Sương khói ngàn năm

- Khi tôi sinh ra, tới lúc nhận biết được về mọi thứ thì đã thấy bà nội tôi hầu đồng rồi. Vào những dịp đó, ấy là khi tôi 11, 12 tuổi. Bà thường mặc áo đỏ, múa kiếm múa cờ hầu Thánh ở đền Kiếp Bạc gần nhà tôi, phố chợ Tam Cờ nhộn nhịp. Ông nội tôi làm nghề sửa chữa đồng hồ với biển hiệu “Toàn Thịnh” nổi tiếng một thời. Ngày đó, thị xã còn thưa thớt dân lắm, toàn là dân tứ xứ đa phần ở dưới xuôi lưu tán lên xứ Tuyên để lập nghiệp. Ông bà nội tôi quê gốc ở Ninh Bình, cũng là một trong những người như vậy.

Minh họa: Hồng Kiều

Xứ Tuyên là đất của thần linh, từ ngàn xưa vẫn được biết đến gồm có rất nhiều ngôi đền nổi tiếng linh thiêng, nằm dọc đôi bờ sông Lô ở thế “tựa sơn nghênh thủy”. Bà nội tôi bị... bắt đồng từ lúc mới chân ướt chân ráo lên mảnh đất này. Bà đẹp lắm, mặt trái xoan phúc hậu, răng trắng đều như hạt bắp, dáng người tròn trịa cân đối nên Thánh... chấm những người mình quyền bóng sang. Ông tôi giận lắm, cho là mê tín dị đoan, nên vào những phiên hầu chính tiệc Mẫu Thượng Ngàn bên núi Dùm sương khói. Bà tôi thường phải trốn ông tôi để đi hầu, dắt tôi run lập cập xuống bến thuyền để sang sông, bởi thời đó còn chưa có cây cầu Nông Tiến vững chãi như bây giờ. 

Tôi say mê thả hồn mình theo những cung đàn nhịp phách với những lời hát văn sâu lắng mượt mà trong mỗi canh hầu “trốn chui trốn lủi’’ như thế. Những vấn hầu ngày xưa chả có gì to tát ngoài mấy phẩm oản, gói bánh quế, phong kẹo lạc nhưng sao rất đỗi ấn tượng và khó có thể phai mờ, hay chính sự giản dị không phô trương tốn kém đã làm nên cái gọi là lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Bà tôi khoan thai ngồi trên sập công đồng bên hương nến lung linh với bốn người hầu cận. Các nghệ nhân hát văn già cả ngồi ở chiếu đỏ bên dưới, người cầm đàn, người cầm phách, gõ trống, kéo nhị... Lần lượt đưa bà tôi vào cõi thực thực hư hư mà chỉ những người... trong cuộc mới hiểu nổi. Qua các giá hầu cô Bơ thì chèo đò, cô Chín thì múa quạt... Hát rằng: Cô về cầm lấy mái chèo, chèo từ Xã Tắc chèo sang Tam Cờ. Chèo từ Ghềnh Quýt, Pha Lô. Chèo vào đền Cấm chèo về Ỷ La...

Vào những buổi như thế sông Lô nhiều sương khói lắm, có vừa nghe hát vừa nhìn về phía dòng sông, thấy rõ từng chiếc bè nứa bồng bềnh trong mây khói, như thể trong đó có cả thuyền cô Bơ chèo về đậu ở dưới bến rồi áo trắng thướt tha đi lên đền. Bà thường bảo hầu các giá quan lớn múa đao múa kiếm phải uy nghi lẫm liệt, hàng chầu chúa phải dịu dàng nết na, cô Bé thì nhí nhảnh vui tươi, các Hoàng thì ăn chơi phóng khoáng... Tôi chả hiểu gì cả, chỉ thấy mắt bà ngời lên những niềm phấn khích, vui sướng khi được hóa thân vào những nhân vật đó, gửi gắm vào đó bao tia hy vọng về một thế giới nhân sinh quan, mà ở đó tiền bạc đã không bao giờ còn là một vấn đề quan trọng với một đời người. 

Bà tôi nghèo nhưng sang vì khăn áo hầu, những ông Thánh bà Chúa bà tôi hóa thân vào thường mặc trên người những bộ trang phục lộng lẫy, với trâm cài lược dắt, nhẫn ngọc lồng tay, yếm đào kiềng bạc. Tôi luôn thấy bà tôi giầu có và đem lòng ngưỡng mộ, đi vào trong những giấc mơ của tôi là một tương lai tươi sáng, tưởng như bà tôi sẽ là người ban phát cho tôi thứ của cải vô hình mà không bao giờ sờ nắn được. 

Ông tôi lấy bà hai vốn là một vú em trong nhà, tiền bạc của cải những thứ nắm bắt được một tay bà hai dần dần quản lý. Bà tôi như coi chuyện đó là chuyện bình thường, bà chả ghen chả tức. Lúc nào cũng dịu dàng “bóng Thánh” nhân từ và độ lượng ngay cả khi bà hai ngày càng lấn lướt và thâu tóm mọi thứ. Bà tôi quyết định ra ở riêng, tại một căn nhà ngói ba gian ở phố dưới, nhường lại căn nhà gạch ở phố trên với người chồng giầu có làm ra tiền cho người vú em xinh đẹp và tính tình sắc sảo. Dạo ấy nghề sửa chữa buôn bán đồng hồ rất phát đạt nên ông tôi làm ra rất nhiều tiền. Các con của bà hai nhà nào cũng được bà hai cho vốn làm ăn nên vô cùng khấm khá. Chỉ có các con của bà tôi trong đó có bố tôi là nghèo, nhưng vẫn được ăn học tới nơi tới chốn.

Tôi lớn lên, vào đại học được hơn một năm thì bà tôi mất. Tôi trở về chịu tang cũng vào một ngày sông Lô có nhiều sương khói, phủ kín cái thành cổ giữa thành phố mấy trăm năm sừng sững. Mẹ tôi rơm rớm nước mắt đưa cho tôi một gói vải bảo trước lúc mất bà dặn phải trao lại cho tôi. Sau lễ cúng ba ngày cho bà tôi, chiều ấy, tôi đi ra sông tay cầm gói vải, từ từ mở ra trong đó là một chiếc khăn đỏ. Chiếc khăn đặc biệt của riêng các thanh đồng mỗi khi hầu Thánh thường phủ lên đầu cho các giá “ngự về” rồi lại “bay lên”. Bà để lại cho tôi chẳng có vàng bạc châu báu gì, chỉ là một tấm khăn đỏ cho thằng cháu trai mà bà nghĩ nó có căn số để trân truyền.
Tôi tần ngần cầm chiếc khăn đỏ trên tay nước mắt giàn giụa chảy, gió từ dưới sông Lô bỗng ào ào thổi làm chiếc khăn bay phấp phới. Thoáng trong mắt tôi hiện về cái thuở ông tôi còn trói bà tôi ở cột nhà không cho đi hầu đồng, cái thuở bà tôi cắp thúng bánh rán bán vội bán vàng ở chợ Tam Cờ rồi mau chóng theo các chị em háo hức xuống thuyền đi dự tiệc Mẫu Thoải dưới Ba Khuân.

Tôi không biết mình có nối được nghiệp hầu Thánh của bà tôi không? Tôi sẽ diễn lại những điển tích về các anh hùng ra trận đánh giặc giữ nước trên sập công đồng uy nghiêm. Như đức Trần triều Hưng Đạo Đại Vương múa đao dẹp quân Nguyên, như đức Chầu Mười Đồng Mỏ phò vua Lê giết giặc Liễu Thăng bảo vệ bờ cõi...v.­­v Và những người hát văn sẽ hát lên những công trạng điển tích đó cho người dự hầu, xem, nghe để mãi mãi ghi ơn và tưởng nhớ... Tôi không biết tôi có làm được như thế không? Chỉ biết trước mặt tôi là dòng sông Lô bao đời hiền hòa chảy với các ngôi đền linh thiêng ngàn năm bất biến. Để hương nến, để cung đàn nhịp phách còn vang vọng mãi ngàn năm.

Truyện ngắn: Dương Đình Lộc

Tin cùng chuyên mục