Bằng giọng văn nửa hài hước, châm biếm, nửa bi thương, trần trụi, Đinh Công Diệp đã vẽ ra cuộc sống của những người Mông vùng cao Hà Giang những năm đầu đổi mới. Nhóm nhân vật trong tiểu thuyết chia làm 2 tuyến rõ rệt. Một bên là Xúa Lử, Nhụa Đê, dẫu nghèo nhưng tình cảm, cận kề nhau lúc no lúc đói. Một bên là những kẻ theo chân Cư Vần, như Vàng Cáo, Xịa Chá… luôn ủ sẵn mưu trong đầu, lấy xu nịnh, lọc lừa làm lẽ sống qua ngày.
Những người đàn ông như Xúa Lử, Cư Vần, Xịa Chá hay cha Thào Lềnh… vốn là những người trai Mông khỏe mạnh, yêu lao động, yêu vợ con, nhưng cơn lốc “cơm đen” (thuốc phiện) quét qua, khiến kẻ phải đổi bằng mạng sống, người sống mà cũng như chết đi rồi khi sức cùng lực kiệt, ruộng nương, trâu bò lần lượt “đội nón ra đi”.
Cơm đen cũng là nguyên nhân mở ra câu chuyện tình đẹp mà trắc trở của Xúa Ly và Thào Lềnh. Xúa Ly, con gái của Xúa Lử, cô thiếu nữ mới qua 16 mùa trăng, được ướp trong hương quế từ những ngày lọt lòng. Xinh đẹp, tháo vát, chăm chỉ lao động, Xúa Ly là niềm mơ ước của hầu hết những chàng trai Mông quanh vùng, trong đó có Thào Lềnh, và cả người đáng tuổi cha chú như Cư Vần. Cư Vần vốn đã có 3 người vợ, nhưng vì muốn sang với cả vùng, vẫn muốn có thêm Xúa Ly làm vợ bé. Nhờ có túi bạc Nhụa Đê nhặt được ở nghĩa địa, mà món nợ giữa gia đình Xúa Ly và Cư Vần được xóa. Chuyện tình của đôi trẻ cũng nhờ thế mà không rơi vào bi kịch.
Đọc Rừng có tiếng người, độc giả cảm nhận được phần nào văn hóa của người Mông. Từ những phiên chợ độc đáo, đậm bản sắc vùng cao, đến cách đối nhân xử thế trong cộng đồng khi vợ một lòng một dạ tôn thờ chồng, hay cách người Mông đánh giá một người “làm cắp” (ăn trộm, ăn cắp)... Và như cái lý của người Mông, người sống ác thì trời cũng hành đạo, kết truyện là những lời bán tán về cái chết của Cư Vần khi liên miên đau ốm mà chết; Xịa Chá cũng mắc nạn trong một lần đi đổi ngựa khi bị “con ngựa lếu láo đá vó vào hạ bộ phải đi nhà thương”.
Gửi phản hồi
In bài viết