Nhớ Trung thu xưa

- Nhiều phụ huynh ở các địa phương khác vẫn luôn nói vui rằng “trẻ em Tuyên Quang thật may mắn khi năm nào cũng được tham gia Lễ hội Trung thu lớn nhất cả nước”. Hai năm nay dịch bệnh bùng phát, trẻ con tiếc nuối vì Tết Trung thu bị Covid-19 quấy rối, thưa vắng những “đặc sản” mô hình đèn Trung thu khổng lồ, tiếng nhạc tùng rinh rinh xập xình trên phố về đêm.

Thế nhưng không vì thế mà người lớn quên đi Tết Thiếu nhi, theo nhiều cách khác nhau, các em nhỏ vẫn cảm nhận được sự yêu thương, ấm áp. Năm nay, từ gia đình, nhà trường, tổ dân phố… đều dành cho các em sự quan tâm đặc biệt để có một mùa Trung thu vui vẻ và an toàn.

Vui Tết Trung thu. Ảnh: Quang Hòa

Khoảng lặng để nhớ Trung thu xưa

Khi thấy những xe hàng rong chở đầy những mẹt hồng ngâm, hồng mọng chín đỏ kèm những quả ổi găng vàng ruộm thì ai cũng đều ngầm mặc định thu đã về. Người lớn tận hưởng hương sắc tiết trời dịu nhẹ, trẻ em hân hoan chờ đón Tết Trung thu. Trung thu năm nay tuy không náo nức với những mô hình diễn diễu, liên hoan phá cỗ hoành tráng mà được tổ chức quy mô nhỏ gọn phù hợp tình hình dịch bệnh. Đường phố dẫu thiếu đi sự đông đúc, tấp nập, nhưng Trung thu này sẽ tựa như một khoảng lặng để chúng ta hoài niệm một thời và cảm nhận hết được tất thảy ý nghĩa của ngày lễ đặc biệt này.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tống Đại Hồng thì Trung thu diễn ra vào Rằm tháng Tám Âm lịch, đây được xem là ngày lành, tháng tốt để tiên đoán mùa màng và cũng là dịp Tết vui chơi của trẻ nhỏ. Vào ngày này, trăng sẽ tròn nhất. Trăng tròn là biểu tượng của sum họp. Chính vì vậy, Tết Trung thu còn được gọi là Tết Đoàn viên, Tết của tình thân, của sự yêu thương và sum vầy.

Ông Nguyễn Đăng Vượng, tổ 17, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) năm nay gần 80 tuổi. Ông kể lại rằng, cách đây hơn chục năm thì thành phố bắt đầu xuất hiện những mô hình Trung thu đầu tiên. Dần dà, hoạt động được xã hội hóa rồi trở thành lễ hội lớn, đặc trưng của Tuyên Quang. Thế nhưng trước đó, Trung thu thời các ông bà được diễn ra nhỏ gọn, ấm áp bên gia đình, làng xóm. Những dịp như này, mọi người sẽ ở bên người thân để cùng nhau chuẩn bị những mâm cỗ đầy đủ các loại hoa quả, bánh kẹo dâng lên cúng tổ tiên và trao nhau những món quà đặc biệt nhất. Trẻ em được rước đèn, đeo mặt nạ, phá cỗ ăn những chiếc bánh dẻo, bánh nướng. Tiếng cười nói, hân hoan, không khí ngập tràn niềm vui dưới ánh trăng mùa thu.

Còn bà Nguyễn Thị Tâm, thôn Bình Ca, xã Tứ Quận (Yên Sơn) thì ngày ấy, bọn trẻ chúng tôi háo hức mong đến Tết Trung thu nhiều lắm, để được bà và mẹ hái những trái hồng rám nắng mang ngâm cùng nước giếng và tro bếp, lựa những quả ngon hái xuống chờ đêm Trung thu phá cỗ. Những đứa trẻ trong xóm thì thi nhau tích cóp những hạt bưởi, bóc vỏ và xiên vào sợi dây thép, phơi khô chờ đêm rằm mang ra đốt sáng. 

Ông Ngô Hữu Chỉnh, thôn Phúc Lộc A, xã An Khang (TP Tuyên Quang) năm nay đã hơn 80 tuổi. Ông kể lại, theo quan niệm dân gian, Trung thu còn là dịp người dân ngắm trăng tiên đoán mùa màng. Nếu trăng thu màu vàng thì sẽ trúng mùa tằm tơ, màu xanh dương hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, mưa bão, nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị. Cứ năm nào trăng vàng trong sáng thì bố vui lắm, bảo rằng năm tới lại no ấm rồi, thói quen ấy của cha lại truyền cho ông và năm nay ông quyết định sẽ gọi các cháu nội ngoại của mình về chơi, kể cho chúng nghe câu chuyện về trăng Rằm tháng 8 để chúng biết được những nét văn hóa của dân tộc.

Một mùa Trung thu ý nghĩa, an toàn

Lễ hội Thành Tuyên từ lâu đã trở thành thương hiệu riêng, đặc trưng của Tuyên Quang. Hiện nay, nếu gõ vào trang tìm kiếm Google với từ khóa “Lễ hội Thành Tuyên”, trong tích tắc chưa đến 1 giây đã cho đến hàng triệu kết quả. Cùng với các mô hình đèn Trung thu khổng lồ diễn diễu trên đường phố, liên hoan văn hóa văn nghệ, hoạt động vui chơi cho trẻ em và cả người lớn.

Trung thu năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh, dù thiếu Lễ hội đường phố nhưng mỗi gia đình, trường học, địa phương đều có những hoạt động riêng giúp các em vui ngày Tết. Mọi người cùng nhau sum vầy phá cỗ bên người thân, bạn bè, hạn chế tập trung nơi công cộng. Tại các trường học, Trung thu hầu hết đều được tổ chức quy mô nhỏ theo từng lớp. Thầy cô chủ nhiệm và phụ huynh sẽ cùng nhau bày biện mâm cỗ một cách sáng tạo, bắt mắt.

Tiệm làm bánh Trung thu gia truyền Đức Bình, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang).

Tại các thôn, bản Ban Công tác Mặt trận trực tiếp đi đến từng hộ gia đình có con nhỏ để tặng quà Trung thu. Bà Ma Thị Lợi, Trưởng Ban Công tác Mặt trận tổ dân phố Vĩnh Bảo, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) cho biết, Trung thu năm nay dù không tổ chức quy mô lớn, chúng tôi luôn dành cho các em nhỏ sự quan tâm đặc biệt vào dịp này. Những suất quà tuy không lớn nhưng sẽ là động lực để thiếu nhi trong thôn phấn đấu học tập và rèn luyện.

Một hoạt động tặng quà cũng được tổ chức thường niên vào mỗi dịp Trung thu đó là hoạt động tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen. Trung thu năm nay, bệnh viện đã trao tặng hơn 180  suất quà, tổng trị giá gần 15 triệu đồng được trích từ nguồn Quỹ phúc lợi của bệnh viện. Thạc sỹ, Bác sỹ Phạm Trọng Thuật, Giám đốc Bệnh viện cho biết, năm nay Bệnh viện chỉ tổ chức phát quà nội bộ cho các bệnh nhân ở lứa tuổi nhi đồng. Trong những ngày tới bệnh viện vẫn tiếp tục phát quà Trung thu cho các cháu vào viện điều trị và mong muốn được tiếp nhận sự ủng hộ, giúp đỡ của các tấm lòng hảo tâm dành cho các cháu khuyết tật.

Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh trong dịp Tết Trung thu đã hỗ trợ 3 phần quà cho Trung tâm Công tác xã hội, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Mỗi phần quà trị giá 3-5 triệu đồng để các đơn vị có thêm điều kiện tổ chức cho các cháu thiếu nhi đón Trung thu thật vui tươi, phấn khởi.

Tết Trung thu là Tết đoàn viên tuy nhiên vì dịch bệnh nên một số trẻ em thiệt thòi không được đoàn tụ cùng bố mẹ. Đó là những người cán bộ y tế sẵn sàng tình nguyện chống dịch tại Hà Nội, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh hay những chiến sỹ công an, bộ đội, y tế… ngày đêm trực tại các chốt kiểm dịch.

Em Nguyễn Băng Ngân, lớp 4A trường Tiểu học Trường Thành (TP Tuyên Quang) là con gái của chị Nguyễn Ngọc Anh, kỹ thuật viên tại Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc. Băng Ngân chia sẻ: “Mẹ em là tình nguyện viên tham gia chống dịch Covid-19 tại Bình Dương. Hàng ngày mẹ vẫn thường xuyên gọi điện về cho em. Dù Trung thu xa mẹ nhưng em vẫn nhận được sự quan tâm, chăm sóc của người thân, nhà trường, tổ dân phố, đơn vị công tác của mẹ... Em sẽ cố gắng học giỏi, động viên mẹ thực hiện tốt nhiệm vụ để sớm trở về Tuyên Quang”.

Sẽ có nhiều mùa Trung thu khác, khi cả nước cùng chung tay kiểm soát và chiến thắng được dịch bệnh Covid-19. Trung thu năm nay là Trung thu đặc biệt, dù thiếu Lễ hội đường phố, nhưng ở khắp nơi đều có các hoạt động đẹp, ý nghĩa. Tất cả giúp các em thiếu niên, nhi đồng có môi trường, điều kiện thuận lợi để phát triển toàn diện về mọi mặt và hơn hết là được đón một mùa trăng Rằm tháng Tám an toàn, lành mạnh.

Giang Lam

Tin cùng chuyên mục