Tham gia thảo luận, đồng chí Ma Thị Thúy, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhất trí cao với chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Đại biểu cho rằng xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam là mong ước từ lâu của cử tri và Nhân dân, dự án sẽ tác động to lớn đến phát triển kinh tế xã hội của cả nước.
Đại biểu Ma Thị Thúy phát biểu thảo luận.
Để dự án phát huy hiệu quả cao nhất, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm đánh giá tác động đến các chỉ tiêu an toàn nợ công khi thực hiện đồng thời các dự án quan trọng quốc gia khác trong giai đoạn 2025-2035; đảm bảo nguồn vốn, hạn chế tình trạng phải điều chỉnh lại chủ trương nhiều lần như một số công trình, dự án quan trọng quốc gia.
Đất sử dụng cho dự án là rất lớn, trong đó đất trồng lúa khoảng 3.655 ha; đất lâm nghiệp khoảng 2.567 ha... Do đó,việc chuyển đổi đất trồng lúa cần được xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo phù hợp với mục tiêu bảo vệ đất lúa, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Đối với chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, cần báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định để bảo đảm tính toàn diện, phù hợp quy định pháp luật của dự án. Đồng thời, bổ sung đánh giá kỹ hơn các tác động sinh học, hệ sinh thái; có phương án trồng rừng thay thế, quan tâm đến sinh kế ổn định cho người dân làm nghề rừng.
Bên cạnh đó, dự án tác động trực tiếp đến khoảng trên 120 nghìn người, do đó cần đánh giá kỹ hơn các tác động về mặt xã hội và văn hóa, đặc biệt là khu vực có đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống bằng nông nghiệp, lâm nghiệp, cần tạo việc làm, chuyển đổi nghề, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc; quan tâm đến hộ gia đình người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo trong thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Về các chính sách đặc thù, đặc biệt được đề xuất áp dụng cho dự án, đại biểu Ma Thị Thúy nhấn mạnh, đường sắt tốc độ cao là một dự án trọng điểm, chiến lược, với việc quy định cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để triển khai dự án là phù hợp. Tuy nhiên, chính sách khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án có quy định tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phục vụ dự án không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác, không phải lập dự án đầu tư khai thác khoảng sản và không phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Điều đó có thể dẫn đến việc lợi dụng khai thác, tập kết vật liệu cho mục đích khác, ảnh hưởng đến công tác quy hoạch và quản lý tài nguyên khoáng sản của địa phương… Ngoài ra, dự án giao hướng dẫn mà không có các tiêu chí, quy trình cụ thể về phương pháp đánh giá, nội dung đánh giá và cách thức kiểm tra, giám sát có thể dẫn đến tình trạng không thống nhất trong tổ chức thực hiện tại mỗi địa phương.
Đại biểu Lò Thị Việt Hà thảo luận.
Tham gia thảo luận, đại biểu Lò Thị Việt Hà đồng tình nhất trí cao với hồ sơ, cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn của chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc trục Bắc – Nam. Việc xây dựng đường sắt cao tốc trục Bắc – Nam là hết sức cần thiết. Để hoàn thiện chủ trương đầu tư, đại biểu đề nghị đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá và bổ sung phương án sử dụng lao động tại các địa phương để gắn bó, bảo vệ công trình và phục vụ cho dự án khi hoàn thành và vận hành.
Bên cạnh đó, việc thực hiện dự án cũng có nguy cơ phát sinh các tác động tiêu cực tới cộng đồng dân cư như việc chuyển đổi đất nông nghiệp, đất thổ cư và chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân bị thu hồi đất sản xuất. Vì vậy cần có phương án chính sách hỗ trợ chuyển dịch việc làm đối với người lao động ở khu vực nông thôn bị giải phóng mặt bằng, chính sách việc làm công đối với các địa phương dự án đi qua. Việc thu hút một lượng lao động lớn để thi công công trình dọc tuyến cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ làm lây lan các bệnh dịch truyền nhiễm, tiếng ồn, khói bụi, môi trường sống… cần có giải pháp ngay từ đầu. Về môi trường, đại biểu cho rằng cần hoàn thổ và trồng lại rừng, tạo cảnh quan phù hợp với đời sống mỗi địa phương đó.
Gửi phản hồi
In bài viết