Đã có sự thay đổi tư duy trong chọn ngành nghề

- Ngày nay suy nghĩ về việc chọn nghề đã có nhiều thay đổi, tư duy “làm thầy hơn làm thợ”, “Đại học là con đường lập thân duy nhất” đang dần được xóa bỏ. Nhiều bạn trẻ đã không chọn nghề theo số đông mà chọn nghề phù hợp với năng lực và nhu cầu thực tế của xã hội.

Hiện nay, người trẻ đứng trước rất nhiều thuận lợi trong việc lựa chọn nghề nghiệp. Đó là sự phát triển của xã hội đã kéo theo sự đa dạng hóa ngành nghề. Các trường đại học, cao đẳng,… ngày càng mở rộng, các lĩnh vực đã đào tạo đem lại  nhiều cơ hội lựa chọn. Phụ huynh, học sinh được tiếp cận nguồn thông tin nhanh chóng và thuận tiện qua Internet, truyền thông, báo chí,... Tuy nhiên, xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu cũng theo đó đi lên, đòi hỏi nguồn nhân lực cần chất lượng cao, người lao động phải nhạy bén, năng động nhất là trong cuộc cách  mạng 4.0. Do đó, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường học sinh phải trau dồi kiến thức, nắm bắt được năng lực để lựa chọn được ngành nghề phù hợp khả năng, từ đó từng bước phát triển bản thân tốt nhất.

Nghề sửa chữa ô tô một trong những nghề dễ xin được việc làm hiện nay. (Trong ảnh đào tạo lớp công nghệ ô tô
tại trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang, ảnh chụp trước 30-4).

Những năm trước đây, một bộ phận người trẻ chọn nghề bằng cách đi theo số đông hoặc chọn những ngành đang “hot”, hoặc “cố đấm ăn xôi” để vào đại học. Hệ quả là sinh viên ra trường không tìm được việc làm, làm việc không đúng với ngành nghề đã học, gây ra sự lãng phí không nhỏ. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, theo nhiều khảo sát thì người trẻ đã có sự thay đổi tích cực trong tư duy chọn nghề. Họ bắt đầu biết cách chọn cho mình những ngành nghề phù hợp dựa trên việc nghiên cứu sở thích, năng lực của bản thân và theo nhu cầu thực tế của xã hội. Việc dịch chuyển từ học các trường đại học sang học trường đào tạo nghề dần lên ngôi. Đây là một tín hiệu vui thể hiện sự thay đổi trong tư duy, nhận thức của phụ huynh, học sinh. Đa số chọn nghề, chọn trường phù hợp với từng năng lực, hoàn cảnh, đúng hướng, sát thực tế.

Những năm qua, ở tỉnh ta, nhằm giúp học sinh chọn trường, chọn nghề phù hợp tỉnh đã triển khai kế hoạch “phân luồng và định hướng nghề nghiệp ở giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020”; triển khai kế hoạch thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” của Chính phủ… Đồng thời, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp nhiều đơn vị để tổ chức các buổi tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông. Tại các trường THCS, THPT đã chủ động tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, nhất là đối với lớp 9 và lớp 12. Nhiều học sinh học xong Trung học đã đăng ký thi vào các trường theo đúng khả năng, nhu cầu xã hội. Và nhiều trường hợp đã chọn con đường đi học nghề, kết quả là sau khi hoàn thành khóa học các em đã có việc làm ổn định với mức lương như mong muốn.

Nhiều nhà quản lý giáo dục đã đưa ra nhận định, tháp giáo dục đại học trong thời gian qua đã có sự dịch chuyển lớn (đang quay ngược). Rõ ràng, trong xu thế này không phải là lúc đua nhau đào tạo nhân lực trình độ đại học nữa, mà cần phải hướng đến đào tạo những con người tinh hoa, chất lượng, có vai trò dẫn dắt xã hội phát triển. Do đó, chính sự thay đổi từ trong tư duy, nhận thức của bản thân và sự tiếp sức, động viên từ gia đình, xã hội sẽ là nguồn động lực lớn giúp các bạn trẻ tự tin bước vào đời.

Mai Linh

Tin cùng chuyên mục