Các chính sách hỗ trợ đúng đắn của Đảng, Nhà nước đã tạo sinh kế bền vững và là điểm tựa vững chắc cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh vươn lên. Những niềm vui lan tỏa khi chuyện làm giàu, chuyện học, chuyện xây dựng nông thôn mới... rộn ràng trong mỗi xóm bản.
Diện mạo mới nơi “vùng trũng”
Thôn Khuổi Ma, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) là nơi sinh sống của gần 100 hộ dân người dân tộc Mông di cư từ Cao Bằng về lập làng từ những năm 90 của thế kỷ trước. Nhiều năm trước, thôn luôn là “vùng trũng” của xã khi cái đói, cái nghèo luôn bủa vây. “Cái khó ở Khuổi Ma có nhiều nguyên nhân, nhưng lớn nhất đó chính là hạ tầng chưa được đồng bộ, trước đây thôn không điện, không đường bê tông, cũng không có sóng điện thoại” - Trưởng thôn Sầm Văn Páo tâm sự.
Nghèo đói, lạc hâu cũng là nguyên nhân để một số đối tượng xấu lợi dụng, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước. Trưởng thôn Sầm Văn Páo nhớ lại: Nghe theo lời kẻ xấu dụ dỗ, nhiều người dân trong bản đã tin và theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, không chịu làm ăn. Ngày ấy, nhiều chủ trương phát triển kinh tế của tỉnh đến bản không được bà con làm theo, nên cái nghèo cái đói càng thêm đeo đẳng nhiều hộ dân.
Niềm vui có điện lưới của người dân Khuổi Ma, xã Hùng Lợi (Yên Sơn).
Quyết tâm thay đổi nhận thức bà con, chi bộ thôn đã nhiều lần họp, bàn bạc cùng lãnh đạo xã. Khi các chủ trương của tỉnh về phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa được triển khai mạnh mẽ ở nhiều nơi, Chi bộ thôn Khuổi Ma đã ra nghị quyết lãnh đạo phát triển lâm nghiệp. Giống cây lâm nghiệp lúc bấy giờ được cấp phát miễn phí. Cán bộ kiểm lâm đến tận đồi, hướng dẫn kỹ thuật, cách trồng, cách chăm sóc. Từ sự gương mẫu đi đầu của đảng viên, nhân dân Khuổi Ma đã trồng được đến 400 ha rừng. Nhà ít cũng 5 - 6 ha rừng, nhà nhiều lên đến hơn 20 ha năm nào cũng có diện tích được khai thác. Nhờ rừng, bà con ở Khuổi Ma có một nguồn thu tương đối ổn định.
Niềm vui có sinh kế bền vững chưa dừng lại, khi con đường vào bản được đầu tư, cây cầu từ thôn Bum Kẹn bắc qua sông Phó Đáy đã nối liền, nhân dân Khuổi Ma không còn bị chia cắt mỗi khi lũ về. Đầu năm 2023, thôn tiếp tục có điện lưới quốc gia. Kinh tế khấm khá, hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh được đầu tư, Khuổi Ma đã không còn nghèo đói. Người dân tin vào Đảng, những hộ dân đã từ bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình để theo Đảng, quyết tâm làm giàu trên chính quê hương.
Thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Lâm Bình) nhiều năm trước được coi là “sơn cùng, thủy tận” ở Tuyên Quang. Thôn là nơi sinh sống của gần 200 hộ dân tộc Pà Thẻn. Trưởng thôn Thượng Minh Phù Đức Trường bảo rằng, trước đây muốn ra đến trung tâm xã phải mất cả buổi lội bộ, người ốm chỉ cúng ma rừng chứ ít được đi viện. Nhiều năm qua, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Thượng Minh cũng như nhiều thôn bản được đầu tư nhiều. Giờ ô tô gầm thấp cũng có thể vào bản. Hình ảnh về Thượng Minh nghèo khó ngày xưa đã không còn, thay vào đó là một làng văn hóa du lịch hấp dẫn của Tuyên Quang. Lễ hội nhảy lửa độc đáo, đặc sắc riêng có của người Pà Thẻn Thượng Minh được khôi phục. Du khách trong nước, nước ngoài thích thú tìm đến để chứng kiến những màn nhảy lửa độc đáo.
Kinh tế phát triển, sự học ở các bản làng cũng được quan tâm hơn. Các chính sách phát triển giáo dục của tỉnh vì thế được phát huy tối đa. Con em những bản làng vùng cao như Thượng Minh được học ở các trường bán trú của xã, trường nội trú của huyện. Năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh có 40 trường PTDTNT và PTDTBT với trên 8.400 học sinh DTTS theo học. Nhờ mô hình giáo dục này góp phần duy trì nề nếp, nâng cao tỷ lệ chuyên cần, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học; giảm dần khoảng cách về giáo dục giữa các vùng trên địa bàn tỉnh.
♦ Từ năm 2022 đến nay có gần 3 nghìn người dân tộc thiểu số được vay hỗ trợ tạo việc làm với tổng số tiền trên 122 tỷ đồng. ♦ Năm 2022 đã hỗ trợ từ nguồn vốn tín dụng cho vay ưu đãi đối với 28 hộ thiếu đất ở; 597 hộ được vay vốn ưu đãi làm nhà ở; 249 hộ chuyển đổi nghề với tổng kinh phí gần 40 tỷ đồng. ♦ Năm 2021 - 2022 đầu tư hơn 402 tỷ đồng cho chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây cầu trên đường giao thông nông thôn. ♦ Hiện nay 100% xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm; 99,83% số thôn bản có đường ô tô đến trung tâm thôn; 99,7% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. |
Ở các xã, thôn, bản vùng sâu, vùng xa của tỉnh hôm nay rộn rã thanh âm và sắc màu nhịp sống mới. Đó là thành quả của những chủ trương, quyết sách đúng đắn, phù hợp cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Quan trọng hơn nữa, đó còn là sự tiên phong, gương mẫu của những cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Họ là những người truyền cảm hứng, tiếp thêm niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền.
Chuyện của A Phà và những người tiên phong
Thực hiện Dự án di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang, từ năm 2003 hàng nghìn hộ dân của toàn bộ 5 xã huyện vùng cao Na Hang đã đồng lòng nhường đất để công trình quốc gia được thực hiện. Hoàng A Phà cùng gia đình và dân bản rời quê hương Thúy Loa về lập làng Mỹ Hoa, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn). Cuộc sống nơi vùng đất mới khó khăn bộn bề. Nhiều kẻ xấu lợi dụng khó khăn ấy lôi kéo dân bản đi kiện, để đòi thêm những lợi ích.
Những ngày đầu lập làng, bố Phà được bầu làm Trưởng thôn, nhưng không may ông mắc bệnh hiểm nghèo qua đời. Là người trẻ, lại là đảng viên, Phà được dân bản tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn, rồi các đảng viên bầu làm Bí thư Chi bộ. Để bà con dân bản không bị kẻ xấu dụ dỗ, Phà quyết tâm tìm cách ổn định đời sống sinh kế cho người dân. Mỹ Bằng vốn là vùng đất của Nông trường Chè Tháng 10 năm xưa, Phà và những đảng viên trong thôn đã quyết định khôi phục lại vùng chè để mở hướng thoát nghèo.
Khi tỉnh có chủ trương hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu giống, nhà Phà đi đầu thay giống chè cũ bằng chè PH. Rồi kéo bà con trong thôn cùng làm theo. Được Phà hướng dẫn tận tình, người Mông ở Mỹ Hoa hăng hái phát triển cây chè. Từ 20 ha chè, tăng diện tích lên gần 50 ha. Nhiều hộ giờ mở rộng sang “thầu” cả diện tích chè của bà con sở tại như nhà Hoàng A Vừ, Lý Văn Tú…
Nhờ kiên trì với cây chè mà đời sống của người Mông Mỹ Hoa không ngừng tăng lên, từ 16 triệu đồng/người/năm giờ đạt gần 48 triệu đồng/người/năm. Đời sống khá giả, việc hoàn thành các tiêu chí về hạ tầng trong xây dựng nông thôn mới ở Mỹ Hoa cũng thuận lợi, dễ dàng hơn. Phà khoe, Mỹ Hoa là thôn đầu tiên của xã Mỹ Bằng làm được 800 mét đường điện Thắp sáng đường quê, cũng là thôn cứng hóa 100% các tuyến đường giao thông nội thôn, nội đồng sớm nhất nhì xã.
Ở Khuổi Ma, xã Hùng Lợi (Yên Sơn), Trưởng thôn Sầm Văn Páo chính là người dẫn lối của bản. Páo chia sẻ, là đảng viên, lại là thế hệ trẻ anh thấy mình có trách nhiệm phải thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất lạc hậu ở bản. Khi chủ trương phát triển trồng cây lâm nghiệp ở thôn, cũng là thời điểm chính quyền triển khai phân 3 loại rừng, diện tích rừng sản xuất ở thôn được tăng lên, Páo là người tiên phong. Núi Khau Đéc, ngọn núi mà bà con cứ đồn có ma, chẳng ai dám đến, “mình là cán bộ thôn mà còn sợ ma thì nói ai tin”, anh lặn lội vào núi cuốc hố trồng rừng.
Nhà Páo hiện có hơn 20 ha rừng, làm theo Páo nhiều nhà như Vương Văn Páo, Lầu Văn Hành, Sầm Văn Định... cũng có 18 - 19 ha. Năm nay nhà Páo có khoảng 7 ha rừng cho thu hoạch, tính sơ sơ cũng có nguồn thu nửa tỷ đồng.
Ở Tuyên Quang, những người tiên phong như anh Phà, anh Páo không hiếm. Như câu chuyện của Phó Bí thư Chi bộ thôn Hùng Dũng, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) Lý Thị Xuân. Rời Trùng Khánh (Na Hang) về định cư ở Hùng Mỹ theo Đề án di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang. Chị Xuân bảo, Nhà nước đã làm nhà cho rồi, giao đất ruộng, đất rừng rồi, muốn giàu thì mình phải chăm chỉ hơn thôi. Một lần, chị cùng chồng đi chợ huyện, thấy người ta bán lợn giống sinh lời lắm, chị đi tìm mua lợn giống về bán cho bà con quanh vùng. Lãi nhỏ thôi, cóp lại rồi thành lãi lớn. Chị Xuân đi khắp các chợ, đến các nơi trong huyện, sang cả Na Hang, Bắc Kạn tìm mua lợn giống về bán cho bà con. Chị xây được nhà, mua được xe ô tô tải từ buôn lợn giống. Chị vận động các hộ trong thôn cùng đi buôn lợn giống, thấy chị làm hiệu quả, thế là cả bản làm theo. Nhờ đó mà cả khu tái định cư lúp xúp trước kia nay đã thay bằng những căn nhà mái bằng, mái Thái khang trang.
Cùng với các chính sách thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 -2025, với 10 dự án, trên 100 chính sách liên quan đến đồng bào DTTS đang được triển khai, tích cực hỗ trợ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đồng bào. Niềm vui lan tỏa, niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số với Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố, bền chặt và khăng khít.
Mai Đức Thông - Trần Liên - Ngọc Hưng - Minh Huệ
Gửi phản hồi
In bài viết