Các đại biểu, nhân dân, du khách dự lễ hội.
Phó Chủ tịch UBND xã Phù Đồng Nguyễn Văn Tài cho biết, trong truyền thuyết lịch sử Việt Nam, có người mẹ hiện thân trú tại quê hương Phù Đổng. Do cơ trời vận nước, sau một đêm mưa to gió lớn, sáng dậy bà ra thăm vườn cà, đã ướm chân mình vào vết chân khổng lồ, rồi thụ thai và sinh thành ra Gióng, lớn lên trở thành chàng trai có sức khỏe phi thường, có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ vẹn nguyên bờ cõi của đất nước từ thời Vua Hùng Vương thứ sáu...
Ghi nhớ công ơn của đấng sinh thành Thánh Gióng, nhân dân xã Phù Đổng đã lập đền thờ mẹ, đặt tên là đền Hạ - hay còn gọi là đền Mẫu, nằm ở ngoài đê. Đền có tên chữ là “Khánh Quang Điện", tọa lạc trên thế đất cao, có đê đắp xung quanh như rồng thiêng ôm ấp. Đền bao gồm các hạng mục: Nghi môn ba cửa, hai nhà tiền bái, hậu cung.
Biểu diễn múa rồng tại lễ hội.
Qua cổng đền vào sân là hai dãy nhà tả vu, hữu vu, có chuông đồng nặng 600kg và khánh đồng nặng 150kg treo trên giá bằng cột đá, xà đá. Trong đền còn lưu giữ những hiện vật giá trị khác. Đền Hạ là di tích nằm trong Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng.
Vào ngày 21 tháng Hai âm lịch hằng năm, nhân dân xã Phù Đổng và những xã có liên quan đến tích Thánh Gióng, như: Đặng Xá, Lệ Chi, Trung Mầu... tưng bừng mở hội, nhằm gìn giữ, tôn vinh, giáo dục các thế hệ hôm nay và mai sau luôn nhớ về cội nguồn, tưởng nhớ người có công sinh thành vị Anh hùng dân tộc Thánh Gióng “Phù Đổng Thiên Vương”.
Tại lễ hội năm nay, có 23 đoàn rước của các chùa trên địa bàn xã Phù Đổng và các xã Đặng Xá, Lệ Chi, Trung Mầu... Các đoàn rước thực hiện nghi lễ rước Mẫu từ Cố Viên Cổ Trạch về thờ tại đền Hạ. Điểm đặc sắc ở lễ hội Phụng Nghênh là chỉ có phụ nữ mới được tham gia đoàn rước, khiêng kiệu, đánh trống, cầm cờ...
Cũng tại lễ hội còn diễn ra những hoạt động thi đấu cầu lông thiếu niên, các trò chơi dân gian: Làm cơm nắm muối vừng, vẽ tranh Đông Hồ, nặn gốm Bát Tràng, văn nghệ, trưng bày cây bonsai..
Gửi phản hồi
In bài viết