Người cống hiến cho đời
Đối với những người gắn bó với công việc thiện nguyện, việc “cho đi” như hơi thở cuộc sống từng ngày của họ. Bởi thế mới có thể bước đi trên hành trình gian nan ấy được dài lâu mà cống hiến cho cuộc đời.
“Nồi cháo tình thương” của Đội tình nguyện viên Chữ thập đỏ Phổ Hiền tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Tuyên Quang được duy trì hàng tuần.
Trong suốt 9 năm qua, bà Bùi Thị Hồng cùng với đội tình nguyện viên Chữ thập đỏ Phổ Hiền (TP Tuyên Quang) đã tổ chức thành lập và duy trì mô hình “nồi cháo tình thương” giúp đỡ các bệnh nhân nghèo. Mô hình được lan tỏa ở nhiều bệnh viện trên địa bàn tỉnh như Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang, Bệnh viện Phổi Tuyên Quang, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen… Đến nay, những bát cháo ấm nóng tình người ấy đã phục vụ, giúp đỡ cho trên 80.000 lượt bệnh nhân nghèo, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Tấm lòng nhân ái không thể đong đếm trong suốt một quãng đường dài ấy đã được cộng đồng xã hội ghi nhận. “Nồi cháo tình thương” của bà Bùi Thị Hồng và nhóm tình nguyện Phổ Hiền cũng được đánh giá là 1 trong 65 mô hình tình nguyện hoạt động hiệu quả nhất toàn quốc. Bà Hồng tâm sự, hiểu được rằng hoạt động tình nguyện nhân đạo là việc làm ý nghĩa cũng như biết được những khó khăn của người bệnh, bà đã vận động, tuyên truyền và xây dựng mô hình từ thiện. Bên cạnh đó, cá nhân bà cùng các tình nguyện viên còn nhận đỡ đầu 4 trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật để giúp các em vượt khó, vươn lên trong cuộc sống. Bà hy vọng, những hoạt động nhân đạo sẽ luôn được lan tỏa với tinh thần “cho đi là còn mãi”.
Thời gian đầu làm công việc cứu hộ trên sông Lô, ông Nguyễn Văn Tỵ, Đội trưởng Đội cấp cứu Chữ thập đỏ sông Lô bị nhiều người cho là “hâm hấp” khi dám “thách thức hà bá, chống lại tự nhiên”. Thế nhưng, với quan niệm “làm phúc thì không phải lo sợ” ông đã “bước qua lời nguyền” để tập trung vào công việc cứu hộ, cứu nạn suốt 30 năm qua trên dòng Lô. Trái tim và tấm lòng vàng của ông đã được nhiều người cảm phục ghi nhận. Nay đã hơn 80 tuổi, ông không còn nhớ nổi bao nhiêu người may mắn được ông cứu sống. Với quan niệm còn sức còn cống hiến, ông vẫn tiếp tục gắn bó với dòng Lô, với công việc hiểm nguy bao lần đe dọa tính mạng của mình và đồng nghiệp để giúp người, giúp đời. Học và làm theo lời Bác xuất phát từ tình yêu thương với nhân loại mà làm những việc có thể làm để giảm bớt đau thương cho mỗi số phận trong cuộc đời, ông Nguyễn Văn Tỵ trở thành tấm gương sáng trong hoạt động nhân đạo được quốc tế ghi nhận.
Câu lạc bộ Giọt hồng nhân ái, Trường Đại học Tân Trào phối hợp tổ chức chương trình thiện nguyện tại xã Trung Minh (Yên Sơn).
Lan tỏa yêu thương
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thành lập và duy trì nhiều mô hình hoạt động nhân đạo có tính lan tỏa cao. Mỗi mô hình đều gắn với một người chỉ huy vững vàng, từ đó làm lan tỏa yêu thương và kết nối được sự đồng lòng, chung tay sẻ chia của cả cộng đồng. Có thể kể đến “người thuyền trưởng trên chuyến đò nhân ái” Trịnh Đình Bồng ở Phúc Ứng (Sơn Dương) với hàng nghìn chiếc bánh chưng nghĩa tình cho người nghèo, “người gieo quả phúc” như bà Bùi Thị Hồng, Đội trưởng Đội tình nguyện viên Chữ thập đỏ Phổ Hiền (TP Tuyên Quang) với nồi cháo tình thương, hay cô sinh viên Trường Đại học Tân Trào Dương Thị Kim Sáng với quan niệm Cho đi là còn mãi … Mỗi người một công việc khác nhau nhưng họ đều có một điểm chung đó là sự thấu hiểu, cảm thông, tạo điều kiện tốt nhất để giúp những mảnh đời khó khăn, bất hạnh.
Anh Trần Công Thành, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) vận động quyên góp,
ủng hộ vì miền Trung ruột thịt năm 2020.
Hơn 15 năm tham gia công tác Chữ thập đỏ, anh Trần Công Thành, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) luôn làm việc hết mình. Trong cuộc vận động ủng hộ vì miền Trung ruột thịt năm 2020, anh cùng với các thành viên Hội Chữ thập đỏ phường vận động được 10 tấn gạo, 12.000 lít nước khoáng, 3.500 thùng mỳ tôm, 6.000 hộp sữa, gói 1.500 chiếc bánh chưng và 20.000 các loại nhu yếu phẩm để trao tặng bà con ở Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Trong suốt 5 năm qua, anh cùng tổ chức hội còn vận động quyên góp trên 1,5 tỷ đồng để sửa chữa và xây dựng 20 căn nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Đối với anh, việc quan trọng nhất khi làm tình nguyện đó là làm cho cộng đồng hiểu được ý nghĩa của việc cứu trợ, cứu nạn từ đó khơi dậy và vun đắp tấm lòng nhân ái từ trái tim.
Mỗi trái tim, mỗi tấm lòng nhân hậu đã trở thành cầu nối để con người xích lại gần nhau hơn… Những người làm từ thiện đều khắc sâu trong tâm trí những thân phận, mảnh đời trong tháng năm làm tình nguyện họ đã từng đi qua. Để rồi họ coi việc được làm điều thiện như là món quà của cuộc sống ban tặng cho chính mình, từ đó tiếp tục cùng nhau thắp lên ngọn lửa trên hành trình nhân ái cuộc đời.
Gửi phản hồi
In bài viết