Phân loại rác thải nguồn: Để không “bắt cóc bỏ đĩa” - Bài 2: Bộn bề những khó khăn

- Tổ chức phân loại, thu gom chất thải tại nguồn không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho người dân mà còn góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, nâng cao hiệu quả xử lý chất thải rắn, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Dẫu vậy, việc phân loại rác thải vẫn còn bộn bề khó khăn, trở ngại, bởi các mô hình mới được thực hiện tại nguồn thải, chưa thiết lập thành chuỗi quy trình phân loại trong thu gom.

>>Bài 1: Nhìn từ những mô hình điểm

>>Bài 3: Từ cơ chế đến hành động

Lẫn lộn rác thải hữu cơ, rác thải nhựa

Mặc dù tỉnh và các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thực hiện phân loại rác thải từ nguồn nhưng ngoài những mô hình điểm thì “diện bao phủ” còn nhiều bất cập. Điều này được thể hiện ở những câu chuyện dưới đây.

Ngày nào gia đình anh Đỗ Văn Trung, tổ dân phố Xây Dựng, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) cũng xả quãng chừng 0,5 - 0,7 kg rác, còn những ngày giáp Tết này, nhu cầu tiêu dùng tăng cao lượng rác cũng tăng hơn. Theo anh Trung tất cả các loại rác thải, từ vỏ hoa quả đến túi nilon gia đình anh cho cả vào 1 túi buộc lại để ra trước cửa nhà, đến giờ công nhân thu gom rác đi qua chỉ việc vứt lên là xong. Anh Trung chia sẻ, trước đây gia đình anh cũng có 2 thùng rác để phân loại rác hữu cơ, rác thải nhựa, tuy nhiên 1 thời gian thực hiện thấy cách rách, túi nọ, túi kia, nhiều hôm rác thải hữu cơ có một dúm, rác thải nhựa cũng chỉ vài chiếc túi nilon nhưng lại tốn đến 2 cái túi để đựng nên giờ mọi người cho cả vào 1 túi tiện cho công nhân thu gom rác.

Công nhân HTX Dịch vụ môi trường Thanh Bình, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) phân loại rác thải nhựa để tái chế.

Tại thành phố Tuyên Quang tình trạng rác hữu cơ, rác khó phân hủy vẫn lẫn lộn từ nguồn cho đến quy trình thu gom và xử lý. Chị Lê Thị Bình, tổ 8, phường Tân Quang chia sẻ, vẫn biết phân loại rác thải là rất tốt nhưng hiện tại chị thấy vẫn thu gom chung nên chị cũng bỏ vào 1 thùng thôi.

Ngay các địa phương như xã Lưỡng Vượng, phường Tân Hà mặc dù đang thực hiện mô hình phân loại rác nhưng việc phân loại cũng mới chỉ được thực hiện ở nguồn thải, còn quy trình thu gom, xử lý chỉ được phần nào. Một người dân thôn 7, xã Lưỡng Vượng cho biết: “Gia đình lúc nào cũng có 2 thùng rác, tuy nhiên khi thu gom, công nhân dồn tất cả vào 1 xe, nên phân loại cũng không có tác dụng gì”.

Có thể thấy, ở phía người dân, việc thực hiện phân loại rác thải chưa thực sự trở thành thói quen, nếp nghĩ dẫn đến tình trạng bỏ ngang như đã nêu ở trên. Nhưng cũng cần phải nói rằng, các đơn vị làm dịch vụ thu gom rác cũng chưa thể phân loại hoặc có phân loại thì cũng không thấm vào đâu. Thực tế cho thấy, rất nhiều xe vận chuyển rác của các đơn vị làm dịch vụ môi trường đều không có ngăn để phân loại rác hữu cơ hay rác khó phân hủy, tất cả rác thải được đổ ráo vào thùng. Duy nhất bên hông xe là chiếc bao được các công nhân cột lại để lượm nhặt chai nhựa, hộp nhựa, bìa catton. Quy trình tiếp theo là rác được đưa đến điểm tập kết, đưa lên xe và một mớ hỗn độn rác được ép thành một khối chở đi, kết thúc một quy trình thu gom và không hề có công tác phân loại.

Để rác là tài nguyên

Liên quan đến việc phân loại, xử lý rác thải, bà Nguyễn Thị Linh Nhâm, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường, quản lý đô thị Tuyên Quang chia sẻ, trung bình mỗi ngày đơn vị thu gom khoảng 90 -100 tấn rác và hiện lượng rác thải này vẫn chưa thể phân loại bởi phụ thuộc rất nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Trong khi chờ có giải pháp hữu hiệu, giảm tải rác thải nhựa ra môi trường, giải pháp duy nhất là công ty khuyến khích công nhân trong quá trình thu gom vận chuyển rác tăng cường loại, nhặt rác, đặc biệt là rác thải nhựa để có thể tái chế.

HTX Dịch vụ môi trường Thanh Bình (TP Tuyên Quang) là đơn vị duy nhất trên địa bàn tỉnh phân loại rác để xử lý. Ông Nguyễn Hữu Hoạch, Giám đốc HTX bày tỏ, thực tế hiện nay HTX cũng mới chỉ phân loại, tái chế được rác thải nhựa là các chai nhựa, hộp nhựa, còn đối với túi nilon thì HTX mới chỉ tái chế được 1 phần. Ông Hoạch khẳng định, từ tháng 6-2021 đến nay, chỉ riêng đối với rác thải nhựa là các loại chai lọ, hộp nhựa HTX phân loại, thu gom và xử lý 8 tấn/ngày, một con số kỷ lục chưa từng có ở những năm về trước. Lượng rác thải nhựa này đã vượt công suất chế biến, HTX đã phải đầu tư thêm 2 dây chuyền nữa mới có thể tái chế lại lượng rác gia tăng như hiện nay.

Rác thải hữu cơ được xử lý nhưng rác thải nhựa lại không được xử lý, vứt đầy trên
suối chảy qua địa phận xã Yên Thuận (Hàm Yên).

Trước khi có đơn vị “đủ tầm” xử lý và tái chế rác thải, để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra, theo ông Phùng Thế Hiệu, Phó Trưởng phòng Môi trường, Nước, Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, chúng ta cần giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa một lần, phân loại rác thải tại nguồn, tăng khả năng tái sử dụng, tái chế rác thải nhựa; tập trung phát triển các công nghệ tái chế túi ni lon, rác thải nhựa…

Bên cạnh đó, nghiên cứu, chế tạo các chất phụ gia phối trộn vào nguyên liệu dùng để sản xuất các loại túi nhựa nhằm giảm thời gian phân hủy của rác thải nhựa. Đây là phương pháp mang tính bền vững, rút ngắn thời gian phân hủy rác thải nhựa từ hàng trăm năm xuống còn vài chục tháng. Hiện nay một số tỉnh, thành phố đã tận dụng rác thành một nguồn tài nguyên thông qua việc đốt rác phát điện.

Biến rác thành tài nguyên, không phát sinh thêm những hệ lụy đối với môi trường thì việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải phân loại được rác thải tại nguồn, loại bỏ những tạp chất tồn đọng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, môi trường sống, nâng cao hiệu quả của các biện pháp xử lý.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục