Tiếng đàn Then bay mãi

- Ông Pèng vừa ra cài then cổng quay vào đến sân thì nghe tiếng gọi ở ngoài, hai con chó xổ ra sủa inh ỏi. Quái lạ, đêm khuya khoắt thế còn có người đến nhà, không biết có chuyện gì xảy xa.

 - Em chào thầy! Thầy còn cơm nguội cho em xin một bát.

 Một cậu thanh niên mặt mũi trắng trẻo khoác chiếc ba lô to đùng trên vai, một tay xách lỉnh kỉnh túi quà, tay kia xách vỏ bao đựng đàn Tính.

 - Ờ, em vào trong này.

Ông Pèng đáp lời và cố lục trong trí nhớ của mình xem người này là ai. Khi đã yên vị trên sàn nhà, cậu ta bỏ đồ đạc xuống, quay ra cầm lấy tay ông:

- Thầy còn nhớ con không? Thằng Phao còi ở Phja Kim đây. Đến nhà thầy là xin bát cơm nguội với miếng đường phên ấy.

 - À, à, thầy nhớ rồi!

-  Ông Pèng cười vang cả nhà.

- Thầy nghe nói em đi diễn tận nước ngoài kia mà. Bận thế sao hôm nay lạc chân lên núi thế? Vào đây, cô đi về thành phố chăm cháu nội cho hai vợ chồng đi du lịch cùng cơ quan. Nhà có mỗi mình nên nhìn đâu cũng thênh thang lắm.

- Em nhớ cơm thầy nấu ạ. Thầy cho em xin bát cơm đỡ đói.


Minh họa: Hồng Kiều

Nói rồi Phao đi xuống bếp thật. Cá kho còn để trong nồi, cơm ủ điện vẫn âm ấm. Cậu ăn ngon lành. Ông Pèng nhớ lại ngày mới về chủ nhiệm lớp sáu ở Nà Bân. Hồi bản Tày còn có mùa giáp hạt. Người già sợ nghe tiếng ve kêu, chim tu hú gọi bầy. Hạt thóc hiếm nhà kịp bắc đến mùa sau. Trường mở cuộc thi Tiếng hát chim sơn ca. Đội văn nghệ có năm em. Thầy Pèng mượn được ba cây đàn Tính. Phao không biết đánh, nhưng hát được Then và cả Sli, Lượn. Mặt mũi đen nhẻm, đôi mắt sáng. Thầy Pèng đi dạy xa nhà hơn hai mươi cây số nên ở luôn tại trường. Căn phòng ở khu tập thể ngăn nắp, toàn sách là sách. Phao và các bạn trong đội văn nghệ thường sang đó tập sau bốn tiết học. Buổi chiều tổng duyệt chuẩn bị trước ngày thi, Phao đến sớm hơn cả. Cậu đứng tựa cửa nhìn thầy Pèng đang chỉnh lại dây đàn. Ngón tay thầy đo đếm độ căng. Ánh mắt say mê của thầy nhanh chóng chuyển sang cậu học trò nhỏ:

- Sao em đứng đó. Vào đây, các bạn sẽ đến ngay thôi. Phao rụt rè tiến vào và bảo:

- Thầy ơi, thầy còn cơm nguội không? Cho em xin một bát.

- Em chưa ăn cơm sao?

Phao gật đầu.

- Vậy, em đi theo thầy.

Thầy Pèng dắt Phao xuống khu bếp ăn. Nồi cơm trên giá đỡ vẫn còn. Nhưng thức ăn thì hết. Thầy nói:

 - Để thầy đi kiếm cho em quả trứng nhé.

Phao rối rít:

- Thầy ơi, không cần đâu ạ. Cho em xin miếng đường trên kia là được rồi.

Nhìn thằng bé ăn ngon lành, thầy Pèng thấy xót xa. Nhà Phao đông chị em, mẹ mất sớm, một mình bố đi cày thuê vác gỗ quanh năm kiếm từng đồng đong gạo. Thằng bé là anh cả, từ tối hôm qua đến giờ mới được ăn nửa quả ngô nướng. Ba bát cơm nguội sạch nhẵn. Phao bước ra khi các bạn cũng vừa đến tập. Mọi người say sưa hát, hai bạn biết đàn thì đánh đệm. “Trường của em trên núi cao cao. Tiếng đàn Then ngọt ngào biết mấy. Ơn thầy cô chỉ dạy bao điều. Cho em biết thương yêu đất nước”. Nhìn Phao và các bạn hát say sưa, thầy Pèng thấy trong lòng vui sướng. Tiếng đàn cất lên ở mái trường sau những tiết học toán, học văn, từng lời Tày người già để lại được các em tiếp nhận. Nhất là Phao, em để ý từng nốt gảy, cách luyến láy nhả câu rất nghiêm túc. Trước khi về, Phao đến bên thầy Pèng bảo:

- Thầy ơi, em muốn học đàn. Thầy có thể dạy cho em được không? Rồi giọng em chùng xuống:

- Nhưng em không có đàn, thôi thầy ạ.

Nhìn dáng nhỏ nhắn của cậu học trò khuất sau cánh cổng, thầy Pèng rơi nước mắt nhớ tới ngày mình có trong tay cây đàn Tính. Đó là phần quà của bà nội sau khi đã rút hết xâu tiền trong ống nứa giắt trên mái nhà để thưởng cho thằng cháu đỗ đầu trường nội trú huyện. Cây đàn ấy đã theo thầy lên biên giới chiến đấu trong những ngày còn là người lính, cho đến khi đi học Sư phạm, đi làm. Thầy Pèng quyết định cho Phao mượn đàn những hôm nào trống tiết.
Khi các thế hệ lần lượt rời ghế nhà trường, thầy vẫn tiếp tục làm Hiệu phó, cùng Ban Giám hiệu thành lập Câu lạc bộ Then Tính Măng non. Đàn Tính giờ bán nhiều ở khắp các tỉnh miền Bắc, trên mạng cũng có.

 - Em ăn no rồi thưa thầy. Đường vào đây đang làm, em đi lối vòng nên bị lạc. Thầy có còn ngủ muộn như trước không?

- Thầy vẫn thế nhé. Đọc xong vài trang sách mới ngủ ngon. Nhưng phải đeo kính rồi. Thầy khá bất ngờ khi em theo nghề dạy nhạc. Bố em từng than thở rằng nhà không đủ ăn, ông không muốn mấy đứa nó mơ mộng đi hát kiếm tiền được. Ông ấy thật vĩ đại. Ở vậy nuôi các con ai cũng thành tài. Mới vậy mà giờ em đã là thạc sỹ có tiếng....

 - Em chọn dạy nhạc để lúc nào cũng được cất tiếng hát, tiếc là chưa xin về quê mình được. Thỉnh thoảng có đoàn đi hát Then, em cũng đi cùng. Bố thấy em đi đúng đường nên giờ ủng hộ em lắm. Cách đây một tháng, em thấy có bài báo viết về thầy tự bỏ tiền lương ra mua đàn và dạy học sinh nội trú hát then. Hôm nay, em qua gặp thầy là muốn báo cho thầy tin vui. Nhóm Vì tương lai trẻ em vùng cao của chúng em đã vận động quyên góp được hơn sáu mươi triệu đồng để mua đàn tính cho học sinh trong Câu lạc bộ hát then tính Măng non thầy ạ. Ngày mai, các bạn đến nên em tranh thủ về trước thăm thầy.

 - Ôi, thế thì còn gì bằng! Em cho thầy danh sách các nhà hảo tâm, thầy sẽ nhờ nhà trường in bảng để thông báo công khai và cảm ơn họ.

Thầy Pèng rạng rỡ mặt mày. Đây là nỗi lo canh cánh trong lòng suốt mấy tháng nay. Từ ngày Câu lạc bộ hát Then Tính Măng non được thành lập, thầy bận rộn với việc soạn giáo án dạy hát Then, dạy đàn. Tám mươi em mà chỉ có hai mươi cây đàn Tính. Việc học trở nên khó khăn. Thầy Pèng đã nghỉ hưu nhưng vẫn chịu khó đi xe đến trường sau các giờ học để dạy Then cho các em ở nội trú. Bây giờ có đủ đàn Tính, thầy không còn băn khoăn điều gì nữa.

- Có người bảo thầy nên dừng lại việc hát Then đấy Phao ạ. Họ nghĩ rằng để các em học sinh quá say mê đàn hát sẽ lơ là việc học. Với lại, phong trào nào cũng chỉ nổi lên một thời gian sau sẽ chìm lắng thôi. Các trường đào tạo chuyên nghiệp còn chưa dám chắc. Nhưng thầy chỉ hy vọng các em sau này lớn lên, đi làm xa hoặc về với quê hương mình vẫn có thể hát ít nhất một bài Then, Sli hoặc Lượn, nói được tiếng dân tộc của mình.

Được trút hết tâm sự với cậu học trò năm xưa, thầy Pèng cảm thấy nhẹ nhõm. Cầm cây đàn Tính đã nhuốm màu thời gian, thầy đánh và hát bài hát ca ngợi quê hương mình. Hai thầy trò cùng hòa giọng, tiếng cười ấm căn nhà sàn bên suối.

Truyện ngắn: Hoàng Thị Hiền

Tin cùng chuyên mục