Trước đó, tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, sau ngày 31-12-2021 (thời điểm hoàn thành việc hỗ trợ đối với người lao động) vẫn còn hơn 414 nghìn lao động thuộc đối tượng hỗ trợ đã nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ đúng thời hạn theo quy định nhưng chưa được chi trả với số tiền dự kiến khoảng 1.155 tỷ đồng. Nguyên nhân là do hồ sơ đề nghị vào hạn chót, quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp của nhiều người phức tạp, nhân thân của người lao động chưa chính xác nên cần xác minh thêm, sai thông tin số tài khoản ngân hàng; một số đơn vị sử dụng lao động đặc thù gửi danh sách đề nghị hưởng mà chưa kịp rà soát, kiểm tra, hoàn thiện thông tin đề nghị hưởng hỗ trợ của người lao động…
Có thể thấy thời gian qua, Nghị quyết số 03 được người lao động, người sử dụng lao động đón nhận, đánh giá cao và cho rằng đây là chính sách hỗ trợ trên diện rộng, trực tiếp, thiết thực, kịp thời, đúng thời điểm đối với người lao động, người sử dụng lao động tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp trong thời điểm khó khăn của dịch bệnh Covid-19. Nghị quyết thể hiện sự đúng đắn, kịp thời quan điểm nhất quán của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng và ban hành các chính sách nhằm góp phần hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động vượt qua khó khăn do bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19.
Thực hiện Nghị quyết 03, Chính phủ, các bộ, ngành và cơ quan, địa phương đã triển khai thực hiện, tổ chức kịp thời, nhanh chóng; đã thực hiện chi trả cho gần 13 triệu người lao động với số tiền hơn 30.800 tỷ đồng; giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với người sử dụng lao động đến 31-7-2022 đối với hơn 346.000 đơn vị sử dụng lao động với số tiền hơn 7.559 tỷ đồng.
Việc Ủy ban Thường vụ Quốc bàn hành nghị quyết tiếp tục hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 03 một lần nữa cho thấy Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm, bảo vệ và chăm lo quyền lợi người lao động, đảm bảo công bằng giữa các đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, tạo sự đồng thuận và củng cố niềm tin của người lao động vào chính sách bảo hiểm thất nghiệp, cho thấy lợi ích của việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp - là “giá đỡ” cho người lao động gặp khó khăn. Từ đó, khuyến khích người lao động tham gia và chấp hành các quy định của pháp luật về chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Gửi phản hồi
In bài viết