Danh vọng hão chẳng còn chi nữa
Ôm con như mò được ngọc rồi
Cần gì sáng tận đâu giời bể
Làm ngọn đèn sáng chỗ con chơi...
Thi Hoàng
Hải và Thái là hai người bạn thân, tuy học cùng lớp nhưng mỗi người ở mỗi làng. Hải làng trên Thái làng dưới, mỗi khi đi học Hải thường đi qua nhà Thái, hai anh em lại gọi nhau cùng đi học. Vừa học xong cấp ba trường huyện, cả hai đều xung phong nhập ngũ. Ngày ấy cả bọn con trai học xong phổ thông đều đến sân đình làng, đầu tiên là xếp thành hàng dọc, các chú tuyển quân nhìn qua một lượt, thằng nào thấp bé là các chú cho về. Nhưng Hải, Thái và lũ bạn ngày ấy đã ma lanh đáo để, chúng xếp hàng thật dầy và kiễng chân lên cho cao, sau đó chúng còn đút gạch sau lưng cho đủ cân. Thế là hơn hai chục thằng cùng lớp đều trúng tuyển nhập ngũ một ngày, trời xui đất khiến thế nào mà Hải và Thái lại được biên chế vào một đơn vị bộ binh. Luyện quân chưa tròn hai tháng rồi cả hai vào chiến trường Quảng Đà, đánh trận liên miên, sau trận đánh ở cao điểm 72 Hải bị thương nặng chuyển ra trạm quân y điều trị, lúc ấy hai người mới xa nhau. Đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng cả hai mới từ chiến trường trở về. Hải về một mình, còn Thái đã kịp kiếm cho mình một cô vợ vốn là một chiến sỹ thông tin cùng đơn vị với Thái.
Về quê, cả hai đều lăn lưng vào công việc khôi phục kinh tế, hai người vẫn dành thời gian thăm nhau ôn lại những ngày còn trẻ đi học và những ngày ở chiến trường ác liệt. Thời gian thấm thoắt trôi đi, Hải cũng đã có nơi có chốn, một cô vợ xinh xắn cùng làng. Nhưng thật buồn cho họ, Hải không may bị nhiễm chất độc màu da cam nên vợ chồng Hải phải chịu một thiệt thòi quá lớn trong cuộc đời là vợ Hải không thể sinh con. Tuy buồn như vậy nhưng hai người sống với nhau thật hạnh phúc. Thái may mắn hơn Hải, vợ Thái đã mang thai. Cả hai người mừng rơi nước mắt chờ ngày vợ Thái mẹ tròn con vuông. Ngày vợ Thái lên bệnh viện sinh con, hai vợ chồng Hải cũng lỉnh kỉnh các thứ, họ hồi hộp như chính mình chuẩn bị đón đứa con sắp chào đời.
Bệnh viện huyện người chen người, đông quá xá, giường nằm chen nhau hai ba người chờ đẻ. Vợ Thái lên đây mấy hôm đầu sức khỏe xem chừng ổn cả. Nhưng những cơn đau đẻ vật vã, kèm theo vết thương cũ tái phát, hơn nữa chị lại bị bệnh tim nặng, người chị cứ lả dần đi trong tay chồng, trong tay vợ chồng Hải, biết mình khó qua khỏi cơn bệnh nguy kịch này, chị phều phào bảo với chồng:
- Em có mệnh hệ gì, thì cố cứu lấy con anh nhé !
Đôi mắt chị ngấn lệ, chị cầm lấy tay vợ Hải :
- Chị Ngân ơi! nếu em không sống được trên cõi đời này, thì chị hãy thay em nuôi cháu hộ vợ chồng em nhé! Vợ chồng chị coi nó như con đẻ của mình, được như vậy thì em có nhắm mắt xuôi tay cũng an lòng!
Vợ Hải cầm chặt tay chị Hồng:
- Không sao đâu! Rồi chị sẽ mẹ tròn con vuông thôi mà, cố lên nào!
Bỗng có tiếng oe oe bật khóc của đứa trẻ, các cô y tá, hộ lý, bác sỹ xúm lại, họ đồng thanh reo lên:
Con gái, con gái chào đời rồi! Mẹ cháu vui lên chứ!
Chị Hồng chỉ nghe được có mấy tiếng như vậy, rồi chị lịm dần đi trên tay Thái, Thái giật giọng kêu to:
Em ơi! Con ra đời rồi! Sao em lại bỏ bố con anh mà ra đi!
Rồi Thái bật khóc hu hu như một đứa trẻ. Cả gian phòng lặng đi, ai ai cũng quay mặt đi lấy khăn lau nước mắt của mình, họ sụt sùi thương cảm vì sự ra đi đột ngột của chị Hồng người nữ thương binh dũng cảm năm nào trên chiến trường chống Mỹ.
Mấy tuần nay, Thái thường ngồi như hóa đá trước cửa nhà. Nhìn đứa con đỏ hỏn, anh chẳng biết chăm sóc nó ra sao, may mà có chị Ngân vợ Hải chăm bẵm nó. Hình như nó biết thân biết phận là mẹ nó mất nên nó ngoan không hề quấy khóc. Hằng đêm, Thái không ngủ, suy đi tính lại lời nói của vợ trước lúc lâm chung, thương mình bao nhiêu Thái lại thương hoàn cảnh vợ chồng bạn bấy nhiêu, trong lòng Thái trào lên một quyết tâm, anh nói với vợ chồng Hải:
Vợ tôi không may mất sớm, tôi cảnh gà trống nuôi con thật khó khăn, trước khi mất cô ấy dặn là nhờ anh chị nuôi giùm cháu hộ vợ chồng tôi. Nay tôi nghĩ kỹ rồi, tôi xin tặng báu vật của tôi cho vợ chồng anh chị nuôi dưỡng dạy dỗ cháu, để dưới suối vàng mẹ cháu cũng mát lòng mát dạ!
Vợ chồng Hải nghe vậy thật sự cảm động với nghĩa tình bạn bè cao quý của vợ chồng Thái. Chị Ngân nước mắt chảy dài:
- Anh và anh Hải là hai người bạn thân từ thuở thiếu thời, con anh cũng như con chúng tôi. Anh chị tặng báu vật của mình cho chúng tôi, chúng tôi xin nhận và cảm tạ anh chị. Chúng tôi xin hứa với anh và vong linh chị Hồng là dù khó khăn gian khổ thế nào đi chăng nữa, cũng phải nuôi cháu Nga thành người!
Thời gian thấm thoắt trôi qua, Nga bây giờ đã trở thành một giảng viên của trường đại học danh tiếng trong tỉnh. Thái cũng đi bước nữa với một cô gái cùng làng, cũng đã con đàn cháu đống. Vợ chồng anh Hải ngày nào bây giờ cũng đã lên ông bà ngoại. Một hôm nhân ngày giỗ chị Hồng, ông Hải bảo với bà Ngân:
Bà nó ạ! Ngày xưa ông Thái và bà Hồng không suy tính thiệt hơn, tặng vợ chồng mình đứa con đứt ruột đẻ ra, mình cũng đã nuôi dạy nó nên người. Bây giờ nó có chồng có con, tôi muốn bàn với bà và ông Thái là cho nó về nhận cha mẹ đẻ của nó, chúng ta giấu kín chuyện này cũng đã lâu là có tội với bà Hồng và có lỗi lớn với con Nga, ý bà thế nào?
Tôi thì thế nào cũng được! Lấy nhau gần bốn mươi năm rồi mà ông không hiểu tính tôi hay sao?
Tôi chỉ sợ bà buồn! Tình cảm của cái Nga bị chia sẻ!
Không sao đâu ông ạ! Con mình nó đã lớn, lại là người có học, nó thấu hiểu và cảm thông cho hoàn cảnh của hai gia đình chúng ta mà!
Làng Nội của ông Thái đây rồi, cây đa đầu làng vẫn trùm bóng mát xuống mấy cái quán uống nước nho nhỏ. Cánh đồng lúa trải rộng trên nền trời cao xanh. Nhà ông Thái hôm nay đông vui, cả họ hàng ai ai cũng diện những bộ quần cánh thật đẹp, nở những nụ cười thật tươi. Trên ban thờ trước di ảnh bà Hồng khói hương tỏa ra một mùi thơm ngan ngát. Vợ chồng, con cháu Nga, vợ chồng ông Hải, vợ chồng, con cháu ông Thái vái lạy trước ban thờ, ông Hải cất tiếng:
Chị Hồng ơi! Cháu Nga con chị nay đã trưởng thành, tôi cho cháu về nhận cha, mẹ đẻ nó đây! Dưới suối vàng chị cho vợ chồng tôi tạ lỗi với chị! Chị bỏ qua cho vợ chồng tôi nhé!
Ông quay sang cầm tay Nga, đặt vào bàn tay ông Thái, ông nói trong nước mắt:
Nga ơi! Đây mới chính là cha đẻ của con! Do thương cha mẹ, nên cha con đã tặng báu vật yêu quý nhất trên đời cho cha và mẹ nuôi con từ khi con còn bé, mong con thông cảm cho cha mẹ của con và cha mẹ nuôi con nhé, cũng chỉ vì chiến tranh mà con!
Nga òa khóc, vòng cánh tay ôm cha ôm mẹ mình vào lòng. Nga thấy mình thật sung sướng và hạnh phúc hơn ai hết bởi vì cô có những người cha, người mẹ có một tấm lòng cao cả và thánh thiện hơn ai hết.
Ngoài sân nắng đã dịu mát, tiếng chim chuyền cành hót vang báo hiệu cho sự yên ắng, trong lành của làng quê yên bình. Mùi khói hương thơm ngan ngát bay từ nhà này qua nhà khác, bởi cả làng Nội đang làm giỗ cho những người con liệt sỹ của họ đã hy sinh trong cuộc chiến đấu vĩ đại của dân tộc. Chiến tranh đã qua đi, nhường chỗ cho những hạnh phúc lớn lao của cả dân tộc đang tới.
Gửi phản hồi
In bài viết