Bài 1: Xã hội hóa chăm sóc nạn nhân da cam
Bài 2: Vượt lên từ tinh thần người lính
Thực tế cho thấy, hằng năm Nhà nước dành khoản chi phí lớn để chăm sóc sức khỏe nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào nguồn lực của Nhà nước khó có thể bảo đảm chăm sóc và phục hồi cho nạn nhân da cam. Bởi thực tế ngoài nạn nhân da cam đất nước còn rất nhiều đối tượng yếu thế như người khuyết tật, người nghèo, trẻ mồ côi… cần sự trợ giúp xã hội. Bởi vậy, giải pháp hiệu quả chính là thu hút xã hội hóa. Thời gian qua, Tuyên Quang đã có nhiều cách làm từng bước thực hiện xã hội hóa việc chăm sóc nạn nhân da cam.
Tạo các “điểm sáng” ủng hộ nguồn quỹ
Thấu hiểu được những khó khăn, mất mát, thiệt thòi của các nạn nhân chất độc da cam, trong thời gian qua địa phương luôn tích cực đẩy mạnh tuyên truyền để xây dựng các nguồn quỹ ủng hộ giúp đỡ nạn nhân. Ông Nguyễn Mạnh Sâm, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin chia sẻ, trong 5 năm qua, kết quả vận động các nguồn lực trong toàn xã hội ủng hộ nạn nhân da cam trên địa bàn tỉnh là hơn 15 tỷ đồng. Hiện nay Tỉnh hội, huyện hội và đa số các xã, phường, thị trấn đều xây dựng được Quỹ “Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin”. Từ nguồn quỹ này đã góp phần hỗ trợ, động viên kịp thời tinh thần, vật chất, sinh kế, chăm sóc sức khỏe cho các nạn nhân. Từ đó, giúp họ từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên hoà nhập cộng đồng.
Đại diện Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Yên Sơn thăm hỏi
gia đình ông Phạm Quang Hiến, thôn 6, xã Trung Môn (Yên Sơn).
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chiêm Hóa hiện có hơn 800 hội viên. Mặc dù là huyện vùng cao còn nhiều khó khăn, song những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp của huyện đã phối hợp chặt chẽ xây dựng quỹ “Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin” tại từng xã. Kết quả đến nay, 23/23 xã đều thành lập được quỹ này. Huyện hội Chiêm Hóa đã trở thành điểm sáng của tỉnh trong công tác vận động xây dựng quỹ.
Ông Phùng Đình Hùng, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chiêm Hóa chia sẻ, cái khó ban đầu là việc nhiều người chưa hiểu được sự cần thiết của việc thành lập quỹ. Do đó, lãnh đạo Hội đã chủ động phối hợp và đích thân đến từng xã để tuyên truyền vận động về ý nghĩa nhân văn của việc xây dựng quỹ. Để tạo thuận lợi, đảm bảo tính khách quan thì UBND các xã đứng ra làm chủ tài khoản, chủ động phát động và quản lý chi tiêu. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin làm công tác tham mưu. Nhờ đó nhiều năm qua các nguồn Quỹ đều hoạt động hiệu quả, nhận được sự ủng hộ tích cực của người dân, cán bộ, công chức viên chức trên địa bàn. Trung bình hàng năm mỗi xã đóng góp được từ 20-30 triệu đồng. Từ nguồn Quỹ này các nạn nhân da cam thường xuyên được thăm hỏi, tặng quà trong các dịp lễ Tết, ngày lễ kỷ niệm 10-8 hay lúc ốm đau, bệnh tật.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Na Hang hiện có 224 hội viên thuộc các xã Năng Khả, Thanh Tương, Thượng Nông, Đà Vị, thị trấn Na Hang, trong đó có 103 nạn nhân được hưởng chế độ. Ông Nông Đức Mình, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện cho biết, để xây dựng nguồn quỹ có hiệu quả, tổ chức Hội các cấp phối hợp chặt chẽ với MTTQ và các đoàn thể làm công tác vận động, tuyên truyền, nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong việc vận động, thu quỹ. Từ đó nâng cao nhận thức đối với đoàn viên, hội viên, nhân dân về thảm họa da cam ở Việt Nam, chính sách quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với nạn nhân, đưa Quỹ “Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin” là 1 trong 4 loại quỹ bắt buộc ở thôn, bản.
Ông Lê Quang Uyên (bên phải), Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin thị trấn Na Hang tiếp nhận tiền ủng hộ Quỹ “Vì NNCĐDC/dioxin” từ tổ dân phố.
Ông Lê Quang Uyên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thị trấn Na Hang bày tỏ: “Khi bà con nhân dân thấu hiểu được rằng, chung tay xoa dịu nỗi đau da cam là việc làm nhân đạo, là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội thì việc xây dựng quỹ tại địa phương cũng thuận lợi hơn”. Thị trấn Na Hang có 20 tổ dân phố, trên 2.000 hộ, 7.307 nhân khẩu với 13 dân tộc anh em cùng chung sống. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, từ năm 2015 đến nay, Ủy ban MTTQ thị trấn đã chỉ đạo ban công tác Mặt trận ở các tổ dân phố ủng hộ quỹ nạn nhân da cam được gần 60 triệu đồng.
Từ năm 2015 đến nay, toàn huyện Na Hang vận động được trên 300 triệu đồng cho quỹ cấp huyện. Từ nguồn Quỹ này, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện đã luân chuyển đến Quỹ “Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin” của tỉnh được 150 triệu đồng; số tiền còn lại được sử dụng để thăm hỏi, tặng quà cho nạn nhân hàng năm. Ông Nông Văn Bích, thôn Nà Thôm, xã Thanh Tương bày tỏ, hàng năm vào các ngày lễ, tết, ông đều được tổ chức Hội các cấp tặng quà, thăm hỏi khi đau ốm. Sự quan tâm đó giúp ông cảm thấy được bù đắp phần nào nỗi đau mà chất độc da cam gây ra.
10 năm qua, vào dịp Tết Nguyên đán và những ngày kỷ niệm, các cấp Hội trong tỉnh đã trích từ quỹ “Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin” tặng 9.051 suất quà cho gia đình nạn nhân, mỗi suất quà trị giá từ 200 đến 500 nghìn đồng. Ngoài ra, Hội còn hỗ trợ tiền làm mới, sửa chữa 303 căn nhà, trị giá trên 3,6 tỷ đồng; hỗ trợ khám chữa bệnh cho 514 nạn nhân với số tiền 640 triệu đồng.
Lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh và huyện Yên Sơn tặng xe lăn cho nạn nhân chất độc da cam Nguyễn Thị Thanh Ngân, xóm 16, xã Trung Môn (Yên Sơn).
Bên cạnh sự hiệu quả của việc xã hội hóa trong xây dựng Quỹ “Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin” tại cơ sở thì các cấp hội còn triển khai xây dựng Hòm Quỹ ủng hộ nạn nhân da cam/dioxin. Toàn tỉnh hiện có 8 hòm quỹ được đặt tại các điểm tâm linh như: Chùa An Vinh, Đền Hạ, Đền Ỷ La (TP Tuyên Quang)… Có thể kể đến điểm đặt quỹ tại chùa Đại Bi, xã Xuân Vân (Yên Sơn) được xây dựng từ năm 2014 do ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Xuân Vân cùng ban chấp hành hội đề xuất… Từ hòm quỹ nhân đạo này, hàng năm góp phần bổ sung vào quỹ “Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin” được trên 10 triệu đồng.
Thành phố Tuyên Quang là một trong những địa phương thực hiện hiệu quả mô hình hòm quỹ nhân đạo ủng hộ nạn nhân da cam. Tiêu biểu như hòm quỹ nhân đạo đền Ỷ La là một trong những mô hình điểm đầu tiên. Hòm quỹ được mở định kỳ theo quý để bổ sung nguồn quỹ hỗ trợ nạn nhân da cam. Trung bình mỗi năm có 10 trường hợp được hỗ trợ, giúp đỡ từ nguồn quỹ này. Nhờ hoạt động hiệu quả, mô hình trở thành điển hình để tham quan và học tập của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Sơn Dương và các tỉnh lân cận: Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ... Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, tổ 21, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) chia sẻ, việc đặt hòm quỹ có ý nghĩa rất lớn. Những người có điều kiện kinh tế hơn chỉ cần bớt ra chút ít, “tích tiểu thành đại” thì số tiền này sẽ giúp đỡ được nhiều số phận kém may mắn.
Đại diện thành viên Nhóm từ thiện Người tôi cưu mang trao nhà cho gia đình bà Hoàng Thị Huyệt, thôn Phúc Long, xã Bằng Cốc (Hàm Yên).
Sát cánh cùng nạn nhân da cam
Bên cạnh việc xây dựng các nguồn quỹ huy động sự ủng hộ của toàn xã hội thì địa phương cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ sinh kế cho các nạn nhân. Bao gồm: sửa chữa, xây dựng nhà ở; hỗ trợ phát triển kinh tế… Theo Ông Nguyễn Mạnh Sâm, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin, 10 năm qua, vào dịp Tết Nguyên đán và những ngày kỷ niệm, các cấp Hội trong tỉnh đã trích từ Quỹ “Vì nạn nhân chất độc da cam” do các đơn vị, doanh nghiệp cá nhân để thực hiện nhiều hoạt động có ý nghĩa. Bên cạnh tặng quà, chăm sóc sức khỏe, từ nguồn Quỹ này Hội còn hỗ trợ tiền làm mới, sửa chữa 303 căn nhà, trị giá trên 3,6 tỷ đồng; hỗ trợ vay vốn cho hàng trăm lượt đối tượng với số tiền vay từ 10 đến 50 triệu đồng/người; tặng 11 sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá 3 triệu đồng cho hội viên; cấp 27 chiếc xe lăn trị giá 59 triệu đồng…
Hội viên Hà Hữu Hán, thôn Phú An 1, xã Thái Long (TP Tuyên Quang) là nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin bị mất sức khỏe từ 41 - 60%, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Năm 2018, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh phối hợp với UBND xã Thái Long (TP Tuyên Quang) phát động quyên góp, ủng hộ để xây dựng nhà mới cho ông Hán. Ngôi nhà tình nghĩa mới có diện tích gần 50 m2, mái đổ bê tông, nền lát đá hoa đã đem lại một cuộc sống mới cho ông Hán và gia đình. Ông phấn khởi chia sẻ: “Đến gần hết cuộc đời, gia đình tôi mới có 1 ngôi nhà khang trang. Cảm ơn các cấp hội, Đảng ủy, chính quyền xã đã quan tâm, tạo điều kiện để gia đình tôi có thể hoàn thành xây dựng ngôi nhà”. Ngôi nhà có tổng trị giá trên 150 triệu đồng. Trong đó, nguồn Quỹ “Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin” tỉnh hỗ trợ 40 triệu đồng.
Toàn tỉnh hiện còn 282 hộ cận nghèo là nạn nhân chất độc da cam/dioxin, nhu cầu làm mới, sửa chữa nhà ở cho nạn nhân rất lớn. Bởi vậy, trong nhiều năm qua, bên cạnh từ nguồn quỹ “Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin” thì các cấp Hội vẫn luôn tích cực kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm ủng hộ, xây dựng quỹ để hỗ trợ làm nhà, sửa nhà cho hội viên. Trong đó nhiều đơn vị, doanh nghiệp tích cực ủng hộ…Tiêu biểu như Bộ CHQS tỉnh luôn quan tâm, hỗ trợ gia đình cán bộ, nhân viên của đơn vị có thân nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin về vật chất lẫn tinh thần. Năm 2015, đơn vị đã quyên góp được 70 triệu đồng để hỗ trợ xây dựng nhà mới, giúp đỡ thân nhân của Trung úy Trần Quý Chi, công tác tại Ban CHQS huyện Sơn Dương. Hợp tác xã vận tải và vệ sinh môi trường Thanh Bình (TP Tuyên Quang) thường xuyên có nhiều hoạt động hỗ trợ nạn nhân da cam. Vừa qua, Hợp tác xã đã hỗ trợ 40 triệu đồng xây dựng nhà mới cho gia đình Phùng Kim Đĩnh, xã Lưỡng Vượng.
Hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) chia sẻ kinh nghiệm trồng cây cảnh.
Bên cạnh đó, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin có nhiều hoạt động sát cánh cùng các hội viên trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế. Hằng năm từ nguồn Quỹ “Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin” của tỉnh có khoảng 8-10 hội viên được vay 10 triệu đồng, không lãi suất, trong vòng 3 đến 5 năm để phát triển kinh tế. Còn từ nguồn Quỹ “Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin” của huyện có 3-5 hội viên được vay 5 triệu đồng, không lãi suất để phát triển kinh tế. Từ cách làm này đã có nhiều hội viên thoát nghèo, phát triển kinh tế.
Ông Đỗ Xuân Sự, hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin phường Tân Hà nói, trước đây gia đình ông gặp khó khăn do nguồn thu nhập hạn chế. Năm 2015, ông được vay 10 triệu đồng từ nguồn quỹ của Hội và vay mượn thêm anh em họ hàng để mở cửa hàng bán vật liệu xây dựng cùng các thiết bị điện, nước. Nhờ đó, gia đình ông đã có nguồn thu nhập ổn định từ cửa hàng. Hằng năm trừ chi phí, trung bình ông thu lãi 150 triệu đồng/năm, cuộc sống gia đình có nhiều cải thiện, nhà cửa được xây dựng khang trang hơn. Ngoài ra, ông còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 - 7 lao động với thu nhập bình quân từ 150 - 300 nghìn đồng/ngày.
Lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp và UBND xã Tân Tiến bàn giao nhà ở mới cho gia đình ông Vi Hồng Cao, thôn 8, xã Tân Tiến (Yên Sơn)
Tại huyện Na Hang, trung bình hàng năm có 3 hội viên được hỗ trợ vay vốn và phát huy được hiệu quả. Điển hình như anh Ma Văn Dậu, xã Thanh Tương là nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, bị mù hai mắt. Anh Dậu chia sẻ, Năm 2019, anh được Tỉnh hội cho vay 10 triệu đồng để phát triển kinh tế. Anh vạy mượn thêm bà con để mua được con trâu, đến nay trâu đã sinh sản. Số tiền vốn 10 triệu đồng anh đã thu hồi và luân chuyển cho hộ khác.
Thực tế cho thấy, việc chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin cần có sự chung tay góp sức của cộng đồng và toàn xã hội. Thời gian qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp trên địa bàn tỉnh đó có nhiều cách làm hay để vận động sự ủng hộ toàn xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động giúp đỡ, chăm sóc nạn nhân chất độc da cam.
Gửi phản hồi
In bài viết