Phân loại rác thải nguồn: Để không “bắt cóc bỏ đĩa” - Bài 3: Từ cơ chế đến hành động

- Phân loại rác tại nguồn, cho rác thải bao bì một vòng đời mới, cho rác thải hữu cơ được tái sinh có ích cho chính người phát thải rác là việc nên làm và phải làm. Đồng thời, giảm gánh nặng lên môi trường từ quá trình chôn lấp, xử lý.

>>Bài 1: Nhìn từ những mô hình điểm

>>Bài 2: Bộn bề những khó khăn

Giảm “nhiệt” cho môi trường

Tuyên Quang chưa phải là tỉnh phải chịu những áp lực nặng nề từ quá trình thu gom, xử lý rác thải, nhưng với tốc độ tăng dân số, phát triển đô thị nhanh như hiện nay, thì việc tính toán, xây dựng giải pháp đồng bộ, căn cơ sẽ là chìa khóa giải bài toán khó về môi trường trong tương lai gần.

Năm 2020, UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành Chỉ thị 06 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế và giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn. Đây được xem như giải pháp tiền đề, để việc thực thi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được dễ dàng, thuận tiện hơn. Ông Phùng Thế Hiệu, Phó Trưởng phòng Môi trường, Nước, Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, qua hơn 2 năm tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị và người dân, lượng rác thải nhựa thải ra môi trường đã giảm đáng kể. Đáng chú ý, rác thải nhựa có thể tái sử dụng như chai, lọ… đã được thu gom để có một vòng đời mới.

Qua kiểm tra thực tế tại các địa phương, đặc biệt là những xã đã về đích nông thôn mới, ý thức của người dân trong việc phân loại, tái chế rác thải  nhựa đã đạt những kết quả khả quan. Nhiều trường học hình thành các điểm tập kết chai lọ nhựa để gây quỹ cho các hoạt động của trường. Đây được xem là kết quả quan trọng, đảm bảo cho mục tiêu hết năm 2022, cơ bản quản lý được việc sử dụng đồ dùng bằng nhựa trên địa bàn.

Người dân xã Năng Khả (Na Hang) phân loại, thu gom rác thải nhựa tại Đảo Pù Hoanh.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2022 quy định, đơn vị thu gom có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngay sau đó, ngày 24-5-2021, Nghị định số 155/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng quy định, việc không thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Số tiền phạt từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.

Đề án tăng cường quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 -2025 đã cơ bản hoàn thiện và đang chờ ban hành. Theo đề án này, thì một trong những mục tiêu của tỉnh là sẽ thành công trong việc giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn, đồng thời, đến năm 2025 là sẽ hình thành tại mỗi xã ít nhất một điểm trung chuyển gắn với các tuyến thu gom rác. Ngành tài nguyên và môi trường cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định giá dịch vụ, thu gom theo tiêu chí minh bạch, rõ ràng, người nào thải ra môi trường nhiều hơn sẽ phải đóng góp nhiều hơn. Có như vậy, mới nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc thực thi Luật.

Luật đã có, cơ chế đã đầy đủ. Tuy nhiên, để áp dụng vào điều kiện thực tiễn của Tuyên Quang, cần thêm thời gian để vừa chờ hướng dẫn, vừa hoàn thiện đồng bộ hạ tầng thu gom, xử lý rác thải.

Phải hoàn thiện hạ tầng thu gom, xử lý

Trên thực tế, hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn tỉnh vẫn theo phương thức truyền thống thủ công, bán cơ giới; thiếu trang thiết bị cho việc thu gom, vận chuyển sau phân loại. Rác thải sau khi thu gom về sẽ xử lý theo hình thức chôn lấp, về lâu dài, đây là bài toán đối với các địa phương khi quỹ đất chôn cất rác có hạn, lâu dài sẽ gây ô nhiễm.

Người dân thôn Làng Hản, xã Kim Quan (Yên Sơn) phân loại rác trước khi vứt vào thùng.

Đây vẫn là bài toán khó với các công ty môi trường đô thị trên địa bàn. Như Công ty cổ phần dịch vụ môi trường và Quản lý đô thị, việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân loại rác thải tại nguồn đã được đơn vị này triển khai thí điểm từ cách đây chục năm. Một số mô hình tái chế rác thải  nhựa ni-lon thành các đồ dùng bằng nhựa như xô, chậu… cũng đã được hình thành, nhưng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, do nhiều lý do.

Bà Nguyễn Thị Linh Nhâm, Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ môi trường và Quản lý đô thị cho biết, để việc phân loại rác thải tại nguồn được thực chất, không gì hiệu quả hơn là tuyên truyền, vận động. Thời gian qua, nhiều địa phương đã thực hiện rất tốt khâu này, nhờ thế các mô hình điểm đã được lan tỏa đến nhiều người hơn.

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, thì bắt đầu từ 1-1-2022, các tổ chức, cá nhân phải phân loại rác thải tại nguồn, đơn vị thu gom có quyền từ chối nếu không thực hiện. Trên địa bàn tỉnh, để điều này đi vào thực tế, vẫn còn là câu chuyện dài. Việc phân loại rác tại nguồn chỉ có hiệu quả khi có hệ thống hạ tầng từ thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng được đầu tư đồng bộ. Việc thay đổi này cần lộ trình thực hiện. 

Để bắt nhịp, đơn vị xác định năm đầu tiên, tập trung vào việc tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người dân và chờ các hướng dẫn từ cơ quan chức năng để thực hiện. Trước mắt, Công ty cổ phần dịch vụ môi trường và Quản lý đô thị đã lắp đặt hơn 30 thùng rác 2 ngăn tại các điểm công cộng. Tiến tới, theo lộ trình, sẽ lắp đặt hơn 5.000 thùng rác 2 ngăn tại các khu dân cư; đồng thời, đầu tư thêm xe chở rác để ép rác sinh hoạt riêng và ép rác thải hữu cơ riêng…

Về lâu dài, theo ông Phùng Thế Hiệu, Phó Trưởng phòng Môi trường, Nước, Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường, tỉnh cần có cơ chế thu hút các doanh nghiệp xử lý rác thải vào tỉnh. Trong đó, ưu tiên các doanh nghiệp xử lý, tái chế rác thải vào sản xuất điện, phân bón hay tái chế rác thải nhựa, giảm thiểu tối đa việc chôn lấp rác thải như hiện nay.

Theo ông Phùng Thế Hiệu, thì trong Đề án tăng cường quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 mà ngành tham mưu cũng khuyến khích, đối với những tổ chức, cá nhân thực hiện tốt, hiệu quả việc phân loại rác tại nguồn, có thể không phải nộp phí dịch vụ thu gom rác thải. Có như vậy, việc phân loại rác tại nguồn mới thực sự có ý nghĩa, thay vì làm cho có hình thức.     

 Bài, ảnh: Trần Liên

Tin cùng dòng sự kiện