Hồn chè

- Hôm nay gia đình Trưởng bản Ma Văn Quang ở thôn Khau Tràng, xã Hồng Thái vui mừng được đón tiếp hai vị khách quý.

Đó là tiến sĩ Roberts và tiến sĩ Mark Rapley, hai nhà thực vật học lừng danh từ nước Úc xa xôi sang Việt Nam tham quan du lịch, lặn lội tới tận nơi cao nhất và xa nhất của Tuyên Quang này. Bởi Hồng Thái, vốn từ lâu đã được mệnh danh là Đà Lạt thứ hai của miền Bắc, với khí hậu quanh năm ôn hòa mát mẻ nên hai vị tiến sĩ đã bắt xe từ Hà Nội lên đến đây, tới thăm nhà trưởng bản Ma Văn Quang.

Dưới gian bếp, bà Quang, vợ trưởng bản đang nhanh tay lật vỉ cá suối ướp hạt mắc khén đang được nướng thơm lừng trên than đỏ. Chị Say hàng xóm cũng mới sang để phụ giúp một tay. Khách quý mà, chị sẽ làm món xôi ngũ sắc đặc sản vùng cao để thết đãi, xào cả rau dớn với tỏi nữa, thơm có mà nức mũi. Mấy con trâu buộc ở ngoài vườn đang nằm nhai lại cỏ. Giữa hè, một vài cây mận quanh đấy quả đã chín đỏ ối. Gần trưa mà khí trời vẫn mát rười rượi, xa xa thấy một vài đám mây quẩn quanh trên những thửa ruộng bậc thang lúa vàng óng. Khung cảnh thật thanh bình như một bức tranh của họa sĩ thiên nhiên đầy tài năng và ấn tượng.

Minh họa: Hồng Kiều

Trên nhà sàn, trưởng bản Ma Văn Quang đang nói chuyện vui vẻ với hai vị khách tóc vàng mắt xanh, chắc họ sang Việt Nam du lịch nhiều lần nên nói tiếng Việt khá sõi. Cả hai tầm trên dưới 50 tuổi, da trắng, dáng người cao lớn, và dưới cái mũi lõ rõ to là đôi môi đỏ hình trái tim lúc nào cũng nở một nụ cười. Ông Quang tỏ ra mến khách hơn bao giờ hết, hào hứng rót hai chén nước chè sóng sánh màu mật ong trịnh trọng đưa cho hai vị tiến sĩ. Họ đón lấy, nhấp uống và đôi mắt chợt bừng lên những tia kinh ngạc. Tiến sĩ Roberts nói: Ồ, tôi đã sang Việt Nam du lịch nhiều lần, đã từng hân hạnh được thưởng thức các loại nước chè ở nhiều nơi. Nhưng không ở đâu lại đậm đà hương vị dịu ngọt, êm êm cái đầu lưỡi như ở đây. 

- Đúng thế. Tiến sĩ Mark cũng không kém phần hào hứng: Hương vị chè ở Hồng Thái rất riêng, có vị hơi chát nhưng sau đó chất ngọt ngào tự nhiên lan tỏa khắp cổ họng. Thật không ngờ, trên xứ vùng cao Tuyên Quang này, lại có thứ chè tuyệt vời đến vậy.

Khuôn mặt ông Quang bừng lên vẻ hãnh diện, ông nói sau khi đã chiêu tiếp cho hai vị khách thêm vài lần rót nữa: Ầy, đây là thứ chè Shan tuyết cổ thụ quý hiếm của Hồng Thái, Tuyên Quang tôi, tuổi đời các cây này có hàng trăm năm rồi đấy. 

- Ồ vậy à. Tiến sĩ Roberts gật gù: Tôi cũng đã nghe kể  rất nhiều về những cây chè cổ thụ ở trên đây, thân nó rất lớn, hai ba vòng tay người ôm không xuể. Tiến sĩ Mark thêm vào: Và cũng chính vì thế mà chúng tôi đã quyết phải lên đây cho bằng được, để thưởng thức một lần cho biết thứ nước uống đặc biệt này. Và trưởng bản, ông có thể kể cho hai nhà thực vật học chúng tôi biết sự tích về những cây chè này không? Và buổi chiều, sau bữa cơm trưa, ông dẫn hai tôi đi tham quan chúng được chứ? 

- Ầy, được chứ sao lại không... Ông Quang nở nụ cười thân thiện hết mức, ông chỉnh lại cái mũ nồi trên đầu cho ngay ngắn: Chiều, tôi sẽ dẫn mọi người đi tham quan, còn bây giờ tôi sẽ kể về sự tích những cây chè cổ thụ của Hồng Thái cho các bạn nghe. Bắt đầu nào, ngắn gọn thế này: Thuở xưa, xưa lắm rồi. Khi chỗ ở của Giàng trên trời gần đến nỗi chỉ cần trèo lên những dãy núi cao nhất của Hồng Thái là có thể bước chân tới được. Giàng sống hòa thuận vui vẻ với các bà vợ trong những tòa nhà được làm bằng gỗ lim vững chắc, mây lúc nào cũng lơ lửng trên các tầng mái lợp bằng lông của những con chim phượng hoàng có màu vàng lúng lính. Một hôm, nhân Tết cơm mới, Giàng cưỡi một con ngựa trắng đi xuống chơi hạ giới. Tới Hồng Thái, Giàng gặp một cô gái da trắng như hoa mận, môi đỏ như hoa chuối, tóc mềm và mượt như suối chảy. Giàng phải lòng muốn đón cô gái về trời quá, nhưng cha cô gái là một người nông dân thuần túy rất cương trực và khẳng khái. Ông đồng ý cho Giàng đón cô gái về làm vợ nhưng với một điều kiện, Giàng phải tặng lại ông và dân bản một món quà có thể dùng được lâu dài và giúp cho tất cả cùng đoàn kết yêu thương nhau. Giàng nghĩ mãi, nếu tặng vàng bạc châu báu hay lụa là gấm vóc cho dân bản thì chẳng mấy chốc mà dùng hết, rồi nhà nào cũng tranh lấy phần hơn gây nên sự mất đoàn kết. Cuối cùng sau khi đã suy nghĩ chín chắn, Giàng tặng cho dân bản một nắm hạt giống quý rồi đặt cô gái lên lưng ngựa bay về trời. Dân bản đem các hạt giống đi gieo trồng, chẳng mấy chốc nảy mầm thành những cây chè và lớn nhanh như thổi, xum xuê và không bao giờ thôi xanh lá. Dân bản nhà nào cũng lấy lá chè về đun uống, uống vào thấy tinh thần sảng khoái, làm việc hăng say, tránh được nhiều bệnh tật. Trải qua hàng trăm năm, đã thành những cây chè cổ thụ to lớn như hôm nay, hấp thụ tinh khí mây trời gió núi vùng cao, làm nên một thứ thức uống tuyệt vời không mấy nơi nào có được.

- Ông kể gì mà hai vị khách quý nhà mình chăm chú lắng nghe thế? Bà Quang và chị Say đã nhanh chân bưng mâm cơm thịnh soạn tới chỗ mọi người: Đã trưa rồi, mời mọi người ăn cơm thôi. Bà hồ hởi nói tiếp.

- Hai tôi vừa nghe xong câu chuyện về sự tích nguồn gốc các cây chè cổ thụ của Hồng Thái hay quá... Tiến sĩ Mark không giấu nổi vẻ hâm mộ trong ánh mắt: Thứ cây thực vật quý hiếm mà ở nước Úc của chúng tôi không bao giờ có phu nhân trưởng bản à.

- À lui. Bà Quang mở to mắt cùng nụ cười tươi roi rói: Thế hóa ra bên nước Úc không có giống chè quý như ở vùng núi chúng tôi à?

- Cả món cá nướng này nữa... Tiến sĩ Roberts hấp háy mắt cảm động nhìn mâm cơm nóng sốt trước mặt. Chị Say vội xắn xôi ra đĩa, ông Quang thì mau mắn rót rượu. Mùi rượu ngô thơm nức tràn ngập khắp căn nhà sàn lợp ngói âm dương hai lớp đã xanh rêu. Trên núi cao, một cơn mưa của Giàng đột ngột đổ xuống, tưới ướt đẫm những cây chè cổ thụ trên đó, cho những tán lá đồng loạt rung rinh...

Truyện ngắn: Dương Đình Lộc

Tin cùng chuyên mục