Người hào phóng

- Hoành là người hào phóng. Hơn bốn mươi tuổi, một vợ, hai con, nếp tẻ đủ cả. Nhà 4 tầng giữa trung tâm thành phố. Vợ 1 xe, chồng 1 xe, tất nhiên là ô tô, chứ xe máy, giờ kể ra, người ta dễ bảo: “Ông đếm cả khoai lang mà làm gì.”. Sơ bộ thế để có thể kết luận: Hoành thuộc hệ có tiền.

Vợ Hoành mở cái đại lý tại nhà, kiếm tiền tỷ cũng từ việc nhặt từng đồng lẻ. Thị chăm chỉ, cần mẫn, không chịu bỏ sót bất cứ cái gì. Đương cơm trưa, thị sẵn sàng bỏ bát đứng dậy lục lọi bán cho ông khách vãng lai bịch bông ngoáy tai, gói bim bim, thậm chí cả điếu thuốc lá lẻ. Chả nói thì cũng biết, lợi nhuận của những món đồ ấy nhiều khi nó xen ngang vào bữa cơm xem ra chưa phải phép cho lắm. Ấy thế nhưng thị vẫn cứ tươi như hoa. Chả nói thì cũng biết là đông khách.

Hoành thì khác, khác một trời một vực. Người đời vẫn bảo, tính nết vợ chồng là cứ phải không giống nhau nó mới bền. Trường hợp này thì có lý. Tiếng là vợ chồng Hoành buôn bán tại nhà, nhưng đừng hòng thấy Hoành động tay động chân vào cái việc bán hàng. Vợ Hoành mở lời cằn nhằn, y bảo: “Đàn ông nên làm những việc của đàn ông”. Việc đàn ông của Hoành thì cũng khá bận rộn, bao gồm cả cái việc ăn sáng, uống cà phê và một cữ bia chiều, đều như vắt chanh, rất… nhã.

Minh họa: Hồng Kiều.

Hoành ít khi chịu ăn sáng một mình, nói như y thì ăn một mình nó cứ như ăn vụng. Phải có bạn, rồi thì còn đưa cay chén rượu thì cả ngày tinh thần nó mới hào sảng. Giờ mới nói đến cái sự hào phóng của Hoành. Rủ mấy ông bạn đi ăn sáng, Hoành luôn giành lấy phần trả tiền, cà phê và bia buổi chiều thường cũng vậy. Mấy ông bạn của Hoành như đã quá quen nên cứ mặc định cái việc trả tiền của Hoành là việc tất nhiên phải thế. Chỉ có điều chắc chắn rằng cái máu tự ái nó cũng sẽ dập dềnh khi cứ hễ trả tiền là Hoành mở cái câu: “Bọn này làm gì có tiền”. Ấy là cái câu cuối bữa. Còn trong bữa sáng, cà phê hay bữa bia chiều, người xung quanh không còn lạ gì câu chuyện của Hoành, đại thể: “Hôm qua vừa tài trợ cho nhà kia hai trăm, khổ, sinh nhật con mà chả có nổi cái bánh ga tô, nó làm gì có tiền. Hôm kia vừa rủ đám văn nghệ sỹ đi thịt chó, một mâm sáu trăm, tôi tài trợ hết, khổ, bọn nó làm gì có tiền”… v.v và v.v. Cứ đùa đùa, thật thật thế, ai nghe thì nghe, không nghe thì bỏ đấy.

Câu chuyện của Hoành nó cứ lặp đi lặp lại, cũng chỉ từng ấy nội dung. Với Hoành, cái sự tài trợ kia mà không nói được ra, có cảm giác như có khúc xương nó mắc trong cổ. Nghe mãi thành quen, quen rồi thì thành nhàm. Một lần, có ông bạn cùng mâm thủng thẳng:

Ông có vẻ thích nói đến tiền.

Thì sao, tôi là người có tiền - Hoành trả lời, vẫn cái giọng nửa đùa nửa thật.

Ông có vẻ thích tài trợ. - Ông bạn kia tiếp.

Thì sao, tôi là người hào phóng.

Ông đừng nói ra, thì cái sự hào phóng của ông nó có đi đằng nào mất đâu mà phải sợ. Lần sau, trong bữa rượu, hễ ông nói đến tiền, thì cứ một trăm ngàn mời ông tự uống một chén rượu.

Sau bữa rượu ấy, không thấy cái ông bạn phát biểu hôm nọ đi cùng. Còn cái sự tài trợ của Hoành cũng giảm đi đáng kể. Thực tế thì cái sự giảm đáng kể ấy nó cũng không kéo dài, bởi Hoành vốn là người có tiền và hào phóng.

Cho đến một lần, nhằm cữ Trung thu, tức rằm tháng tám. Tổ dân phố của Hoành tổ chức làm cái xe mô hình cho các cháu nó chơi, phần cũng để tham gia thi thố với các tổ dân phố khác nhân dịp lễ hội. Các khoản đóng góp được bổ đều từng hộ. Hoành là người có tiền, đương nhiên không chịu cái mức đánh đồng mà ông tổ trưởng đề nghị. Hoành tài trợ hẳn 3 triệu đồng. Ông tổ trưởng vẻ cảm động ra mặt, nói: “Thay mặt các cháu thiếu nhi…”, Hoành cắt ngang: “Thôi, tôi là người hào phóng”.

Ngay hôm sau, cái câu chuyện tài trợ 3 triệu cho tổ dân phố của Hoành nó râm ran suốt từ bát phở sáng cho đến cốc bia chiều. Hoành hào hứng: “Tôi tài trợ hẳn 3 triệu, gặp tôi, các cháu cứ gọi là xếp hàng khoanh tay chào. Đứa nào không chào, cho xuống xe. Tôi là người có tiền”. Mấy ông bạn dường như đã quá nhàm, chả ai buồn bắt chuyện. Mấy cái đầu lạ hoắc bàn bên thì khẽ lắc lắc, chắc bị mấy cái mạng nhện rơi xuống từ trên trần nhà.

Trước hôm tổng duyệt mô hình đèn trung thu một ngày, ông tổ trưởng tổ dân phố đến nhà Hoành, trịnh trọng đưa lại cái phong bì 3 triệu, vẻ mặt vẫn xúc động: “Thay mặt các cháu, cảm ơn chú. Hôm nọ họp tổ, cô chú về quê. Mai nhớ cho hai cháu theo xe mô hình, Trẻ con mà chú, tương lai đấy.”.

Lần đầu tiên, vợ Hoành thấy y ngồi im, vẻ mặt đầy nghĩ ngợi, chứ không hào sảng như một người hào phóng, giống mọi khi.

Truyện ngắn: Đinh Công Thủy

Tin cùng chuyên mục