Đà Nẵng có khoá đầu tiên sinh viên thiết kế vi mạch bán dẫn. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Phát biểu chia sẻ, PGS.TS. Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng Nhà trường, cho biết, 15 học viên khóa đầu tiên đã xuất sắc hoàn thành Khóa đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn Thiết kế vi mạch bán dẫn. Đây là một bước tiến quan trọng, không chỉ đối với các em mà còn đối với VKU.
Với vị thế là trường đại học công lập hàng đầu tại khu vực miền trung-Tây Nguyên và cả nước, VKU tự hào là đơn vị tiên phong tuyển sinh, đào tạo, và tổ chức các khóa bồi dưỡng chuyên sâu về thiết kế vi mạch bán dẫn - một lĩnh vực đầy tiềm năng và chiến lược tại Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng.
Khóa đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn về Thiết kế vi mạch bán dẫn dành cho sinh viên được tuyển sinh từ tháng 1/2024 và chính thức khai giảng vào ngày 23/3/2024 với 15 học viên từ các ngành liên quan như: Công nghệ thông tin, Kỹ thuật máy tính, Kỹ thuật điện tử, Điện tử viễn thông, Điện, Cơ điện tử, và Tự động hóa,…
Khóa bồi dưỡng được thiết kế thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (3 tháng đầu), tập trung vào việc cung cấp lý thuyết và thực hành cơ bản về thiết kế vi mạch.
Giai đoạn 2 (3 tháng sau), trong đó học viên tham gia các dự án thực tế, giúp củng cố kiến thức và kỹ năng thông qua các bài tập và thử thách thực tiễn. Chương trình đào tạo bao gồm 4 module chính: (1) VLSI Design; (2) Basic Digital Design & Hardware Description Language (SystemVerilog/Verilog/VHDL); (3) Thực thi mạch tích hợp số cơ bản; và (4) Thiết kế mạch tương tự cơ bản.
Đặc biệt, khóa học được triển khai trên hệ thống phần mềm có bản quyền của Synopsys, một trong những công ty hàng đầu về giải pháp thiết kế vi mạch, bảo đảm tính chuyên nghiệp và hiệu quả trong quá trình học tập và thực hành của học viên.
Đây là một chương trình đào tạo hoàn chỉnh, mang đến cơ hội tiếp cận công nghệ hiện đại và tiên tiến trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn.
Đặc biệt, sau khi kết thúc khóa học, nhóm sinh viên VKU gồm: Lý Hữu Lộc, Lê Trọng Quyền, Đặng Anh Cường, Lưu Quang Vũ (Khóa 21 - Ngành Công nghệ Kỹ thuật máy tính) và sinh viên Hồ Minh Phi (Khóa 21 - Chuyên ngành IoT Robotics), với sự hướng dẫn từ các Giảng viên Khoa Kỹ thuật máy tính và Điện tử và các chuyên gia từ Viện Công nghệ thông tin (ITI)-Đại học quốc gia Hà Nội đã tích cực tìm hiểu, nghiên cứu đưa ra bản đề xuất ý tưởng Thiết kế IC với đề tài “High-Speed Implementation of Ascon for Image Encryption and Decryption” để tham gia chương trình về Thiết kế vi mạch do Hiệp hội IEEE Circuits and Systems Society (CASS) tổ chức và đã được Hội đồng giám khảo UNIC-CASS 2024 xét duyệt và chấp thuận.
Dự kiến tháng 4/2025 sẽ công bố kết quả sản phẩm Chip thực tế được chế tạo.
Gửi phản hồi
In bài viết