Lạy trời! Đừng cho ông ấy vội đi. Ông Trác ơi! Chờ tôi một lát nhé. Có đi thì cũng nhìn mặt nhau lần cuối chứ. Ông ốm liệt giường cả tháng nay một thân một mình, tôi thương lắm. Ngày nào tôi cũng sang. Tối nào tôi cũng có mặt. Duy chỉ có tối nay tôi bận chút việc không sang với ông được, lẽ nào ông lại chọn lúc tôi không có mặt để đi? Sắp kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng sông Lô rồi, sao ông không cố đợi ngày ấy đã? Ông là người chiến sỹ sông Lô cuối cùng còn lại đến giờ cơ mà? Ông phải ở lại để hôm đó còn hát bài Trường ca sông Lô như ngày nào chứ! Và phải kể tiếp cho bọn trẻ nó nghe về trận đánh năm xưa chứ ông! Đừng đi, ông Trác ơi!
“Mới tháng trước, truyền hình họ về quay phim, hỏi chuyện ông ấy, bà nhỉ?”. Cu Tèo vừa soi đèn dẫn đường vừa líu ríu. “Cháu thấy ông ấy mặc quân phục oách lắm. Huy chương đỏ ngực nha. Đầu tóc bạc phơ nha. Trước ống kính, ông ấy chém gió mê ly luôn”. “Cái thằng này. Ăn với chả nói - bà Giang thập thững theo sau cắt ngang lời thằng cháu - Ngôn từ chúng bay bây giờ chẳng ra làm sao cả. Như thế là thiếu kính trọng người lớn đó”. “Cháu xin lỗi - cu Tèo có vẻ ăn năn - Tại cháu quen mồm. Dưng mà, công nhận ông Trác oai phong lắm bà ạ. Đang trả lời máy quay, ông ấy lại quay sang hát. “Vui hát ca hòa vui hát ca hòa chí chiến đấu, đây tay trai Việt Bắc, Sông Lô đang xuôi mau…” làm mấy cô chú truyền hình cũng ngỡ ngàng cuốn hút theo”. Tèo hồn nhiên kể chuyện và bắt chước giọng ông Trác để hát.
Trác không phải người xã này. Cái năm đói kém Ất Dậu (1945), bố mẹ Trác dắt díu nhau tha phương cầu thực từ đâu đến xã Tiên Phong rồi họ gửi Trác vào nhà cụ Quản, một gia đình khá giả của làng ngày đó. Họ bảo một đôi năm sẽ quay lại đón con. Trác ở lại chăn trâu cho cụ Quản và được cụ ấy coi như con. Chính nhờ việc chăn trâu này mà Trác đã cứu đơn vị bộ đội khỏi bị quân giặc Pháp đánh úp.
Số là, hôm đó, như bao ngày thường, Trác lùa trâu đi chăn ở khu vực ki lô mét 20 thuộc đất Tuyên Quang thì nghe tiếng người rên trong bụi rậm. Trác vạch cây tìm tới. Thì ra, đó là một anh bộ đội liên lạc. Anh được phái gấp từ Tuyên Quang về báo tin cho đơn vị đang phục kích ở Tiên Phong biết có một cánh quân Pháp rút theo quốc lộ 2 đang xuôi, yêu cầu đơn vị sơ tán, ẩn náu giữ bí mật trận đánh. Trác thay anh bộ đội cầm thư hỏa tốc về báo cho chỉ huy. Y như rằng, sau đó, quân Pháp kéo qua. Chúng không hề biết có một đơn vị pháo binh ta đang phục kích đánh đồng đội chúng rút lui trên những chiếc tàu chiến xuôi sông Lô.
Sau hôm đó, Trác được xã và đơn vị bộ đội biểu dương. Cụ Quản vui lắm. Cả nhà cụ cùng làng xóm náo nức vào chiến dịch. Toàn bộ số bưởi trong vườn được hạ xuống để làm thủy lôi giả. Trác vừa chăn trâu vừa xem mọi người sơn đen quả bưởi, thả rải “thủy lôi bưởi” trên sông. Trác chạy đi chạy lại truyền tin từ tổ nọ đến nhóm kia trở thành liên lạc lúc nào cũng không hay.
Làng Đám làm thủy lôi giả thì làng Ngọc làm trận địa pháo phòng không giả. Bà Giang vẫn nhớ theo bố lên gò Nhỏ cùng bộ đội chặt che dựng làm nòng pháo, lấy cây cỏ để ngụy trang. Mấy cụm “pháo” nửa kín nửa hở ngẩng cao nòng hướng lên trời, quay về phía sông Lô trông oách lắm. Ngay sát bờ sông, bến ông Hiếu, bộ đội đặt pháo với phương châm “đặt gần bắn thẳng” quyết nhận chìm tàu chiến địch. Bên kia sông, xã Hữu Đô gom nứa tép thành đống, chất rơm rạ lên để sẵn đấy, khi có lệnh đốt lên tạo tiếng nổ như tiếng súng, tạo khói mù trời uy hiếp quân địch. Và trận đánh ngày 24 tháng 10 năm 1947, đúng như phương án tác chiến, ta đã thắng lợi hoàn toàn. Hai tàu chiến Pháp bị nhấn chìm, hai chiếc bị thương nặng, chiếc còn lại chạy tháo thân.
Sau trận đánh đó, Trác xin với cụ Quản theo làm liên lạc cho đơn vị pháo binh. Đông xuân năm 1954, Giang cùng một số người của xã đi dân công chiến dịch Điện Biên phủ. Không ngờ Giang gặp lại Trác. Lúc này Trác đã chững chạc trong bộ quần áo trấn thủ. Còn Giang cũng phổng phao khoe hết những nét đẹp thiếu nữ. Tình yêu hai người nảy nở. Họ thề non hẹn biển sẽ xây dựng gia đình sau ngày chiến thắng.
Hòa bình lập lại, làng quê phơi phới xây dựng cuộc sống mới. Bao nhiêu chàng trai đến với Giang nhưng cô đều khước từ, một lòng một dạ chờ đợi Trác. Rồi Trác thư về khuyên Giang đi lấy chồng với lý do đời lính của anh nay đây mai đó sẽ khổ cho người ở nhà. Mặc, Giang vẫn một mực đợi chờ. Mãi năm 1960, Trác mới trở về. Nộp giấy tờ cho xã, người ta mới biết anh là thương binh. Cụ Quản đã mất. Thấu hiểu tình cảnh ấy, hợp tác xã xếp cho anh chân thủ kho. Kho vừa là nơi cất giữ vật tư, thóc lúa của hợp tác vừa là chỗ ở của Trác. Anh cố tình lánh mặt và tỏ ra rất nhạt nhẽo với Giang. Lúc đầu Giang ức lắm. Sau rồi Giang quyết cố quên đi mối tình đầu. Khổ nỗi, họ vẫn sinh hoạt đoàn cùng nhau. Thế nên hình ảnh của Trác chẳng thể nào ra khỏi trong tâm trí Giang.
Xã mở bến đò ngay trận địa pháo năm xưa. Trác xin hợp tác giữ chân bơi đò ngang đưa khách qua sông. Anh dựng lán ngay ở bến. Lán vừa là chỗ cho khách đợi đò vừa là nhà của anh. Càng lẩn tránh Giang thì ông trời lại càng đưa Giang tới gần Trác. Một hôm, Giang ra bến giặt giũ. Bến vắng. Cô bị trượt chân ngã xuống sông. Giang lại bị chuột rút, vùng vẫy rồi chìm dần. Đang lúc “giã gạo” thì Trác bơi đò gần đó phát hiện được. Từ trên thuyền, Trác phi xuống bơi thẳng ra chỗ Giang, dìu Giang lên bờ. Anh vác ngược cô lên và chạy. Nước trong người Giang ồng ộc chảy ra. Sau đó, anh đặt cô nằm ngửa trên bãi cát rồi làm hô hấp nhân tạo. Lúc này, một số cô gái trong làng cũng vừa tới. Họ xúm lại giúp anh. Lát sau, Giang tỉnh dần. Cô ngơ ngác nhìn Trác và mọi người.
Một hôm, Giang hỏi thẳng lý do vì sao Trác từ bỏ lời thề tình yêu năm nào. Trác ấp úng: “Anh không nói được đâu. Anh không thể mang lại hạnh phúc cho em. Thương anh thì em lấy chồng đi, Giang nhé”. Mặc, Giang vẫn cứ chờ. Kể cũng lạ, giá Trác lấy ai thì còn bảo là anh ấy phản bội mình. Đằng này, hơn ba chục tuổi rồi mà chẳng thấy anh tình ý với ai cả.
Giặc Mỹ leo thang mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc. Bãi sông làng Ngọc trở thành nơi tập kết đạn dược, vũ khí từ nhà máy Z để theo sông đi các chiến trường. Thanh niên xã Tiên Phong ngày sản xuất tối ra bến vác đạn. Tinh thần chiến thắng sông Lô ngày nào lại ngùn ngụt lên cao. Trác xông xáo chỉ huy cánh trẻ. Lúc dưới sông, khi trên bến. Đặc biệt, khi Mỹ thả bom từ trường, thủy lôi xuống ngã ba sông, Trác dũng cảm xung phong cùng một số trai làng lái ca nô nhử phá chúng. Những cột nước dựng lên mỗi khi bom nổ. Nhìn thấy ca nô Trác phành phạch đằng xa người ta mới biết rằng anh còn sống.
Bước qua tuổi ba mươi, trước sự thúc ép của bố mẹ, cuối cùng Giang cũng phải lấy chồng. Bà nhớ lại, ngày cưới bà, ông Trác vui lắm. Chính ông ấy thay mặt chi đoàn làm chủ hôn. Ông ôm đàn hát Trường ca sông Lô oai hùng lắm.
Thế nhưng số bà Giang khổ. Đứa con đầu chưa được ba tuổi thì chồng bà mất do một tai nạn. Trong những ngày khó khăn ấy, ông Trác thường xuyên đến bên động viên, an ủi bà. Rồi chính bà lại bị sa ngã. Bà có chửa đứa thứ hai không phải với ông Trác mà với tay cán bộ phòng lương thực huyện. Nó ngon ngọt dỗ dành bà để đến khi bà bụng to thì chạy mất. Dân làng hàng xóm đổ điều tiếng tất lên đầu ông Trác. Ông Trác nghe vậy chỉ ậm ừ.
Cho đến năm ngoài bảy mươi tuổi, ông Trác mới nghỉ bơi đò, sống bằng tiền trợ cấp thương binh và cái quán bán lặt vặt ở bến sông. Bà Giang ở với thằng Tèo. Nó là con thằng chửa buộm của bà. Nghỉ “hưu đò”, lão Trác rảnh rang với cái quán bến sông. Cứ buồn buồn là lão lại nghêu ngao hát. “Sông Lô sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau, núi rừng âm u…”. Lũ trẻ trâu khoái lão lắm. Cánh thằng Tèo cứ bỏ trâu ở bãi rồi vào quán lão Trác để nghe lão kể chuyện đánh Pháp. Lần nào cũng thế, đến đoạn cao trào là lão Trác lại hùng dũng đứng lên giữa bầy trẻ, vung tay, khua chân, hướng mắt về tượng đài Chiến thắng sông Lô để hát. “Đoàn quân thời chinh chiến ca rằng…”. Thằng Tèo cười tít mắt. Nó thuộc lòng câu chuyện và bài hát này. Có hôm về nhà, nó bắt chước điệu bộ lão Trác kể, hát cho bà Giang nghe. Nghe xong, cả hai bà cháu cùng cười ngặt nghẽo. Vui lắm. Thế mà giờ lão ấy lại sắp bỏ đi rồi ư?
Đúng như linh tính mách bảo của bà Giang, nhà lão Trác khá đông người. Đèn điện sáng trưng. Hai bà cháu bà chạy vội vào trong sân. “Cụ Giang đây rồi! Nhanh lên vào với cụ ấy may còn kịp”. Trông thấy bà Giang, ông Tờ vội nói. Bà Giang líu ríu đôi chân lại bên giường lão Trác. Cu Tèo bám theo sau. Trên giường, lão Trác nằm bất động. Gương mặt lão tái nhợt. Đôi mắt lão nhắm nghiền.
“Anh Trác ơi! Em đây! Em là Giang đến với anh đây! Tỉnh lại đi anh”. Bà Giang nghẹn ngào nói, khẽ đặt tay lên ngực lão Trác. Bàn tay lão hơi nhúc nhích. Lão từ từ mở mắt. Hình như lão cố vận nốt chút sức lực còn lại của mình để nhìn bà Giang lần cuối. Hai giọt lệ lão ứa ra nơi khóe mắt. Rồi lão thõng tay thả lỏng trong tay bà Giang, thở hắt ra rồi nhắm nghiền đôi mắt lại. “Cụ ấy đi rồi!”. Ông Tờ nói và buông tiếng thở dài. Bà Giang nức nở, gục đầu trên ngực lão. Thằng Tèo cũng mếu máo sụt sịt theo bà.
Lúc khâm liệm cho lão, ông Tờ và mọi người không khỏi sững sờ. Bộ phận thầm kín nhất của lão chỉ còn đúng một mẩu con con đủ cho việc tiểu tiện. Hậu quả của trận đánh Điện Biên năm xưa đây ư? Thương binh của lão Trác chính là chỗ này ư? Phải chăng, đó là lý do để lão “phản bội tình yêu” của bà Giang? Thế mà cả đời lão chịu mang tiếng “tằng tịu” với bà! Lại thêm món nợ nữa của bà Giang với lão Trác. Bây giờ thì lão đã thảnh thơi nằm đây.
Ngoài kia, trăng cuối thu vằng vặc sáng. Bóng tượng đài Chiến thắng sông Lô sừng sững in thẫm giữa trời đêm. Dưới sông, làng Chài í ới gọi nhau truyền đi tin dữ về lão Trác. Mái chèo khua nước ì oạp. Ngã ba sông mênh mang. Bến thì thầm sóng vỗ. “Dòng… sông… Lô… trôi…”.
Gửi phản hồi
In bài viết