Với thâm niên 23 năm làm việc tại Tạp chí Diễn đàn văn nghệ Việt Nam, từ vị trí Thư ký Tòa soạn đến chức vụ Tổng Biên tập, có thời gian theo dõi sâu về hoạt động văn hóa, văn nghệ, nên chủ đích của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thiện có nhiều kiến thức, tư liệu về lĩnh vực này. Khi thực hiện cuốn sách này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thiện có chủ đích là nhằm tổng kết định hướng của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trước đây và thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay. Sách dày 360 trang, do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, gồm 2 phần chính.
Phần thứ nhất “Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam - sự nhất quán và phát triển” (chuyên luận) chiếm gần 180 trang sách. Đây là phần lý luận mang ý nghĩa nền tảng, được trình bày bằng ngôn ngữ hàn lâm, với nhiều nghiên cứu công phu. Tác giả đã thể hiện tư duy thực chứng, tổng hợp, phân tích mạch lạc qua việc trình bày lịch sử đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng từ trước cho đến nay, làm sáng tỏ được giá trị lý luận, thực tiễn, chỉ đạo thực tiễn, định hướng sự phát triển văn hóa, nghệ thuật của Đảng ta. Hệ thống các tư liệu văn bản gốc thuộc đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng đã công bố và hiện diện hơn 70 năm qua được Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thiện trình bày rõ ràng, có tính hệ thống.
Phần thứ hai “Tiểu luận và phê bình”, tập hợp những bài viết, tham luận tại các hội thảo khoa học hay các công trình nghiên cứu đăng trên các báo, tạp chí chuyên ngành về lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. 17 tham luận và bài viết này trình bày rõ ràng được quan điểm, ý kiến chặt chẽ, sắc sảo về tư tưởng văn nghệ của Hồ Chí Minh; vai trò của lý luận - phê bình chuyên nghiệp; đội ngũ viết lý luận phê bình, đấu tranh chống những lệch lạc sai trái về quan điểm văn hóa, văn nghệ; sự quản lý, nâng cao chất lượng chuyên nghiệp của báo chí văn nghệ… Trong các bài viết, tác giả thể hiện rõ sự quan tâm đến việc phát triển đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị về đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ này, nhất là trước những yêu cầu, thách thức của thời đại mới. Các bài viết có dung lượng vừa phải, cô đọng, mang tính ứng dụng đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng vào thực tiễn văn nghệ rõ rệt.
Từ việc nghiên cứu thấu đáo đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, tác giả Nguyễn Ngọc Thiện đã mạnh dạn đưa ra những kiến nghị cụ thể nhằm phát triển văn hóa, văn nghệ nước nhà đúng hướng: “Chú trọng thường xuyên duy trì, nhắc nhở nhau ứng xử văn hóa, tôn trọng bản lĩnh, cá tính nghệ thuật độc đáo của nghệ sĩ, đối thoại, trao đổi dân chủ, tự do trong phê bình vì sự nghiệp xây dựng nền văn hóa, văn nghệ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Khẩn trương giúp đỡ tạo điều kiện cho những người làm công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình của từng chuyên ngành văn hóa, văn nghệ…”.
Ngoài ra, cuốn sách còn cung cấp 44 bức ảnh minh họa, có giá trị tư liệu bổ sung cụ thể cho từng phần nghiên cứu. Mỗi bức được trình bày ở vị trí xác đáng, góp phần làm rõ các luận cứ ở bài viết. Sách được trình bày đẹp cả về màu sắc, phông chữ, các bảng biểu.
Cuốn sách “Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và lý luận, thực tiễn nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Thiện là công trình có giá trị nhiều mặt cả lý luận và thực tiễn cho hoạt động văn hóa, văn nghệ nước nhà. Công trình sáng tạo này đã tổng kết một đời nghiên cứu lý luận của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, thể hiện sự chiêm nghiệm về cuộc đời, con người, về một số khía cạnh của văn hóa, văn nghệ, báo chí văn nghệ mà phải có sự từng trải, tâm huyết mới làm được.
Gửi phản hồi
In bài viết