Đi học bán hàng
6 giờ sáng thứ 7, khi các nóc nhà Bản Ba vẫn chìm trong sương lạnh, chợ Phiên Tri Phú đã tấp nập kẻ mua, người bán. Tiếng í ới gọi nhau của các bà, các cô đi chợ hòa lẫn lời mời chào rôm rả của người bán hàng. Bức tranh quê Tri Phú như sinh động hơn.
Ngồi giữa gian hàng cua đá, rau rừng bày bán tại chợ, bà Bàn Thị Liên miệng nhai trầu đon đả mời khách. Bà Liên là người dân tộc Dao ở thôn Bản Ba. Ở tuổi 60 bà mới đi học bán hàng ở chợ. Bà bảo, đây là phiên thứ 2 bà mang hàng ra chợ bán. Trước đây chưa có chợ, thi thoảng đào được cua đá bà phải đạp xe rong hơn chục cây số mới bán được 1 - 2 kg. Từ ngày có chợ phiên gần nhà, bà vừa bán được nhiều, lại không phải đi xa. Ngày nào bà cũng đi đào cua, hái rau rừng để cuối tuần đi bán chợ phiên. Mỗi phiên chợ bà cũng bỏ túi ngót một triệu tiền bán cua đá và rau rừng. Miệng tóm tém nhai trầu, bà tươi cười nói: “Trước không biết kiếm gì ra tiền, giờ đi đào cua, hái rau rừng bán chợ phiên, mỗi tháng có thêm 3 - 4 triệu tiền tiêu nên ham lắm
Một góc chợ phiên Tri Phú.
Hôm nay, gian hàng của chị Hà Thị Loàn, thôn Bản Ba có hơn ba chục trứng gà, hai yến chanh và vài mớ rau nhà trồng. “Nhà trồng được vườn chanh nhưng không ăn hết, cứ để rụng phí hoài. Giờ có chợ phiên tiện lắm cô ạ. Chúng tôi không phải đi chợ xa nữa, trồng mớ rau, nuôi con gà, con lợn cũng có chỗ bán rồi. Cuối tuần nào đi chợ cũng kiếm được đôi trăm từ những thứ mình tự nuôi trồng. Thật vui!” - Chị Loàn chia sẻ.
Có mặt tại chợ phiên, nhưng bà Hà Thị Lục, thôn Bản Ba không bán hàng. Hôm nay, bà đi chợ mua một ít đồ thổ cẩm về may quần áo cho mình. Tay mân mê tỉ mẩn ngắm nghía tệp vải thổ cẩm, bà bảo: “Giờ có chợ, tiện quá! Trước đây, tôi cần mua đồ thổ cẩm về may váy dân tộc phải đi hơn 20 km sang chợ Trung Hà hoặc chợ Bình Trung (Bắc Kạn). Tuổi cao đi xa ngại lắm. Chưa kể, có lúc mua đồ có cái thừa cái thiếu không đủ may thành bộ quần áo. Giờ đi chợ chỉ mất mấy phút, phiên này chưa mua đủ, phiên sau lại đi tiếp”.
Chợ phiên Tri Phú mở ra vui nhất là nhân dân thôn Bản Ba, thay vì phải đi chợ hàng chục cây số ra Kim Bình hay chợ huyện, từ nay người dân Bản Ba đi chợ chỉ vài trăm mét, có gia đình chỉ vài bước chân. Ước mơ có chợ đã trở thành hiện thực đối với bà con đồng bào dân tộc vùng cao này. Đây chính là bước ngoặt làm thay đổi đời sống nhân dân, xóa bỏ kinh tế tự cung tự cấp cố hữu bao đời nay, thúc đẩy giao thương, thương mại, dịch vụ phát triển, đời sống từng bước được nâng lên.
Kích cầu sản xuất
Bản Ba, xã Tri Phú có 69 hộ dân, với hơn 280 nhân khẩu, gồm 6 dân tộc Kinh, Tày, Mông, Pà Thẻn, Nùng, Dao cùng sinh sống. Nhân dân thôn Bản Ba chủ yếu phát triển nông lâm nghiệp; số hộ tham gia phát triển thương mại dịch vụ còn ít.
Người dân lựa chọn hàng thổ cẩm tại chợ phiên.
Trưởng thôn Bản Ba, anh Đinh Văn Dần vui mừng cho biết, việc xây dựng chợ phiên ở thôn đánh dấu bước chuyển đổi quan trọng trong giao thương của người dân thôn Bản Ba. Đặc biệt, giải quyết đầu ra cho nguồn nông sản, thực phẩm nhân dân trong thôn sản xuất. Chợ phiên hoạt động hiệu quả sẽ kích thích các mô hình kinh tế phát triển theo hướng hàng hóa, trên cơ sở tận dụng được nguồn tài nguyên đất đai dồi dào và lực lượng lao động tại địa phương. Đồng thời nâng cao nhận thức cho nhân dân trong sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế vườn nhà.
Gia đình anh Hà Văn Cương, một trong những hộ kinh doanh thôn Bản Ba chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi chỉ bán hàng tạp hóa ở nhà. Nhưng từ ngày có chợ, tôi mạnh dạn lấy thêm hàng quần áo, giày dép bán thêm trên chợ. Ngoài kinh doanh, vợ chồng tôi còn xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà thịt, thỏ thương phẩm. Tới đây, tôi tiếp tục mở rộng mô hình chăn nuôi con dúi”. Còn chị Hà Thị Loàn, chợ mở ra đã tiếp thêm động lực cho chị hăng hái chăm sóc vườn chanh, vườn chuối của nhà. Tới đây, chị sẽ tăng đàn gà, đàn vịt để hàng phiên chợ chị đều có hàng hóa bán.
Theo đồng chí Triệu Phúc Phương, Bí thư Đảng ủy xã Tri Phú, hoạt động của chợ phiên đã và đang làm thay đổi tư duy sản xuất của bà con xã Tri Phú nói chung và nhân dân thôn Bản Ba nói riêng, từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Hiện nay, bà con chưa thể thoát nghèo, nhưng đây sẽ là đòn bẩy rất lớn để người dân vươn lên phát triển kinh tế. Có thể nhìn thấy, cái được nhất của chợ phiên chính là thúc đẩy giao thương, từ đó đẩy mạnh các mô hình kinh tế phát triển. Với lợi thế nằm trung tâm tiếp giáp với nhiều xã khác của huyện, cấp ủy, chính quyền xã Tri Phú cũng đang định hướng xây dựng chợ phiên Tri Phú trở thành chợ đầu mối nông sản vùng hạ huyện Chiêm Hóa trong tương lai.
Tan chợ, những chiếc gùi rỗng bắt đầu trở về nhà với khuôn mặt rạng rỡ mang theo thành quả của một buổi giao thương thành công. Chiếc gùi chở đầy ước mơ và niềm hy vọng về một ngày mai no ấm ở Bản Ba...
Gửi phản hồi
In bài viết