Những "Sơn nữ" giữ rừng

- Tưởng chừng những công việc vất vả như: Băng rừng, vượt núi, tuần tra, kiểm soát giữ rừng chỉ dành cho nam giới, nhưng ở Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Bình, có 3 nữ kiểm lâm viên vẫn âm thầm góp sức giữ màu xanh của đại ngàn.

Những bước chân không mỏi

Một ngày đầu năm 2021, khi đất trời Lâm Bình còn ngập tràn trong màn sương sớm, tôi có cuộc gặp gỡ với những nữ kiểm lâm viên tại Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Bình. Qua câu chuyện, tôi hiểu hơn về chuyện nghề, chuyện đời và thêm nể phục bởi công việc cao quý họ đang làm.


Những nữ kiểm lâm viên Hạt kiểm lâm Lâm Bình tham gia tuần tra rừng.

Ấn tượng với nữ kiểm lâm viên Ma Thị Nấng, là một người phụ nữ chân chất, giàu nghị lực. Chị chia sẻ với tôi về những kỷ niệm, những khó khăn và hơn hết là tình yêu đối với công việc mà chị đang theo đuổi. Chị Nấng kể, những chuyến đi tuần rừng của chị thường kéo dài từ sáng sớm đến tối, mọi sinh hoạt đều phải theo đoàn. Là phụ nữ, những ngày đầu chị còn hơi e dè, tuy nhiên, tình yêu rừng giúp chị vượt qua tất cả để thích nghi với hoàn cảnh, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Chị Nấng đã từng ngủ lại trong rừng, đã từng trong đêm vượt những phiến đá tai bèo cùng đồng nghiệp dập vụ cháy thực bì, ngăn lan vào rừng trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán năm 2013… Tất cả những công việc ấy, chị đều làm vì tình yêu và trách nhiệm. Chị tâm sự, trong công tác tuần tra, bảo vệ rừng có rất nhiều kỷ niệm, nhưng kỷ niệm chị nhớ nhất là một buổi tối cuối tháng 1-2019, sau khi đã hoàn thành công việc, chị háo hức trở về nhà với chồng con. 20 giờ tối, vừa bước chân vào nhà, chồng con đều đang đợi cơm thì chị nhận được thông báo có đối tượng vận chuyển lâm sản từ trong rừng ra. Chị lại gấp rút lên đường cùng đồng đội. Chị cứ thế chạy xe khoảng gần 30 km trong đêm tối, khi đến đường cụt, chị cùng đồng đội đi bộ lần theo khe núi và đường mòn. Giữa đêm tối, tay cầm đèn pin nhưng không được bật, cứ thế mỗi người chia nhau một hướng chốt chặn, cuối cùng gần 12 giờ đêm chị và đồng đội mới hoàn thành được công việc. Hiện nay, chị là kiểm lâm viên phụ trách địa bàn xã Phúc Yên, xã có diện tích rừng là 17.000 ha. Hàng ngày các chị đều phải đi tuần rừng để nắm tình hình, nhưng chị chưa bao giờ thấy nản lòng.

Nếu như ở chị Nấng tôi nhìn thấy sự chín chắn, nghị lực thì chị Ma Thị Cầu lại cho tôi cảm giác tươi trẻ. Chị Cầu là kiểm lâm viên phụ trách địa bàn xã Lăng Can kiêm văn thư, thủ kho, thủ quỹ. Mỗi ngày, chị đều phải lên Hạt để xử lý công văn, giấy tờ và các công việc tại Hạt mà chị phụ trách, sau đó chị mới xuống địa bàn. Chị chia sẻ, do kiêm nhiệm thêm việc nên mọi thứ chị đều phải xử lý nhanh và chính xác. Nhiều lúc, chị cũng bị áp lực. Mỗi lần như vậy, chị lại lên rừng, nhắm mắt lại, lắng nghe tiếng gió xào xạc, tiếng chim líu lo, chị như được tiếp thêm năng lượng để tiếp tục yêu rừng, tiếp tục cống hiến. Dù công việc bận rộn, nhưng cứ 4 giờ sáng hằng ngày, chị Cầu đã bắt đầu một ngày mới với việc thu trứng vịt. Đàn vịt nhà chị Cầu hiện có hơn 800 con, mỗi ngày cho thu hoạch gần 500 quả trứng. Vì công việc đã kín hết thời gian, nên ngày nào chị cũng tranh thủ dậy sớm thu trứng, chia trứng ra vào túi để Ship cho các mối hàng để kịp thời gian bắt đầu công việc của một ngày mới.

Đối với chị Nấng và chị Cầu, rừng là tình yêu thì đối với chị Quan Thị Lành, rừng lại là một bầu trời kỷ niệm của tuổi thơ. Chị Lành sinh ra và lớn lên ở xã Tân Mỹ (Chiêm Hóa). Trong ký ức của chị, tuổi thơ là những ngày theo mẹ lên rừng hái măng, nhặt củi hay những buổi chăn trâu vui cùng đám bạn dưới tán rừng. Đối với chị Lành, bảo vệ màu xanh cho rừng cũng là bảo vệ tuổi thơ của chính mình. Vì vậy, dù vất vả nhưng chưa bao giờ chị hối hận về lựa chọn của bản thân.


Chị Ma Thị Nấng, kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm Lâm Bình tham gia diễn tập ứng phó cháy rừng, tìm kiếm cứu nạn tại xã Phúc Yên.

Trọn tình yêu với rừng

Khi được hỏi về những nữ kiểm lâm viên, đồng chí Hoàng Văn Kiên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lâm Bình cho biết, với địa hình rộng, mỗi kiểm lâm viên phải phụ trách khối lượng công việc rất lớn, vì vậy đối với nữ kiểm lâm viên là một thách thức không nhỏ. Lúc đầu, khi phân công cán bộ kiểm lâm địa bàn là nữ, lãnh đạo Hạt cũng trăn trở lắm, nhưng qua thời gian công tác, thấy yên tâm, các chị làm việc hiệu quả không thua kém nam giới. Thậm chí, các nữ kiểm lâm địa bàn thực hiện công tác tuyên truyền còn có phần xuất sắc hơn, tiến độ công việc và nhiệm vụ được phân công luôn đảm bảo.

Trò chuyện với tôi, các chị cho biết, các nữ kiểm lâm viên “ngán” nhất khi phải đi rừng mùa mưa. Địa hình chia cắt, núi cao, vực sâu, mưa gió càng khiến việc tuần tra thêm nguy hiểm. Mỗi khi trời mưa, nhiệt độ trong rừng xuống thấp, trời tối nhanh hơn và muỗi, vắt cũng nhiều hơn so với ngày thường. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội cho những đối tượng phá rừng lợi dụng để vi phạm. Vì vậy, những ngày như thế, các chị phải thường xuyên tuần tra để đảm bảo không thất thoát tài nguyên rừng.

Những nữ kiểm lâm viên ở đây ngoài có chung tình yêu với rừng còn có điểm chung là nhận được sự động viên, hỗ trợ từ gia đình. Chị Nấng phải để 2 đứa con nhỏ, một đứa mới có 1 tuổi cho chồng trông, chỉ về thăm con được những ngày nghỉ cuối tuần; chị Lành nhiều lần được chồng chở đi trong đêm và hỗ trợ mình trong công việc hay chị Cầu nhiều lần chồng xin đổi trực chăm con để chị yên tâm hoàn thành nhiệm vụ. Các chị chia sẻ, nhiều lúc vẫn chạnh lòng vì không có nhiều thời gian chăm gia đình nhưng may mắn, các chị có những người bạn đời hiểu cho công việc nên các chị vẫn tiếp tục nỗ lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đối với những nữ kiểm lâm viên những dấu chân của các chị chắc hẳn phải nhiều như lá cây trên rừng, và chắc chắn những cánh rừng kia sẽ mãi xanh tươi như tình yêu của các chị dành cho rừng.

Phóng sự: Thu Trang

Tin cùng chuyên mục