Diện mạo mới
Về các xã ATK Yên Sơn hôm nay như phố thị thu nhỏ, có bệnh viện, ngân hàng, cây xăng, trường học... Đường về các thôn được bê tông phẳng lỳ. Những nếp nhà xây xen lẫn nhà sàn tạo nên một bức tranh đa sắc màu.
Thôn Làng Hản, xã Kim Quan có 100% đường liên thôn, nội thôn đã được bê tông hóa. Thôn đã xây dựng được nhà văn hóa đạt chuẩn, xây dựng được 15 bể chứa rác thải đồng ruộng, 10 thùng chứa rác công cộng, 100 hộ dân trong thôn có thùng, hố rác tại nhà để phân loại rác… Tất cả đều nhờ sức dân. Đồng chí Mã Phúc Hương, Bí thư Chi bộ cho biết, thôn có 112 hộ dân thì 40 hộ dân tự nguyện hiến 1.200m2 đất làm đường bê tông, đóng góp cả trăm ngày công làm nhà văn hóa, kênh mương nội đồng. Cuộc sống cơ bản đã thay đổi theo hướng hiện đại.
Đường về xã Kim Quan.
Kim Quan là xã nông thôn mới đầu tiên của cả vùng ATK Yên Sơn. Đồng chí Dương Văn Tuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Quan phấn khởi nói: “Xã đã có nhiều đổi mới từ hạ tầng nông thôn đến kinh tế của người dân. Hệ thống đường giao thông cơ bản được nhựa hóa, bê tông hóa, các công trình phục vụ nhân dân được cứng hóa khang trang. Kinh tế được chuyển dần sang hướng hàng hóa”. Hiện nay, xã đã có 2 doanh nghiệp triển khai mô hình thâm canh chè “Sản xuất an toàn” với tổng diện tích 8 ha tại thôn Khuôn Hẻ và mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, gà đen đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Các mô hình này sau khi triển khai đã mang lại thu nhập cao, được người dân hào hứng tham gia. Ngoài ra, nhiều dự án chăn nuôi gia cầm, trồng ngô, khoai tây... cũng đang được triển khai và cho kết quả tốt. Tính đến hết năm 2020 thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 36,2 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 7,9%.
Những tuyến đường bê tông nối với Quốc lộ 2C tạo cho xã Phú Thịnh một mạng lưới giao thông thuận lợi. Hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh tiếp tục được quan tâm đầu tư. Từ năm 2015 đến nay, xã đã được đầu tư trên 21 tỷ đồng để xây dựng các công trình điện, đường, trường, trạm. Đồng thời sử dụng có hiệu quả nguồn lực của nhà nước cùng với nguồn lực trong nhân dân để làm mới gần 7 km đường bê tông, nâng số đường trục thôn được bê tông hóa lên 17,3 km.
Hạ tầng được đầu tư thuận lợi, người dân có điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế. Toàn xã mở rộng diện tích cây ăn quả có giá trị kinh tế như bưởi, nhãn, vải, thanh long lên trên 31 ha. Xã cũng phát triển mạnh kinh tế lâm nghiệp. Hiện nay, toàn xã có 110 hộ với trên 424 ha được cấp chứng chỉ rừng FSC, nâng giá trị gỗ rừng trồng tăng thêm từ 80 - 100.000 đồng/m3.
Đồng chí Tạ Xuân Trình, Chủ tịch UBND xã Phú Thịnh khẳng định: “Những năm gần đây, cơ sở hạ tầng được đầu tư từng bước hiện đại, nhất là hệ thống đường giao thông thuận lợi đã tạo đà cho người dân trong xã phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người đạt 33 triệu đồng/người/năm, đạt 170% nghị quyết nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo còn 5,93%, tỷ lệ người dân có mức sống khá giàu đạt trên 20%”.
Cuộc sống mới
Từ thay đổi về hạ tầng trong vùng, cuộc sống của người dân đã thay đổi khá nhiều. Anh Giàng Seo Nhà, Trưởng thôn Ngòi Nghìn, xã Đạo Viện vui mừng chia sẻ: “Tết này người Mông ở Ngòi Nghìn vui nhất vì cuộc sống đã bớt khó rất nhiều. Đường giao thông từ trung tâm xã đến thôn dài 7 km đã được bê tông hóa. Thôn có nhà lớp học cho con trẻ mầm non, có điện. 75 hộ người Mông làm kinh tế từ trồng keo, làm lúa nước, ngô nên nhiều hộ đã thoát nghèo, cuộc sống ngày một khấm khá”.
Anh Triệu Văn Đang, dân tộc Tày, thôn Làng Nhà, xã Kim Quan nuôi gà đen theo hướng hàng hóa.
Anh Triệu Văn Đang, dân tộc Tày, thôn Làng Nhà, xã Kim Quan cho biết, chăn nuôi theo hướng hàng hóa đang là hướng đi giúp gia đình anh có thu nhập trên 150 triệu đồng/năm. Riêng đối với con trâu, cứ 4 tháng vỗ béo có lãi từ 4-5 triệu đồng/con, mỗi lứa nuôi từ 7-8 con thì một năm được khoảng 100 triệu đồng. Gà đen mới nuôi theo nguồn hỗ trợ của Chương trình 135 nhưng rất hiệu quả và phù hợp. Giống gà đen này sức chịu đựng bệnh tật tốt hơn gà thông thường vì vậy cũng là hướng phát triển kinh tế lâu dài đối với gia đình anh.
Người Mông, Dao, Tày ở vùng đất chiến khu này càng ngày càng khấm khá nhưng họ vẫn giữ những nét đẹp văn hóa của dân tộc như trang phục, những nghi lễ cúng ngày Tết cổ truyền, những điệu múa, hát, phong tục chợ phiên...
Từ sớm tinh mơ, khắp các con đường dẫn xuống chợ Hùng Lợi tràn ngập sắc màu thổ cẩm của những thiếu nữ người Dao, Mông, Tày đi chợ. Phiên chợ mỗi tuần chỉ có một lần khiến ai cũng háo hức. Anh Hầu A Lù, dân tộc Mông, thôn Lè, xã Hùng Lợi bảo, từ khi anh lớn lên đã có chợ phiên này rồi. Chợ không chỉ là nơi mua bán mà còn là nơi người dân trong vùng gặp gỡ, giao lưu nên mỗi người đi chợ đều chọn mặc những bộ quần áo đẹp nhất, mang những thứ ngon nhất xuống chợ bán, trao đổi. Những phiên chợ cuối năm lại càng phong phú hơn bởi người dân sẽ bán những đặc sản của địa phương như lợn đen, gà thiến, gạo nếp nương...
Anh Giàng Seo Mua, thôn Vàng On, xã Trung Minh bảo: “Năm nay, người Mông ăn Tết to vì người dân trong thôn được mùa, cuộc sống ổn định, có bước cải thiện rõ rệt nên ai cũng phấn khởi”. Anh Mua bảo, người Mông Vàng On mong nhất là có điện lưới. Có điện thì cuộc sống của người Mông sẽ đầy đủ và phát triển hơn nữa.
Cuộc sống của người dân vùng ATK Yên Sơn đã có nhiều thay đổi. Người dân vùng quê cách mạng cùng kỳ vọng về những đổi thay nhiều hơn nữa khi xuân đang gõ cửa...
Gửi phản hồi
In bài viết