Hàng năm, phong trào hiến máu tình nguyện được tổ chức cùng với ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện 7-4 và Ngày hội hiến máu Giọt hồng xứ Tuyên. Công tác tuyên truyền, vận động hiến máu được đẩy mạnh trong mỗi cơ quan, đơn vị, trường học, địa phương. Bởi vậy, đến nay, phong trào đã lan tỏa sâu rộng không chỉ trong lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên mà cả trong nhân dân.
Các thành viên Câu lạc bộ Giọt hồng Nhân ái chuẩn bị các điều kiện để tham gia hiến máu tình nguyện.
Công tác vận động, tuyên truyền huy động mọi tổ chức, cá nhân tham gia, gắn với việc tổ chức các hoạt động thiện nguyện. Vì vậy đã nâng cao nhận thức của mỗi người về ý nghĩa của việc hiến máu. Cách thức tổ chức hiến máu cũng được thay đổi cho phù hợp với điều kiện thực tiễn đặt ra. Để phòng, chống dịch bệnh Covid -19, việc hiến máu được tổ chức theo từng đợt để giãn cách xã hội, tránh tập trung đông người nhưng vẫn đảm bảo được mục tiêu hiến máu đề ra. Trung bình mỗi năm, từ phong trào hiến máu tình nguyện, toàn tỉnh đã tiếp nhận trên 3.000 đơn vị máu.
Bác sỹ chuyên khoa I Lưu Duy Đàn, Trưởng khoa Huyết học và Truyền máu Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Giọt hồng xứ Tuyên chia sẻ, Câu lạc bộ hiện nay duy trì 10 người thường xuyên và chủ chốt trong hiến máu tình nguyện. Công việc chính của Câu lạc bộ đó là phối hợp và tham gia tuyên truyền hiến máu tình nguyện.
Công tác tuyên truyền của câu lạc bộ giờ đây được triển khai sâu rộng hơn trước. Các thành viên của câu lạc bộ phát tờ rơi đến từng hộ gia đình, đến tận vùng sâu, vùng xa, các khu chợ để tuyên truyền, vận động. Bên cạnh đó, câu lạc bộ còn tổ chức các hoạt động tổ chức tết trung thu cho trẻ em, hỗ trợ, tặng quà hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn lồng ghép với tuyên truyền về hiến máu.
Đồng chí Dương Thị Kim Sáng, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam trường Đại học Tân Trào, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Giọt hồng Nhân ái cho biết, từ khi thành lập đến nay được gần 4 năm, ban đầu chỉ có 16 thành viên tham gia nhưng đến nay, câu lạc bộ có 26 thành viên tham gia và là lực lượng nòng cốt trong việc hiến máu tình nguyện. Thông qua các hoạt động của Đoàn và Hội Sinh viên của nhà trường, đồng chí Sáng đã tuyên truyền, vận động mỗi năm có hàng trăm người tham gia hiến máu tình nguyện.
Sáng cho biết, muốn vận động người khác hiến máu thì bản thân mình phải làm trước một cách tích cực. Những lần hiến máu của Sáng thật đặc biệt. Nếu như phần đa mọi người hiến máu tại các chương trình hiến máu tình nguyện tập trung thì Sáng lại hiến máu trong những trường hợp cấp cứu cần máu.
Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp với Công an tỉnh tổ chức hiến máu tình nguyện. Ảnh: Hoàng Niềm
Đến nay, bản thân Sáng đã có 9 lần hiến máu tình nguyện, trong đó có 3 lần hiến máu cho người bệnh phải cấp cứu. Từ việc làm của mình, Sáng đã vận động người thân trong gia đình, bạn bè cùng hiến máu. Qua 3 năm làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Giọt hồng Nhân ái, Sáng đã vận động được 700 người hiến trên 5.000 đơn vị máu. Sáng cho rằng, hiến máu là một hành động có ý nghĩa với bản thân em và cộng đồng. Mỗi lần hiến máu, em cảm nhận rõ niềm vui khi bản thân mình có ích với những người xung quanh. Việc làm đó cần được nhân lên để giúp đỡ được nhiều người hơn nữa. Đó là hành trình từ trái tim đến trái tim.
37 lần hiến máu tình nguyện, trong đó không ít lần hiến máu cho người bệnh bị cấp cứu nhưng chẳng một lần nào biết người mình hiến máu là ai bởi đối với anh Phạm Ngọc Thế, cử nhân xét nghiệm làm việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh từng được vinh danh là 1 trong 100 đại biểu hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2019 cho đi không mong được nhận lại.
Làm trong bệnh viện, anh Thế thường chứng kiến nhiều trường hợp người bệnh nguy kịch cần truyền máu nhưng người nhà lại không hiến được. Cái tâm của người làm trong nghề y thôi thúc anh phải làm gì đó cho người bệnh. Đó cũng chính là lý do mà anh có thể hiến máu cho người bệnh bất kể khi nào, không kể ngày, đêm.
Anh Thế nhớ lại kỷ niệm không thể quên, đó là vào một dịp nghỉ tết dương lịch, anh và gia đình về Chiêm Hóa chơi. Nghe tin có người bệnh đang cấp cứu trong Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa cần truyền nhóm máu A, anh Thế đã vận động thêm 2 người bạn của mình cùng vào hiến máu cho người bệnh.
Không chỉ có vậy, anh Thế còn vận động cả gia đình mình đi hiến máu. Tiêu biểu như bố anh là ông Phạm Ngọc Phưởng, thôn Trung Vượng 1, xã Trung Hòa (Chiêm Hóa) đã 10 lần hiến máu tình nguyện.
Qua nhiều năm tổ chức thực hiện, phong trào hiến máu tình nguyện trên địa bàn tỉnh đã tạo sức lan tỏa sâu rộng, thu hút đông đảo lực lượng tham gia và mang lại ý nghĩa to lớn cho cộng đồng. Từ đó khẳng định ý nghĩa nhân văn, tinh thần tương thân tương ái đã tạo nên sức sống của phong trào để rồi mỗi người đều thấy rõ vai trò của mình đóng góp cho cộng đồng.
Gửi phản hồi
In bài viết