Gần một đời xây trường chuẩn

- “Chưa làm mẹ nhưng chứa chan tình mẹ/Bởi yêu nghề nên quý lớp măng non”. Nhìn vào dòng chữ treo trên tường, cô giáo Nguyễn Thị Phượng, Hiệu trưởng trường Mầm non Đình Bằng, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) bảo “Tôi yêu những vần thơ ấy đến lạ lùng, tôi đến với nghề dạy trẻ tình cờ vậy đấy”. Hơn 30 năm qua, vì tình yêu nghề, chị đã nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

8 tháng gian lao và vẻ vang

Trường Mầm non Đình Bằng là ngôi trường thứ 2 chị Phượng góp sức xây dựng trường chuẩn Quốc gia. Chị Phượng nhớ lại, hoàn thành xây dựng trường Mầm non Mỹ Bằng đạt chuẩn Quốc gia cấp độ 1 trong năm 2013. Từ 1 điểm trường của Mầm non Mỹ Bằng, tháng 8 - 2014, trường Mầm non Đình Bằng thành lập, chị Phượng được cấp trên giao đảm nhiệm Hiệu trưởng với nhiệm vụ, xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia trong tháng 3 - 2015. Đây là tiêu chí bắt buộc để đưa xã về đích nông thôn mới ngay trong năm 2015. Nếu như xây dựng trường chuẩn của Mầm non Mỹ Bằng có sự chủ động, chuẩn bị trước gần chục năm thì nay phải hoàn thành trường chuẩn trong vòng 8 tháng.


Cô giáo Nguyễn Thị Phượng hướng dẫn trẻ học bài.

Ngôi trường mới có 7 điểm trường 22 nhóm lớp, 39 cán bộ, giáo viên, nhân viên, tỷ lệ huy động trẻ đến trường nhà trẻ đạt 25%, mẫu giáo đạt 95%. Điểm trường chính - bộ mặt của nhà trường chỉ là dãy nhà cấp 4 xuống cấp. Các điểm trường còn lại, trẻ phải học nhờ nhà văn hóa, không có khuôn viên cho trẻ vui chơi và hoạt động. Trình độ chuyên môn của đội ngũ giáo viên không đồng đều; vẫn còn giáo viên trình độ sơ cấp, giáo viên chuyên ngành khác... Thực trạng trên khiến cô giáo Phượng trăn trở đêm ngày bởi thời gian không còn là bao trong khi khối lượng công việc lại nhiều.

Chị đã tham mưu với cấp trên sắp xếp lại đội ngũ giáo viên. Trong đó, luân chuyển số giáo viên có trình độ chuyên môn sơ cấp, trung cấp đang làm việc tại trường về các trường lân cận gần nhà, song vẫn đảm bảo các điều kiện cho giáo viên yên tâm công tác hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao tại ngôi trường mới. Đồng thời, chuyển đổi các giáo viên có trình độ chuyên môn chuẩn về công tác tại trường; xây dựng kế hoạch đào tạo trình độ trên chuẩn cho đội ngũ giáo viên ở các năm tiếp theo.

Chị Phượng chỉ đạo dồn ghép, quy hoạch rút gọn điểm trường. Sau 6 tháng vận động, tuyên truyền, nhà trường thực hiện quy hoạch từ 7 điểm trường, 22 nhóm lớp xuống còn 4 điểm trường, 18 nhóm lớp với tỷ lệ huy động trẻ đến trường được tăng lên nhà trẻ 44,8%; mẫu giáo 100%. Đặc biệt, chuyển 50 học sinh lớp mẫu giáo ghép 3-4-5 tuổi đang học nhờ nhà văn hóa của thôn Đá Bàn ở triền đồi cao về học tách độ tuổi tại điểm trường được sửa chữa và quy hoạch mới.  

Coi công tác xã hội hóa giáo dục là then chốt, chỉ trong năm học 2014- 2015, nhà trường xã hội hóa giáo dục được trên 800 triệu đồng. Từ đó, hoàn thiện được cơ sở hạ tầng, vật chất đảm bảo tiêu chí đề ra. Sau gần 1 năm nỗ lực hết mình, trường Mầm non Đình Bằng đạt chuẩn Quốc gia cấp độ 1 theo đúng lộ trình. Ngay sau đó, mặc dù chị được cấp trên giao phó xây dựng trường chuẩn của địa phương khác nhưng chị xin ở lại vì chị muốn cống hiến sức mình để nâng cao chất lượng trường chuẩn, chăm lo tốt hơn nữa cho con em địa phương. 

Đồng chí Hoàng Đức Cảnh, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Bằng cho biết, chị Phượng là người đặt nền móng vững chắc cho giáo dục mầm non của xã. 6 năm qua, trường Mầm non Đình Bằng được các đơn vị trên địa bàn đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Đó là 1 vinh dự cho công  tác giáo dục của địa phương.


Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ của trường mầm non Đình Bằng ngày càng được nâng cao.

Sức mạnh của tình yêu

Đến trường Mầm non Đình Bằng, ngay từ cổng trường của điểm trường trung tâm là một không gian thân thiện với học sinh. Trong khoảng sân rộng chừng 1.100 m2 đã lợp tôn, trò chơi ngoài trời bày trí quy củ, sạch sẽ với những chú tễu, bồn hoa được làm bằng lốp xe ô tô, mô hình cây, con giống, mô hình theo câu chuyện cổ tích của Việt Nam làm từ bê tông, những bức tranh tường về di tích lịch sử Tuyên Quang, đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh... Tận dụng phía sau dãy nhà lớp học, nhà trường làm giàn sắt trồng cà chua, trồng các loại rau theo mùa. Từ vườn rau, vừa tạo được hoạt động trải nghiệm cho trẻ, hằng năm, nhà trường thu được hàng trăm kg rau sạch các loại để cải thiện bữa ăn cho trẻ và giáo viên. Tận dụng hông nhà lớp học, nhà trường lát đá hoa, “hô biến” thành dãy bày đồ chơi tự tạo do các cô giáo làm với gần trăm mẫu đồ chơi, số lượng hàng nghìn cái được xếp ngay ngắn… Quả thực, không chỉ là sự sáng tạo mà còn là sự chăm chút tỷ mỉ, là sự tâm huyết của đội ngũ giáo viên.

Chị bày tỏ, chị luôn thấm thía tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp giáo dục. Chị thường xuyên quán triệt những lời Bác Hồ dạy với giáo viên nhà trường: “Dạy trẻ cũng giống như trồng cây non. Trồng cây non được tốt sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt”. Trong sự nghiệp giáo dục “Nuôi dạy trẻ” là một nghề rất đặc biệt, là nhà giáo nhưng không chỉ “dạy” mà còn phải “dỗ” không chỉ giáo dục mà còn chăm sóc, hơn hết đây là nghề làm vì “tình yêu” chứ không chỉ còn là “trách nhiệm”. Chị Phượng và tập thể chi bộ đã cụ thể hóa các nội dung của việc học và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua nhiều hoạt động cụ thể. Trọng tâm là đổi mới phương pháp dạy học, phấn đấu “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” và phát huy hiệu quả phong trào thi đua “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”.

Chồng chị Phượng là bộ đội công tác tại đất nước Lào. Mấy chục năm qua, 1 mình chị vừa cáng đáng việc trường, việc nhà mà không hề kêu than, thời gian chị ở trường nhiều hơn ở nhà. Việc trường luôn hoàn thành xuất sắc, 2 con trai của chị ngoan ngoãn, học giỏi; con trai thứ 2 của chị là học sinh xuất sắc của trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, được lựa chọn đi thực tế tại Mỹ. Gương mẫu từ lời nói đến việc làm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chị Phượng làm bất kể việc to nhỏ luôn với tinh thần cầu thị, say mê, tâm huyết, trách nhiệm. Đội ngũ giáo viên nhà trường lấy chị làm gương để làm động lực vượt mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

18 năm trên cương vị quản lý, chị Phượng đã lãnh đạo tập thể chi bộ, công đoàn, nhà trường đạt nhiều thành tích, được các cấp, các ngành, địa phương, trung ương khen thưởng. Năm 2003, chị được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều năm liên tục chị là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Tỉnh ủy khen thưởng.

Nhận quyết định về hưu trước Tết Nguyên đán 2021, chị Phượng tâm sự “Hiện 4/4 điểm trường đều có mái che, sân lát gạch; 2/4 sân có đồ chơi ngoài trời. Tiếc là tôi chưa kịp xã hội hóa để có đồ chơi ngoài trời cho 2 sân còn lại”. Những tháng ngày cuối cùng trên cương vị công tác ấy, chị vẫn giữ thói quen đến sớm nhất, về muộn nhất trường như thường nhật để chu toàn mọi việc... Với chị, tình yêu đối với trẻ là tình mẹ con, cô giáo là người mẹ thứ hai của trẻ. Mỗi cô giáo mầm non không chỉ đáp ứng chuyên môn, nghiệp vụ mà còn có tình yêu thương, lòng nhân ái, tính chịu khó, kiên trì, bền bỉ. Có như vậy thì những “cây non” nhỏ xíu ấy sẽ lớn lên, xanh tươi, sẽ đơm hoa kết trái.

Phóng sự: Bích Hằng

Tin cùng chuyên mục