Thầy giáo mỹ thuật Nguyễn Ngọc Điền.
Thầy bảo, dịch Covid -19 đang diễn biến phức tạp, thầy cũng không về quê ở xã Trường Sinh (Sơn Dương) mà cùng vợ con ở luôn trường cho an toàn. Vợ thầy Điền cũng là một giáo viên mỹ thuật, nhiều đêm con ngủ, hai vợ chồng chong đèn thi vẽ đến khuya. Căn phòng nhỏ nhưng nhìn đâu cũng thấy giá vẽ, lọ mầu, bút lông. Những tác phẩm hoàn thành được treo tạm lên tường, còn những bức dở dang vẫn để ở giá.
Ở Tuyên Quang cái tên Nguyễn Ngọc Điền có thể nhiều người chưa biết mấy. Cũng phải bởi Điền đang là họa sỹ trẻ mới nổi. Anh cũng gian nan bước qua các dòng tranh khắc gỗ, lụa, sơn mài để rồi tìm ra sở trường của mình là tranh sơn dầu. Nguyễn Ngọc Điền thích tranh sơn dầu ở cái bền lâu với thời gian, chất liệu dễ đặc tả. Vào hội viên Phân hội Mỹ thuật, Hội Văn học -Nghệ thuật được một thời gian, Điền ghi dấu ấn với tác phẩm “Giấc mộng ngày”, “Chợ” đoạt giải C và giải trẻ của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Từ cuối năm 2019 đến nay dịch bệnh Covid-19 bùng phát, anh Nguyễn Ngọc Điền ít đi điền dã, cắm trại sáng tác. Thay vào đó anh vẽ những điều dung dị xung quanh mình. Từ đó, anh chiêm nghiệm ra một điều biết quan sát, có ý tưởng tốt thì đề tài luôn ở quanh ta. Nhất là nơi anh ở xã Chiêu Yên có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, hàng ngày được tiếp xúc với nhiều học sinh, phụ huynh học sinh, cuộc sống nông thôn miền núi phong phú.
Tác phẩm Em bé bản Lục
Một hôm đang ngồi vẽ ở khu nhà tập thể, Điền thấy mấy em học sinh chạy đến nói: Chúng em bắt được bốn con chim non bị lạc mẹ thầy ạ. Nhìn bốn con chin non dễ thương trong lòng bàn tay của học sinh, Điền bảo, mấy con chim đẹp quá, các em nên thả để chúng tìm được mẹ. Ánh mắt các bạn nhỏ nhìn nhau rồi cùng gật đầu. Chính từ ý tưởng này, đêm đó Nguyễn Ngọc Điền phóng tác ra bức tranh sơn dầu khổ 43 x 43 cm có tiêu đề “Những chú chim lạc mẹ”. Ai đã xem bức tranh này thấy độ lạ, độc đáo của nó. Một bức tranh thể hiện mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Việc ứng xử với thiên nhiên sao cho đúng là thông điệp của tác giả.
Mới đây Nguyễn Ngọc Điền cho ra lò tác phẩm sơn dầu “Mùa nhót chín” khổ
50 x 75 cm. Tác giả quan sát rất kỹ chùm nhót chín đỏ, xen những lá màu xanh rủ xuống bên bức tường màu rêu vàng. Trọng tâm bức tranh nổi bật với hai chú chim chích, như đôi uyên ương của mùa xuân khoe sắc. Bức tranh tả thật, toát lên sức sống bên khung cửa sổ thật đẹp, lãng mạn. Có lần Nguyễn Ngọc Điền mua quả bí đỏ, được phụ huynh cho ít hoa bí để nấu canh. Nhìn thấy những quả bí, hoa bí thật đẹp, Điền lấy ra làm mẫu vẽ tranh tĩnh vật trước khi chế biến chúng. Bức tranh hoàn thành được người xem đánh giá cao sự sắc nét, hình khối, mảng màu tươi tắn, bố cục hài hòa.
Tác phẩm Những chú chim lạc mẹ.
Ở trường học là điều kiện tốt cho Nguyễn Ngọc Điền vẽ mảng tranh học sinh vùng cao, mẫu vẽ khá đa dạng, vẻ mặt hồn nhiên, trong sáng. Một số bức tranh đặc tả chân dung học sinh Điền vẽ khá thành công, trong đó tiêu biểu có tác phẩm “Những ngày bình yên”. Anh tập trung vẽ nhấn mạnh vào đôi mắt, mái tóc, nụ cười, đôi bàn tay cầm sách vở, cặp của học sinh. Một đề tài tranh nữa mà Điền hay theo đuổi đó là vẽ về con người, sắc phục của đồng bào dân tộc thiểu số. Như hình ảnh người phụ nữ Mông địu con, người Dao dệt vải thổ cẩm, hay người Tày chơi đàn Tính, các em học sinh trong trang phục dân tộc của mình. Tác phẩm “Em bé trên bản Lục” Nguyễn Ngọc Điền vẽ một em bé người Dao đỏ với mong muốn bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Màn đêm buông xuống, cả khu vực vùng sâu chìm trong giấc ngủ, Nguyễn Ngọc Điền vẫn ngồi bên giá vẽ say sưa thể hiện ý tưởng của mình. Anh liên hệ trao đổi bạn bè, đồng nghiệp trong “mùa dịch” với thế giới bên ngoài qua mạng xã hội facebook. Nhiều bức ảnh tốt thông qua những trang trưng bày và đấu giá tác phẩm nghệ thuật được nhiều nhà sưu tập để ý, hỏi mua. Điền cũng bán được một số bức theo dạng này. Đây là môi trường để tranh của anh được giao lưu, định giá, thúc đẩy quá trình sáng tác.
Tác phẩm tranh sơn dầu Tĩnh vật.
Trong thời gian giãn cách vì dịch covid, Nguyễn Ngọc Điền “nhốt mình” để vẽ tranh và thu được kết quả khá bất ngờ. Anh bảo nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, năm 2022 anh sẽ phối hợp với một số tác giả mỹ thuật trẻ của Tuyên Quang mở chung một triển lãm ảnh. Hy vọng qua triển lãm, công chúng sẽ đánh giá, có cái nhìn toàn diện hơn về các dòng tranh của các tác giả.
Gửi phản hồi
In bài viết