hiện bởi kênh truyền hình History (Anh) trong loạt phim "Những bức ảnh thay đổi thế giới".
Tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam (quận Cầu Giấy, Hà Nội), bức ảnh được trưng bày trang trọng cùng với câu chuyện xúc động khi nhà báo Nick Út sau cú bấm máy đã đưa bé Kim Phúc lúc đó mới 9 tuổi vào bệnh viện và em đã được cứu sống.
50 năm đã qua, đó cũng là hành trình Kim Phúc chữa lành những vết thương chằng chịt trên da thịt và là hành trình tác giả Nick Út dần nguôi ngoai nỗi ám ảnh về chiến tranh.
Hai người đều tích cực hoạt động xã hội, đến nhiều quốc gia trên thế giới để truyền thông điệp chống chiến tranh, yêu thương và bảo vệ phụ nữ, trẻ em.
Trong buổi giao lưu với các cán bộ Bảo tàng Báo chí Việt Nam và giới truyền thông, ông Nick Út và bà Kim Phúc đã kể lại nhiều chi tiết cảm động đằng sau bức ảnh lịch sử “Em bé Napalm”.
Nick Út mới 21 tuổi khi chụp bức ảnh đó, đang là phóng viên Hãng thông tấn Associated Press (AP, Mỹ).
Ổng kể lại: “Tôi luôn nhớ hình ảnh chụp Kim Phúc lúc 9 tuổi. Tôi đã khóc khi thấy Phúc trên người đầy vết thương. Phúc khóc thảm thiết với người anh trai và liên tục nói “chắc em chết”. Tôi đã không thể bỏ đi, nhanh chóng đưa Phúc vào bệnh viện. Giờ gặp lại Phúc tôi vui lắm, tôi coi Phúc như con gái mình vậy”.
Ông cũng nói thêm rằng bức ảnh không chỉ có sức ảnh hưởng lớn trong chiến tranh Việt Nam, mà còn có giá trị đến hôm nay khi vẫn tiếp tục xuất hiện trong nhiều cuộc biểu tình chống chiến tranh trên thế giới.
Phát biểu tại sự kiện, nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, khẳng định: “Đây là cuộc gặp mặt đặc biệt vì sau 50 năm hai nhân vật mới gặp lại nhau tại Việt Nam. Tôi nhận thấy sức mạnh vô cùng kỳ diệu của ảnh báo chí, đến mức những người chụp, được chụp không nhận ra sức ảnh hưởng của nó với không chỉ chính họ mà còn tới cả thế giới. Chúng ta cần đề cao tính nhân văn và đạo đức báo chí của tác giả bức hình. Ông Nick Út đã không đặt nhiệm vụ đưa bức ảnh về tòa soạn lên đầu, mà đặt mục tiêu cứu sống con người lên trước”.
Bà Phan Thị Kim Phúc, hiện nay có cuộc sống hạnh phúc với chồng, hai con trai và các cháu nội, cũng vô cùng xúc động khi gặp ân nhân của mình tại Việt Nam sau nửa thế kỷ.
Bà nói: “Lúc còn nhỏ, khi nhìn bức ảnh đó, tôi thật sự không thích, thậm chí tôi ghét nó vì thấy mình thật xấu xí. Tôi cũng không biết bức ảnh đã trở nên nổi tiếng thế nào. Nhưng sau này, khi bức ảnh có sự lan tỏa mạnh mẽ, nhận thức của tôi thay đổi dần. Tôi biết ơn chú Nick Út vì hành động cứu giúp tôi trong khoảnh khắc đó và bức ảnh ông chụp tôi. Tôi thấy hạnh phúc vì giúp được người khác với bức ảnh mang thông điệp tình yêu, hy vọng và tha thứ”.
Trong dịp này, nhiếp ảnh gia Nick Út đã trao tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam một số hiện vật ông đã sử dụng trong quá trình tác nghiệp những năm 1970, trong đó có chiếc bi-đông đựng nước ông dùng để làm dịu vết thương của Kim Phúc.
Trước đó, ông đã từng trao tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam 2 chiếc máy ảnh, 52 tài liệu ảnh gốc do ông chụp tại chiến trường Việt Nam và một số bức ảnh chụp tại Việt Nam sau năm 1975.
Gửi phản hồi
In bài viết