Lễ hội Nghinh Ông
Lễ hội Nghinh Ông là lễ hội dân gian truyền thống của ngư dân Vũng Tàu, diễn ra từ ngày 15 đến 18 tháng Tám tại Khu di tích đình thần Thắng Tam (phường 2, thành phố Vũng Tàu). Khu di tích này được xây vào năm Canh Thìn (1820), thời nhà Nguyễn, để thờ 3 vị tiên hiền có công khai sáng vùng đất Vũng Tàu. Lễ hội Nghinh Ông là dịp để các ngư dân tri ân cá Ông (cá voi) - vị cứu tinh của các tàu, thuyền gặp nạn trên biển, đồng thời cầu mong trời yên biển lặng, đánh bắt được nhiều tôm cá. Tham dự lễ hội, các ghe, thuyền được trang trí cờ hoa lộng lẫy, khởi hành từ Bãi Trước đến mũi Nghinh Phong để làm lễ thỉnh long vị Ông Nam Hải rồi rước kiệu “nghinh” (đón, rước) Ông về đình thần Thắng Tam. Trong Lễ hội Nghinh Ông còn có nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn như hát bả trạo, hát bội, diễn tuồng ...
Lễ hội miếu Bà Ngũ Hành
Miếu Bà Ngũ Hành (hay miếu Bà) được xây dựng năm 1832, là nơi thờ các vị nữ thần. Lễ hội miếu Bà Ngũ Hành được tổ chức hằng năm từ ngày 16 đến 18 tháng Mười với lễ nghinh Bà ra miếu hòn Bà - bãi Sau rồi về lại miếu Ngũ Hành. Khác với Lễ hội Nghinh Ông, đám rước trong Lễ hội miếu Bà Ngũ Hành không dùng ghe mà đi bộ trên đất liền. Do hòn Bà nằm cách bờ biển 50m nên người ta phải đợi đúng 12 giờ trưa, khi thủy triều xuống mới làm lễ nghinh Bà về miếu. Trong lễ cúng, vị chủ tế sẽ cúng nguyện để Bà nhập vào bà cốt, qua đó, thần sẽ mách bảo những điều cần thiết cho dân làng. Bên cạnh các nghi lễ, trong Lễ hội miếu Bà Ngũ Hành không thể thiếu hát bội với các phần: Lễ trình tuồng, bóng rỗi, múa mâm vàng, mâm bạc dâng Bà.
Lễ hội Trùng Cửu
Lễ hội Trùng Cửu được tổ chức từ ngày 7 đến 9 tháng Chín tại Nhà Lớn (xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu). Đây là lễ hội của tín ngưỡng dân gian thờ ông Trần, người có công lập ấp Bà Trao (nay là xã Long Sơn), xây nhà cho người tạm cư ở tới lập nghiệp, đồng thời là người xây dựng công trình Nhà Lớn - nơi thờ Phật, Tiên, Thánh. Lễ hội được tổ chức vào ngày 9 tháng Chín nên còn có tên là Lễ hội Trùng Cửu. Trong lễ hội này không có nhiều nghi thức, lễ rước linh đình mà chỉ có dòng người thành kính dâng hương, cầu nguyện với các lễ cúng mặn và chay. Lễ Tiên Thường kỉnh mặn vào ngày 8 tháng Chín là lễ cúng các sản vật của bà con. Ngày 9 tháng Chín, người theo đạo ông Trần đều mặc quần áo bà ba đen, tóc búi củ hành, đi chân đất theo phong cách giản dị của ông Trần lúc sinh thời và tiến hành Chánh giỗ kỉnh chay, tức là chỉ cúng đồ chay, dâng hương, cầu nguyện bình an và tưởng nhớ đến ông.
Gửi phản hồi
In bài viết