Đặc sắc hai di sản phi vật thể Quốc gia mới được công nhận

- Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông Hoa các huyện Lâm Bình, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang, Yên Sơn và Lễ Đại phan của người Sán Dìu Tuyên Quang vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ Đại phan - hướng con người đến chân - thiện - mỹ

Theo thông tin từ phòng Quản lý di sản văn hóa, lễ Đại phan có tên gọi theo tiếng Sán Dìu là Hí Thai Van. Theo tiếng nói của dân tộc Sán Dìu “Thai Van” có nghĩa là Đại hội lớn nhất để những người muốn trở thành thầy cúng ra trình làng. Đây cũng là nghi lễ thăng chức cao nhất cho thầy cúng trở thành Đại phan (thầy bậc 4). Lễ Đại phan là một nghi thức tôn giáo tín ngưỡng đặc trưng của dân tộc Sán Dìu trên địa bàn các xã: Sơn Nam, Thiện Kế, Ninh Lai của huyện Sơn Dương. Nghi lễ Đại Phan chứa đựng nhiều quan niệm giáo dục, triết lý về nhân sinh quan nhằm hướng con người tới chân - thiện - mỹ và là nét văn hóa độc đáo trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người Sán Dìu được lưu giữ, bảo tồn, phát huy. Lễ được tổ chức vào dịp đầu năm mới để cầu mong cho dân làng được an yên, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt và xua đuổi tà ma.

Nghi lễ Đại Phan của người Sán Dìu Tuyên Quang.

Trong lễ Đại phan, thông qua sách cúng, thầy luôn đọc về lịch sử, cội nguồn, quá trình thiên di của người Sán Dìu, những khó khăn khi vượt sông biển tìm đến vùng đất mới. Từ đó, không chỉ người được thăng cấp mà cả những người tham dự có thể hiểu hơn về lịch sử, cội nguồn, nâng cao ý thức tự giác tộc người, nâng cao ý thức trong việc lưu truyền những câu chuyện cổ của người Sán Dìu, bảo tồn những phong tục, tập quán tốt đẹp, để lịch sử người Sán Dìu được ghi chép, lưu truyền mãi theo thời gian. Thầy cúng Lại Văn Hòa, thôn Nam Hiên, xã Sơn Nam (Sơn Dương) cho biết, khi tiến hành lễ, người ta dựng một cây Phàn chốc (phàn trúc), giố­­ng như cây nêu, nhưng khác với cây nêu là làm bằng tre tươi to và dài suốt ngọn, khi dựng xong nhiều làng cùng nhìn thấy. Trên cây tre làm 12 nấc thang gắn với 12 lưỡi dao sắc tượng trưng cho 12 tầng trời, để thầy cúng bước lên đọc thần chú và làm bùa phép. Tất cả các lưỡi dao gắn vào thân cây đều quay lưỡi lên trên. Trên đỉnh chót của Phàn chốc treo một tấm vải màu đỏ buông dài theo cây tượng trưng cho chiếc cầu nối âm dương, mặt đất và các tầng trời. Mọi người xa gần, làng trên xóm dưới đến dự đều sờ, ôm vào cây Phàn chốc, vì quan niệm sờ vào cây Phàn chốc quanh năm sẽ may mắn, ấm no, đủ đầy.

Sắc màu cuộc sống của người Mông hoa

Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Mông Hoa tỉnh ta đã có từ lâu đời, xuất phát từ nhu cầu che thân, giữ ấm cơ thể và làm đẹp. Những nét đẹp tinh tế từ tín ngưỡng dân gian, lao động sản xuất, thiên nhiên hùng vĩ… người Mông Hoa đã sáng tạo và gửi gắm vào những tấm vải dệt, những bộ trang phục truyền thống của đồng bào mình. Vì vậy, bộ trang phục góp phần nhân lên niềm tin yêu, lạc quan trong cuộc mưu sinh vốn vô cùng vất vả của đồng bào Mông Hoa.

Người Mông thôn Khuổi Trang, xã Xuân Lập (Lâm Bình) trang trí hoa văn lên trang phục bằng sáp ong.

Với bản tính cần mẫn, chịu thương, chịu khó, người phụ nữ Mông Hoa luôn tranh thủ thời gian lúc nông nhàn để se lanh, dệt vải, vẽ hoa văn, khâu may trang phục cho mình và cho người thân trong gia đình. Chị Thào Thị Tồng, thôn Khuổi Trang, xã Xuân Lập (Lâm Bình) cho biết, để hoàn thành một bộ trang phục truyền thống thường mất nhiều thời gian với các kỹ thuật như: Vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải lanh, thêu, chắp ghép hoa văn trên áo, chân váy, trang trí thân váy, áo, cổ áo, tạo nếp sóng váy rồi mới tạo ra thành sản phẩm hoàn thiện.

Người Mông Hoa tự hào về trang phục truyền thống của dân tộc mình và luôn có ý thức gìn giữ, bảo tồn. Mặc dù hàng hóa ngoại lai xâm nhập vào tận thôn bản, giá cả phải chăng, hoa văn màu sắc rực rỡ nhưng rất ít người mua và dùng. Đồng bào vẫn tự làm trang phục mặc thường ngày. Vào các dịp lễ, Tết người Mông nơi đây vẫn tự tạo hoa văn trên trang phục của mình bằng nhiều hình thức khác nhau.   

Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông Hoa các huyện Lâm Bình, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang, Yên Sơn và Lễ Đại phan của người Sán Dìu được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ góp phần gìn giữ, nuôi nấng, gắn kết cộng đồng dân tộc và là cơ sở để sáng tạo những giá trị mới trong giao lưu văn hóa.

Bài, ảnh: Thu Trang

Tin cùng chuyên mục